Ra khơi - đoàn kết một lòng

Ngư dân không cô độc giữa biển khơi
Ngư dân không cô độc giữa biển khơi
TP - Đang mùa biển lặng cá đầy, ngư dân đương nhiên không thể vì lệnh cấm vô lý mà bỏ ngư trường. Nhưng để tiếp tục nổ máy đạp sóng ra khơi đánh bắt ở nơi tiềm ẩn khó khăn mới, họ cần một lá chắn vững chắc. Đó chính là sự đoàn kết một lòng…

>> 500 ngư dân liên kết bám biển Hoàng Sa

Ngư dân không cô độc giữa biển khơi
Ngư dân không cô độc giữa biển khơi.


Không cô đơn giữa biển

Chiếc tàu QNg 94734 TS với 120 CV của anh Phạm Lệ (Đức Phổ, Quảng Ngãi) nổ máy xình xịch nhằm hướng Hoàng Sa thẳng tiến. Vừa cập bờ sau chuyến ra khơi thất bát nhưng anh Lệ cùng các thuyền viên không nản chí. “Biết là sẽ có thêm nhiều khó khăn nhưng biển là nhà, là chốn mưu sinh nên anh em sẽ quyết bám biển, bảo vệ chủ quyền, không thể chấp nhận lệnh cấm vô lý của Trung Quốc” - thuyền trưởng Lệ nói.

Khác với những chuyến đi trước, lần này không chỉ có 5 – 6 bạn thuyền như thường lệ, anh Lệ huy động hơn một chục thuyền trưởng khác cùng liên kết ra khơi. Thuyền trưởng Vĩnh Hiếu tàu QNg 94416 TS bộc bạch: Càng khó khăn thì ngư dân càng cố kết lại vừa để đối phó khi thời tiết bất lợi, vừa hỗ trợ nhau trong công tác thông tin và đặc biệt tăng cảnh giác với sự xâm nhập trái phép của tàu chiến các nước, nhằm uy hiếp ngư dân chúng tôi.

"Với việc hình thành tổ đội cũng như đảm bảo tốt liên lạc, ngư dân không cô độc trên biển và cũng luôn có sự hỗ trợ từ trên bờ" - Thiếu tá Nguyễn Hữu Thanh 

Theo ông Ngụy Bon (44 tuổi, Đức Phổ) - thuyền trưởng tàu QNg 98948 TS, Hoàng Sa vẫn sẽ là điểm đến của chúng tôi. Các bạn thuyền giờ rủ nhau đi đông hơn để bảo vệ nhau. Chúng tôi sẽ trang bị thêm nhiều nguyên liệu, lương thực, thời gian ra khơi sẽ lâu hơn, tần suất làm sẽ nhiều hơn để khắc phục khó khăn trước mắt, không để lỗ tổn quá cao.

Cảng tàu Lý Sơn như thường lệ vẫn luôn tấp nập tàu ngư dân chuẩn bị khởi hành ra ngư trường Hoàng Sa. Hai ngư phủ Đặng Văn Toàn và Nguyễn Thế Anh (An Vĩnh) đang sửa sang lại máy móc, xem xét lương thực, nhu yếu phẩm, oang oang nói: Xem ra đầy đủ cả rồi, gạo muối nước mắm mì chính, nước yến, bò húc, thuốc lá… đầy đủ cả. Cúng quảy xong rồi. Lại ra Hoàng Sa thôi.

Anh Toàn bây giờ đi bạn trên thuyền người khác vì năm 2008, tàu anh bị Trung Quốc bắt cho đến nay vẫn chưa thể gượng dậy đóng tàu mới. Anh Toàn bộc bạch: “Kỳ trước (tức cách đây 5 - 6 năm) tụi tui hay đi riêng lẻ. Ai làm người nấy biết. Nhưng từ nay, dân Lý Sơn hay Bình Châu đều đi cặp, có bạn với nhau hết”.

Tại âu thuyền Thọ Quang, Thuận Phước hay dọc bãi neo đậu đường Trần Hưng Đạo (Sơn Trà – Đà Nẵng), hàng chục tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng, Quảng Nam đến Quảng Ngãi, Bình Định cũng đang chuẩn bị ra khơi.

Phương châm của các thuyền trưởng lúc này là cùng nhau hợp lực, liên kết. Các tàu ít công suất sẽ theo cùng các tàu có công suất lớn hơn. Các đội ra khơi đông và đảm bảo sự thông tin mật thiết. Điều làm hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng không còn lo ngại chính là sự phát huy hiệu quả từ mô hình Tổ đội khai thác hải sản - ngư dân tự cứu nhau.

Thuyền trưởng Phạm Văn Ngọc (An Hải Tây, Sơn Trà) tàu ĐNa 1898 TS cho biết: Có mô hình này, anh em càng hiểu nhau, liêt kết chặt chẽ với nhau. Trước đây gặp bão lũ anh em cũng yên tâm vì mọi tàu thuyền cũng sát cánh bên nhau, giờ trước lệnh cấm này, các bạn tàu lại cùng nhau thêm cố kết.

Hỗ trợ từ trên bờ

Ông Võ Xuân Huyện - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) nói: “Năm nào cũng thế, cứ đến mùa đánh được cá nhiều là họ (tức phía Trung Quốc - PV) lại cấm biển. Đó là cái lệnh vô lý nhất mà tôi được biết. Tôi không khuyến khích dân lao đầu vào chỗ bị bắt bớ, nhưng về phía chính quyền, chúng tôi luôn tuyên truyền và trang bị cho ngư dân về kiến thức biển đảo, về chủ quyền biên giới nên họ tự hiểu rằng, biển của ta thì ta có quyền vào ra đánh bắt”. Ông Huyện cũng bày tỏ, với nguồn ngân sách hiện tại, huyện rất khó khăn trong việc hỗ trợ vốn liếng cũng như ủng hộ cho những ngư dân bị bắt.

Ngoài mô hình Tổ đội dánh bắt xa bờ, Đà Nẵng cũng đã triển khai đề án xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ biển (DQTV) để hỗ trợ tàu thuyền, ngư dân trên biển.

Theo BCH Quân sự TP Đà Nẵng: Lực lượng DQTV biển đều được tập huấn, tìm hiểu rõ pháp luật về biển, nắm vững kỹ năng quân sự, phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng khác sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống xảy ra…

Đã có 82 tàu thuyền có tổ chức DQTV biển, 13 phường của 5 quận và một cơ sở nhà nước có DQTV biển.  

Theo ông Nguyễn Văn Lê – Trưởng phòng Kinh tế huyện Lý Sơn, hiện hòn đảo này có khoảng 110 tàu đánh bắt xa bờ, cùng liên kết với nhau ra Hoàng Sa để tăng thêm sức mạnh và sự đoàn kết.

“Hồi trước chúng tôi chia thành tổ đội, nhưng sau này cảm thấy không phù hợp và chỉ là lý thuyết bởi trên thực tế, ngư dân ra khơi thường đi những giờ không cố định, họ tránh đi trùng và không muốn ai tranh chấp nguồn cá. Nhưng giờ đây, chúng tôi phối hợp với BĐBP khảo sát chặt chẽ từng chủ tàu, gom những tàu là người thân anh em lại. Mỗi khi muốn ra khơi, BĐBP chỉ xuất giấy cho 3 tàu trở lên” – ông Lê nói.

Theo BCH Bộ đội biên phòng Đà Nẵng, hiện Đà Nẵng có trên 45 tổ đội đánh bắt xa bờ với khoảng 100 tàu thuyền công suất lớn đi biển xa, trong đó không ít tàu đi Hoàng Sa. Khi ra khơi, tàu nào có thiết bị thu phát sóng tốt nhất sẽ làm tổ trưởng. Bộ đội Biên phòng trực tiếp chỉ đạo các tổ trưởng, các tổ trưởng liên lạc với các thành viên phổ biến những chỉ đạo của biên phòng.

Khi tàu tổ trưởng mất liên lạc, BĐBP liên lạc trực tiếp với các tổ viên. Các thuyền trưởng phải báo cáo với tổ trưởng ít nhất 1 lần/ngày. Tổ trưởng thực hiện chế độ báo cáo ít nhất ba lần trong ngày với BĐBP về vị trí tàu, số lượng lao động trên tàu và tình trạng tàu cá của tổ. Điều này góp phần theo dõi và hỗ trợ ngư dân khi có tình huống bất lợi xảy ra.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Thanh – Đồn trưởng đồn BP 248, hiện anh em trong đồn quán triệt kỹ tình hình theo dõi ngư dân đánh bắt xa bờ trong điều kiện lệnh cấm biển của Trung Quốc đang được áp dụng. “Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp để kịp thời giải quyết tốt những bất ổn có thể nảy sinh cho ngư dân. Bên cạnh đó, thời gian này chúng tôi siết chặt kiểm soát tàu ra khơi, thông báo kỹ cho ngư dân tình hình phức tạp ở biển, đồng thời bắt buộc ngư dân ký cam kết phải luôn nối liên lạc với anh em biên phòng, đề phòng bất trắc” – Thiếu tá Nguyễn Hữu Thanh nói.

Được biết, với 3 đài canh và ba máy ICOM loại tốt, hiện tất cả 410 phương tiện, đặc biệt hơn 100 phương tiện đánh bắt xa bờ đều trong tầm kiểm soát của Đồn BP 248 cũng như BCH BĐBP Đà Nẵng.

“Với việc hình thành tổ đội cũng như đảm bảo tốt liên lạc, ngư dân không cô độc trên biển và cũng luôn có sự hỗ trợ từ trên bờ” - Thiếu tá Thanh nói.

Bài 3: Trở về từ Hoàng Sa

MỚI - NÓNG