TPHCM: “Ma trận” đào đường

TPHCM: “Ma trận” đào đường
Từ cuối năm 2004 đến tháng 9/2005 đã có hơn 300 vụ vi phạm đào đường ở TPHCM. Đứng đầu sổ là Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 với 94 lần vi phạm
TPHCM: “Ma trận” đào đường ảnh 1
Công trình cải tạo hệ thống thoát nước Tô Hiến Thành - Cống Bà Xếp tại ngã ba Tô Hiến Thành - Cách Mạng Tháng Tám thường xuyên gây kẹt xe. Ảnh: B.Trung

Hình như đi bất cứ nơi đâu người dân TP cũng thấy đào đường. Ra phố là mặc nhiên phải đối diện với những con đường nát bét, khói bụi, tai nạn rình rập...

Gây ra sự cố, tai nạn thương tâm

Hệ thống đèn tín hiệu giao thông của TP mới vừa đầu tư hết 3,5 triệu USD, lắp đặt tại hàng trăm giao lộ, chỉ hoạt động chưa được 4 tháng thì đã hư vài chục chiếc “đầu dò”, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Thủ phạm chủ yếu của việc này là do “ông” đào đường.

Người dân TP chưa thể quên chuyện đau lòng trước đây do đào đường ở khu vực thi công cụm công trình cấp nước tại khu vực An Sương (huyện Hóc Môn) và quận 12. Hai em nhỏ tuổi 15, khi đi qua khu vực thi công công trình đã trượt chân rớt xuống chết đuối vì nước mưa đọng dưới hố đào. Anh Lý Anh Tuấn chạy xe máy qua khu vực này cũng đã rớt xuống hố sâu 3 mét.

Điều đáng nói là tại các công trình thi công này không có biển báo, rào chắn, phương án an toàn thi công hoặc có cũng sơ sài, tạm bợ.

Đủ mánh đào đường

Theo Sở GTCC TP, chỉ tính riêng từ cuối năm 2004 đến tháng 9/2005, TP đã có hơn 300 vụ vi phạm đào đường. Thế nhưng các đơn vị này vẫn không chịu đóng phạt. Điều đáng nói nổi bật nhất trong bảng danh sách vi phạm hoạt động đào đường chủ yếu là những “ông” đơn vị Nhà nước, thuộc Sở GTCC.

Điểm mặt sơ bộ như: Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 với kỷ lục 94 vụ vi phạm, kế đến Cty Thoát nước đô thị với 59 vụ, tiếp đến Ban Quản lý Dự án Công trình đô thị TP với 31 vụ. Tổng Cty Cấp nước “thành tích” cũng khá với 29 vụ...

Một cán bộ ngành giao thông thừa nhận việc đào đường như “ma trận” thật khó kiểm soát. Các mánh khóe của đào đường luôn thiên biến vạn hóa. Theo một cán bộ trong ngành, các trường hợp thường thấy là khi thi công xong, đơn vị thi công “bỏ của chạy lấy người” để lại hậu quả cho đơn vị chủ đầu tư gánh chịu. Rồi khi Sở GTCC tiến hành phạt chủ đầu tư thì lại nhận được sự năn nỉ: Phải chờ truy lùng đơn vị thi công đòi tiền.

Một mánh khóe khác mà các đơn vị vi phạm áp dụng là khi bị rút giấy phép, ngưng cấp giấy phép thì tìm cách giải tán và đổi tên, thành lập Cty mới để tiếp tục đào đường... Thực tế đã có nhiều đơn vị bị cấm hoạt động hẳn, nhưng bẵng đi một thời gian thì thấy hoạt động với cái tên khác.

Trong một cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Xuân Bảng - Trưởng phòng Quản lý Giao thông đô thị Sở GTCC, nhìn nhận biện pháp chế tài áp dụng cho nạn đào đường, tái lập mặt đường TP chưa đủ răn đe, vì vậy họ cứ mặc nhiên chai lì.

Phải xử nghiêm cho dân nhờ

Thời điểm cuối năm là hoạt động đào đường rầm rộ nhất. Những con đường đang bình yên lại tiếp tục bị băm xẻ, trong khi đó tháng nào lãnh đạo Sở GTCC cũng họp bàn chấn chỉnh công tác đào đường.

Thực tế, quy định về đào đường, tái lập mặt đường của Sở GTCC và UBND TP đã đầy đủ những yếu tố về trách nhiệm cũng như các biện pháp xử lý các đơn vị vi phạm.

Theo đó, khi xây lắp các công trình kỹ thuật trên địa bàn TP, chủ đầu tư và đơn vị thi công chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự cố trên đường trong phạm vi công trình.

Tuy vậy, càng ra nhiều quy định, quyết định bao nhiêu thì các “ông đào” vẫn cố tình lờ đi, chỉ có đường và người đi đường lãnh đủ.

MỚI - NÓNG