Đà Lạt sẽ hết thông?

Đà Lạt sẽ hết thông?
TP - Hơn 50 cơ quan và hộ dân đồng loạt gửi đơn xin đốn hạ cây thông trong ba ngày qua như lời cảnh báo về hiểm họa thông già cỗi và nguy cơ xóa sổ rừng thông nội ô vốn làm cho Đà Lạt thơ mộng.
Đà Lạt sẽ hết thông? ảnh 1
Cây thông cổ thụ rỗng ruột ngã đè chết người

Ngày 7/10, Ban quản lý rừng nội ô (Cty Quản lý Công trình Đô thị Đà Lạt) cho biết, chỉ trong vài ngày qua, đã có 49 cây thông cổ thụ ngã đổ làm chết hai người, bị thương hàng chục người, sụp đổ gần 20 ngôi nhà, đè bẹp nhiều ô tô, xe máy, gây ách tắc giao thông trên nhiều tuyến phố, đường đèo... Ngoài ra, đơn vị phải cưa hạ khẩn cấp 47 cây thông già bị gió xô nghiêng trên đường phố hoặc trong khu dân cư để ngăn ngừa hậu họa. 

Chưa bao giờ thông Đà Lạt bị ngã đổ nhiều và gây hậu quả nặng nề đến vậy nên nhiều người lo âu về sự tồn tại của những cây thông cổ thụ trong khuôn viên cơ quan, trường học và nhà riêng của mình.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đà Lạt Vũ Đình Cường cho biết, chỉ trong ba ngày qua đã tiếp nhận hơn 50 lá đơn của các cơ quan và người dân đề nghị cưa hạ những cây thông có nguy cơ ngã đổ. Ban quản lý rừng nội ô cũng vừa kiểm tra phát hiện thêm hàng chục cây thông già khô cành, rỗng ruột hoặc bị chớm rễ, xô nghiêng.

Ông Cường cho hay, đã phải triệu tập toàn bộ kiểm lâm viên từ các phường xã về đơn vị để xác minh đơn thư của các cơ quan và hộ dân. Cây nào có khả năng gây nguy hiểm sẽ đề nghị UBND TP. Đà Lạt cho cưa hạ ngay. Tuy nhiên, trước khi đốn thông, Hạt sẽ làm rõ thông chết tự nhiên do già cỗi hay là hậu quả của hành vi phá hoại. Người nào cố tình làm chết cây sẽ bị xử lý.

Nhiều hộ đã lấn chiếm đất trái phép để làm nhà trong rừng; triệt hạ thông xung quanh nhà bằng cách lén lút cắt rễ cây, khoan lỗ trên thân cây rồi bơm hóa chất độc hại vào làm cây chết từ từ để lấn chiếm đất rừng, xây hoặc cơi nới nhà trái phép...

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng cây ngã đổ hàng loạt là rừng thông nội ô Đà Lạt đã bị lão hóa (trên dưới cả trăm năm tuổi). Nhiều cây bề ngoài cành lá vẫn xanh tốt nhưng rễ đang chết dần, thân bị rỗng nên có thể đổ bất cứ lúc nào.

Lẽ thường cây già cỗi thì nên đốn hạ để khai thác gỗ đồng thời phòng tránh tai nạn. Thế nhưng, nếu cưa hạ toàn bộ thông cổ thụ thì Đà Lạt sẽ không còn rừng nội ô nữa, bởi lớp thông kế cận rất ít.

Những năm gần đây, nhiều chuyên gia đã cảnh báo phải gấp rút cải tạo rừng thông Đà Lạt theo hướng phát triển bền vững: Loại bỏ dần những cây già cỗi đồng thời tái sinh tự nhiên rừng  một cách thật khoa học. Thế nhưng, chính quyền và ban ngành chức năng vẫn chưa thực sự quan tâm.

Hiện Đà Lạt chỉ còn không quá 10.000 cây thông cổ thụ nội ô, trong khi mỗi năm phải chặt hạ từ 300 đến 400 cây vì chết già, bị phá hoại hoặc ngã đổ do thiên tai.

Với đà này, chỉ mươi năm nữa, hầu hết thông cổ thụ sẽ biến mất trong khi lớp thông kế cận thưa vắng. Đà Lạt sẽ không còn là thành phố trong lành, xanh mát, bốn mùa vi vút tiếng thông reo...

MỚI - NÓNG