Hội đua bò Bảy Núi

Hội đua bò Bảy Núi
TP - Tiếng nhạc ngũ âm rộn ràng thôi thúc dòng người đến chùa Thom Mít, xã Vĩnh Trung (Tịnh Biên) xem hội đua bò Bảy Núi lần thứ 18 vào ngày 18/9.

Từ xưa đến nay

Hàng năm vào giữa tháng 10 Âm lịch, đồng bào Khmer ở An Giang có hội đua bò Bảy Núi, loại hình thể thao văn hóa cổ truyền độc nhất vô nhị ở Nam bộ. Thời xa xưa, người Khmer vùng Bảy Núi (Thất Sơn) sống theo các phum sóc ở chân núi, làm ruộng rẫy, nuôi bò để cày kéo.

Vào mùa lúa chín, gặt hái xong dùng xe bò chở lúa về nhà, họ thường rủ nhau đua trên những con đường băng qua cánh đồng đầy gốc rạ và bờ ruộng nhấp nhô, có chiếc xe bị lật làm đổ hết lúa và người bị thương tích, cho nên họ hạn chế và bỏ dần cuộc đua nguy hiểm này. Chờ đến sa mưa đủ nước cho vụ mùa mới, những đôi bò trong xóm cùng cày bừa xong đất của nhà này, sang đất của hộ khác, giúp nhau đổi công nên việc cày bừa nhanh hơn và đông vui.

Để chứng tỏ đôi bò mình khỏe, một số chủ bò cao hứng thách nhau thi thố tài năng, ai điều khiển cho đôi bò cày bừa xong sớm sẽ chiến thắng. Từ những cuộc đua chơi đã trở thành môn nghệ thuật hấp dẫn. Đôi bò vô địch ở phum sóc này hết đối thủ, kéo nhau đến thi đấu với đôi bò của phum sóc khác. Từ đó, hình thành tập quán đua bò ở các phum sóc trong vùng Bảy Núi.

Để duy trì môn đua bò truyền thống của đồng bào Khmer miệt Bảy Núi, từ năm 1992, hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên thay phiên nhau tổ chức lễ hội đua bò truyền thống.

Mục đích là chọn những đôi bò khỏe, để nâng cao chất lượng đàn bò ở địa phương, lấy sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát huy sức mạnh đoàn kết cộng đồng dân cư trong phum sóc. Sân đua bò là một thửa ruộng hình chữ nhật ngập ít nước, dài  khoảng 160m và rộng 80m, chung quanh có bờ đê cao để người đứng xem và cổ vũ, cuối đường đua có khoảng trống để đôi bò đến đích chạy ra ngoài sân.

 Trong cuộc đua, chủ đôi bò lần lượt bốc thăm từng cặp thi đấu loại trực tiếp, cuối cùng tranh giải nhất, nhì, ba, tư và chọn người điều khiển đôi bò giỏi nhất. Loại hình thể thao độc nhất vô nhị này đã hấp dẫn nhiều nông dân trong tỉnh, cùng du khách thập phương hâm mộ đến xem và cổ vũ sôi nổi trong ngày hội đua bò Bảy Núi ở An Giang.

Người mù giỏi chọn bò

Ở An Giang, nói về biệt tài xem xoáy chọn con bò cày giỏi thì không ai hơn anh Nguyễn Văn Khổng ở phum Tà Ngáo, xã An Phú (Tịnh Biên). Tuy bị mù từ lúc 11 tuổi, nhờ theo người thân lái bò nên anh Khổng học được bí quyết nhà nghề gần 30 năm nay.

Bằng cách biết lắng nghe, ghi nhớ những gì thương lái đến mua bò nói nên anh tích lũy dần kinh nghiệm. Đôi mắt không nhìn được như người bình thường, chỉ sờ con bò bằng tay, dựa vào kinh nghiệm nên anh nói đâu trúng đó. Anh cho biết con bò cày khỏe như con trâu cũng phải đủ sáu cái xoáy lệ. Hai xoáy ở chân trước, một xoáy ở lưng, một xoáy mặt và xoáy ở hai chân sừng (gần kẹt lỗ tai). Thường xoáy tốt của con bò cày giỏi lại là xoáy kỵ của con trâu. Chẳng hạn con trâu có xoáy mông là tốt thì con bò là xấu.

Con bò có xoáy xa tinh nằm ngay đỉnh đầu là xoáy kỵ, còn của con trâu là xoáy tam tinh (xoáy tốt). Con bò cày tốt thì không có hai xoáy kỵ (xoáy mông và xa tinh), nên mua về nuôi dưỡng lấy sức kéo. Những con bò có sống lưng u lên, dáng đùi thòng xuống chỉ mua về làm thịt có lợi hơn.

Ngoài việc xem xoáy bò từ đầu đến chân, người mua cần biết vùng đất để bò cày. Nếu cày trên đất phù sa ngập nước thì chọn con bò ở lưng vai u thịt bắp, bốn chân có móng vuốt to khỏe, mới đủ sức cày kéo trên đất bùn lầy. Nếu cày ở vùng đất ven núi đồi nhiều cát thì chọn con bò có thân hình gọn, bốn móng chân tốt và đùi thon chạy nhanh là cày kéo tốt.

Người nông dân mê đua bò

Hội đua bò Bảy Núi ảnh 1
Ông Chau Điêu, đoạt giải tài xế giỏi nhất tại cuộc đua năm ngoái

Ông Chau Chiêu ở xã Núi Tô (Tri Tôn) là nông dân Khmer say mê đua bò lúc tuổi vừa đôi tám, giờ đã gần 50 nhưng ông còn mê môn thể thao đua bò truyền thống này.

Hai người con trai và cháu nội của ông Chiêu cũng ham thích, năm nào cũng theo ông ra sân phía sau nhà để tập luyện đôi bò chuẩn bị tham dự cuộc đua. Qua 17 lần tham gia cuộc đua, các đôi bò của ông Chiêu từng đoạt 1 giải nhất, 2 giải nhì, 4 giải ba.

Rút kinh nghiệm qua các lần đua bò để có thứ hạng cao, ông Chiêu chăm sóc tốt đôi bò đua từng đoạt giải nhì, bán lúa bù thêm tiền cất giữ gần năm mươi triệu đồng để mua con bò mới màu trắng sung sức hơn thay một trong hai con bò cũ. Với kinh nghiệm nhà nghề, ông Chiêu cho biết tiêu chuẩn lựa chọn: "Con bò đua phải đủ tuổi và hai con đồng sức với nhau.

Vóc dáng con bò có phần ngực nở mình gân, phần bụng hơi thon về phía mông, hai chân sau khỏe. Bò có đôi mắt sáng, hai sừng cong đều hướng về phía trước, xoáy ót giữa hai sừng nằm trước dây xỏ mũi khi thắt lại. Trên lưng bò có xoáy ngay giữa, cách cái gu chừng một tấc là tốt, bộ lông nhuyễn bám sát da ít thấm nước (chịu lạnh giỏi). Bốn chân cao và đuôi không dị tật, mỗi chân có đủ bốn móng bám đất tốt, chân sau khi bước tới cách dấu chân trước hai tấc".

Năm qua, tại trường đua chùa Tà Miệt, xã Lương Phi (Tri Tôn), ông Chiêu cố gắng chăm sóc tốt và tập luyện đôi bò cũ quen trường đua đông người, do bốc thăm đi sau đôi bò đối thủ nên ông đứng nhiều trên cái bừa, cố gắng điều khiển đôi bò mình chạy qua mặt khi gần hết hai vòng hô (vòng đầu). Nhưng chưa vào vòng thả (vòng nước rút, từ cờ vàng đến cờ xanh dài 20m), đôi bò ông chạy sau quá đà đạp lên bừa đôi bò trước khi còn trong đoạn đường chưa cho phép nên bị loại, ông Chiêu không thể giành thắng lợi để vào vòng đua bán kết.

Năm nay, nghe ngóng trong huyện và tỉnh có những đôi bò mới giỏi hơn tham gia cuộc đua, ông Chau Chiêu cùng hai con trai ra sức chăm sóc bồi dưỡng, tập luyện hai đôi bò đua cũ để giành lại giải cao đã mất trong mùa thi đấu trước. Qua cuộc đua bò lần thứ 5, huyện Tri Tôn chọn 21 đôi bò mạnh ở các xã đi dự giải Đua bò Bảy Núi lần thứ 18 năm nay, trong đó có đôi bò ông Chiêu do con trai lớn làm tài xế lúc đua. Trong cuộc đua, quyết định thắng bại phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm người điều khiển đôi bò, tài xế giỏi ở hai vòng hô và vào vòng thả chạy nhanh về đích không phạm luật.

Ban tổ chức cho biết năm nay có 72 đôi bò ở các huyện có phong trào trong tỉnh An Giang tranh tài. 

MỚI - NÓNG