Lỗ ngàn tỷ, hòa cả làng - Bài 2:

Nợ về nhà nước, trách nhiệm tuột trôi

Nợ về nhà nước, trách nhiệm tuột trôi
TP - Tình trạng nợ nần chồng chất, năm sau cao hơn năm trước tại Vinawaco, đã được ông Lưu Đình Tiến, quyền Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc thừa nhận.

Chỉ riêng lãi suất ngân hàng mà doanh nghiệp phải trả hằng năm lên tới 130 tỷ đồng, cao hơn nhiều lần so với lợi nhuận mà đơn vị này làm ra trong một năm.

Nợ về nhà nước, trách nhiệm tuột trôi ảnh 1
Đê chắn sóng biển Tiên Sa nối dài, một trong những công trình lớn do Vinawaco thực hiện

Ai chịu?

Về trách nhiệm trước những khoản lỗ, ông Lưu Đình Tiến nói: “Thanh tra Chính phủ xuống làm việc cũng kết luận khoản lỗ là lỗ do lịch sử để lại. Lãnh đạo đơn vị cũng kiến nghị trách nhiệm gây ra thua lỗ của tổng Cty thì cứ theo kết luận của Bộ Tài chính quy trách nhiệm ai đầu tư thì phải chịu kỷ luật.

Đoàn giám sát của Quốc hội cũng kiến nghị bộ phận nào của doanh nghiệp yếu thì thay chứ không nên để tổng Cty chết. Còn nếu đúng tôi làm thua lỗ như vậy thì Bộ đã cho nghỉ lâu rồi chứ ai để như vậy”.

Cơ quan chức năng kiểm tra, quy trách nhiệm, nhưng các đời lãnh đạo, người nghỉ hưu, người chuyển công tác khác. Tất cả hạ cánh an toàn. Năm 1997, Vinawaco vay vốn ngân hàng mua 3 tàu nạo vét của Mỹ với giá khoảng 80 tỷ đồng/chiếc (tương đương 6 triệu USD). Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ trầm trọng của các tổng Cty trong những năm sau đó.

Từ năm 2000 đến năm 2005, Vinawaco đã thua lỗ ít nhất hơn 70 tỷ đồng từ các dự án cảng Tiên Sa, Phú Mỹ. Trong đó, năm 2000, tại Dự án Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), dưới thời Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hữu Đức và Tổng giám đốc Lê Đắc Bính, Vinawaco đã trúng thầu với giá bỏ thầu là 98 tỷ đồng, bằng 46% giá trần. Với giá bỏ thầu này, Vinawaco đã lỗ 25 tỷ đồng. Nhưng rút cuộc, lãnh đạo tổng Cty không ai bị kỷ luật gì.

Tháng 9-2003, ông Dương Chí Dũng được điều về làm Tổng Giám đốc Vinawaco. Khi ấy Vinawaco đang mất khả năng thanh toán 352 tỷ đồng.

Năm 2006, ông Lưu Đình Tiến được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vinawaco. Khi đó, thua lỗ tại đơn vị này ở mức 663 tỷ đồng, trong đó lỗ lũy kế 411 tỷ đồng, lỗ do âm vốn chủ sở hữu 252 tỷ đồng. Các khoản lỗ cứ ngày càng tăng, năm 2008 âm vốn chủ sở hữu lên tới 464,43 tỷ đồng.

Cục nợ về với nhà nước

Trao đổi với Tiền Phong, về tình trạng nợ nần của tổng Cty, ông Tiến cho biết: Chỉ tính riêng tiền lãi ngân hàng và trượt giá ngoại tệ thì mỗi năm phải trả nợ tới 130 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận cao nhất của Vinawaco trong 4 năm gần đây mới đạt gần 30 tỷ đồng/năm. Trừ toàn bộ tiền lãi, mỗi năm tổng Cty phải gánh thêm 100 tỷ đồng tiền lãi phát sinh.

Lãnh đạo Vinawaco cho biết, tổng Cty có tên trong danh sách giám sát đặc biệt của Bộ Tài chính.

Cuối năm nào cũng có đoàn vào kiểm tra xem tổng Cty làm ăn thế nào, tách bạch khoản nợ cũ và cái mới xem có thua lỗ hay không. Nếu không được khoanh nợ thì mỗi năm lãi mẹ đẻ lãi con. Chỉ tính riêng lãi vay ngân hàng mỗi năm Vinawaco phải trả 100 tỷ đồng.

Theo ông Tiến, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đồng ý khoanh số nợ khổng lồ này, nhưng sau đó do có kiện tụng, tố cáo triền miên nên việc xóa nợ cho đơn vị chưa diễn ra. Khi đó, các thủ tục khoanh nợ được làm xong. HĐQT tổng Cty cũng nhất trí việc xin xử lý nợ theo Nghị định 791 để Tổng Cty bước sang trang mới.

Tuy nhiên, sau đó trong nội bộ doanh nghiệp xuất hiện đơn thư khiếu kiện vị Tổng giám đốc Vinawaco tiền nhiệm chạy lãnh đạo Bộ Tài chính 300.000 đô la để được xóa nợ. Thông tin này khiến thanh tra vào cuộc và mọi việc bị đình lại.

Năm 2007, thanh tra Bộ Tài chính vào kiểm tra tại doanh nghiệp trong 8 tháng và kết luận không có việc tham ô, chạy chọt lãnh đạo Bộ Tài chính.

Hiện Chính phủ đành chấp thuận cho giải quyết khoản thua lỗ tại các công ty thông qua mua bán nợ. Tính đến hết năm 2009, còn 8 Cty thua lỗ đang chờ giải quyết thông qua mua bán nợ vào tháng 7 tới.

Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những khoản lỗ lên tới hơn 1.100 tỷ đồng và việc mất vốn chủ sở hữu của nhà nước tại tổng Cty này trong những năm qua?

Theo tính toán, chỉ riêng việc được xóa nợ 3 tàu nạo vét trị giá hơn 200 tỷ đồng như đã nói ở trên và cho phá sản 4 doanh nghiệp trực thuộc bị thua lỗ nhiều thì Vinawaco sẽ giảm được khoản lỗ lên tới 470 tỷ đồng.

Điều này đồng nghĩa với việc cục nợ thuộc doanh nghiệp này sẽ chuyển sang đôi vai ngân sách nhà nước. Và như vậy sau khi khoản nợ nghìn tỷ đồng được xóa thì đương nhiên trách nhiệm của các lãnh đạo Vinawaco cũng được cởi bỏ. Mọi việc lại hòa cả làng. 

MỚI - NÓNG