Loạn kính mắt

Những loại kính bày bán trên vỉa hè này chỉ có giá từ vài chục ngàn đến hơn trăm ngàn đồng/chiếc
Những loại kính bày bán trên vỉa hè này chỉ có giá từ vài chục ngàn đến hơn trăm ngàn đồng/chiếc
TP - Không có cơ quan nào kiểm tra chất lượng kính mắt, cũng chẳng có tiêu chuẩn nào cho kính mắt được ban hành. Mặt hàng này hời đến nỗi, ngay cả những người nông dân quê lúa Thái Bình cũng đua nhau làm kính để bán khắp các vỉa hè chốn thị thành.

Càng đến hè, Hà Nội càng “mọc” nhiều những “bãi” kính bán rong trên đường, phố. Như chị N, quê ở Thái Bình, trước làm ruộng, nhưng giờ chuyển sang làm kính, rồi mang lên Hà Nội bán ở đường Giải Phóng. Chị cho biết: kính của chị bán là do một làng ở huyện Đông Hưng, Thái Bình sản xuất; thậm chí, có nhiều cái là do tự chị mua gọng và mắt kính về lắp.

Còn anh V, bán kính cạnh vườn Bách Thảo quảng cáo: “yên tâm đi, kính xịn đấy, toàn do Thái Bình sản xuất thôi!”.

Theo tìm hiểu thì giá mỗi chiếc kính này khoảng 50.000 -100.000 đồng, tùy loại, nhưng có thể mặc cả với giá 30.000 đồng là mua được.

Loạn kính

Một trong những khu vực bán kính nhiều nhất ở Hà Nội là đầu phố Lương Văn Can. Theo người bán hàng ở số nhà 58A phố này, phần lớn kính ở đây là nhập từ Trung Quốc, nhại theo các kiểu của châu Âu, giá từ vài trăm nghìn cho đến 3-4 triệu đồng.

Còn trên phố Tràng Tiền, một chủ hàng cho biết: kính được bán ở đây là nhập từ Hàn Quốc. Giá gọng kính bình dân khoảng 200.000 - 300.000 đồng, giá mắt kính khoảng 100.000 - 200.000 đồng.

Ngay cạnh Viện Mắt T.Ư trên phố Bà Triệu, người mua cũng hoa mắt với các thương hiệu được quảng cáo là của Hồng Kông, Mỹ, Italia... Theo lời TS.BS Lê Kim Xuân, Viện Mắt T.Ư: “Người ta có thể mua vài chục ngàn và bán với giá vài trăm, thậm chí mấy triệu đồng”.

Phó phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, ông Hoàng Hùng Thiệp cho biết: năm vừa rồi, chi cục đã phát hiện và tiêu hủy hơn 32.000 chiếc kính lậu (chủ yếu là xuất xứ Trung Quốc), hơn 700 chiếc kính giả nhãn hiệu.

Tuy nhiên, ông Thiệp cũng thừa nhận là việc xử lý này chỉ tập trung vào xuất xứ, giấy tờ chứng thực... chứ chưa bao giờ Chi cục kiểm tra chất lượng các loại kính, vì “cần phải phối hợp với trung tâm đo lường chất lượng bởi quản lý thị trường không có chuyên môn về kính”.

“Thả nổi hết”

PV Tiền Phong đã tới Trung tâm Đo lường chất lượng (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) bất ngờ khi biết ở đây không hề có tiêu chuẩn chất lượng các loại kính mắt thông thường mà chỉ có tiêu chuẩn kính bảo hộ lao động. Phó Viện trưởng Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam thuộc Trung tâm Đo lường Chất lượng bà Ngô Thị Ngọc Hà giải thích: Muốn xây dựng tiêu chuẩn thì phải căn cứ vào đề nghị thì Viện mới làm. Nhưng khi chúng tôi hỏi ai đề nghị thì bà Hà nói: “Bộ Khoa học và Công nghệ không thể tự đề xuất”.

TS- BS Lê Kim Xuân, Viện Mắt T.Ư cho biết Bộ Y tế cũng không có cơ quan nào kiểm tra chất lượng các loại kính mắt. “Chả có ai kiểm tra cả. Thả nổi hết” – TS. BS Xuân khẳng định.

Nguy hiểm

TS.BS Xuân cho biết nếu đeo kính không đúng số sẽ gây nhức mắt, dẫn đến đau đầu, giảm hiệu quả lao động, lâu dần sẽ giảm thị lực. Tuy nhiên, người lớn khi cảm thấy nhức mắt có thể biết điều chỉnh để thay loại khác, nhưng trẻ nhỏ tuy nhức mắt nhưng vẫn đeo kính theo lời bố mẹ, thì sẽ nhanh bị tăng số, mắt kém đi.

TS. BS Xuân cũng cảnh báo việc đo mắt hiện nay ở nhiều cửa hàng không có đủ máy khúc xạ tĩnh, nên với trẻ nhỏ có thể gây sai số. “Có em ban đầu đo khúc xạ động có thể cận 2-3 đi ốp. Nhưng đo khúc xạ tĩnh lại thấy bình thường, không phải đeo kính. Độ lệch của trẻ nhỏ từ 1 đến 14 đi ốp” - chuyên gia mắt này cho hay.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tại các cửa hàng đo kính hiện nay đều không có máy đo khúc xạ tĩnh mà chỉ có máy đo khúc xạ động. TS.BS Xuân nói: “Phải có máy đo khúc xạ tĩnh số đo mới chính xác, đặc biệt với trẻ nhỏ vì sai số lớn. Khi đo mắt phải có bác sĩ cấp đơn kính, không thể tùy tiện được”.

MỚI - NÓNG