Có còn sân chơi ngày hè?

Có còn sân chơi ngày hè?
TP - Hè về, chỉ hai từ này đã khiến trái tim hàng triệu trẻ em đập rộn lên. Nhưng… thiếu sân chơi dịp hè đang là tình trạng trẻ em thành phố phải đối diện.
Em Trần Út, xóm Muối, Vĩnh Trạch Đông, TX Bạc Liêu ngồi chờ nước ròng để xuống biển
Em Trần Út, xóm Muối, Vĩnh Trạch Đông, TX Bạc Liêu ngồi chờ nước ròng để xuống biển . Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng

Nhiều hoạt động.

Tháng Hành động vì trẻ em năm 2010, tại TPHCM, nhiều hoạt động đã diễn ra sôi nổi, điển hình là các ngày hội quyên góp đồ cũ, tặng quà cho trẻ em khó khăn tại các mái ấm, nhà mở và bệnh viện.

 Nhiều phụ huynh cho biết nếu hè không có những sân chơi, con trẻ rất dễ say sưa với internet. “Tình trạng nghiện game đang báo động, trong khi ở các quận huyện, tiệm game online mọc lên nhan nhản nên các em dễ bị cuốn vào trò chơi này”- phụ huynh Nguyễn Thị Dung ở quận Bình Tân nói.

Lễ hội “Búp bê dễ thương” sẽ chính thức diễn ra ngày 30-5 tại công viên văn hóa Đầm Sen. Tại đây, gần 2.000 búp bê, sách vở và hơn 500 triệu đồng từ các nhà hảo tâm sẽ được tặng cho hơn 2.000 trẻ.

Thành Đoàn TPHCM cũng tổ chức ngày hội Hoa hồng nhỏ tại trung tâm Hội nghị White Palace vào ngày 31-5 cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trung tâm Thương mại Vicom Center (TPHCM) tổ chức chương trình “Ngày hội của bé tại Vincom Center” từ ngày 29-5 đến 1-6 nhằm tạo ra một sân chơi thú vị dành cho trẻ em và gia đình khi đến tham quan, mua sắm, giải trí tại đây.

Dịp hè cũng là lúc các nhà sách, sân khấu kịch tung ra những sản phẩm mới để thu hút trẻ. Sáng 28-5, tại Nhà thiếu nhi Thành phố, trên 1.000 em thiếu nhi đã tham dự lễ khai mạc “Ngày hội tuổi thơ” hè 2010 với sự tham gia của các Nhà xuất bản Kim Đồng, Cty CP Sách Giáo dục tại TPHCM…

Công tác bảo vệ trẻ em được các ngành chức năng đặc biệt chú trọng trong dịp này. Trong cuộc họp giữa Sở LĐ-TB&XH với Công an TPHCM vừa qua đã thống nhất ngoài đường dây nóng tiếp nhận các vụ trẻ em bị bạo hành do Sở quản lý, sắp tới đây, khi tố giác nạn bạo hành trẻ em, người dân có thể gọi cảnh sát 113, lực lượng này sẽ có mặt ngay để xử lý ban đầu.

Thiếu sân chơi

TPHCM hiện có khoảng 24 Nhà văn hóa thiếu nhi cấp quận, huyện nhưng đồ chơi nghèo nàn, sơ sài, không được làm mới, nâng cấp đã khiến những nơi đây không còn hấp dẫn trẻ em.

Thiếu nhi thị trấn Hộ Phòng đá bóng trên vuông tôm
Thiếu nhi thị trấn Hộ Phòng đá bóng trên vuông tôm . Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng

Theo ghi nhận của chúng tôi, vui chơi trên cầu, ngoài đường hay ngay tại các bờ kênh, rạch đang là cách nhiều trẻ em tìm đến do thiếu chỗ chơi. Giữa trưa nắng như đổ lửa, rất nhiều trẻ em dọc bờ kênh Nhiêu Lộc, quận 3 vô tư thả diều, đùa giỡn ngay cạnh dòng kênh đen ngòm, ô nhiễm.

Gần hai năm nay, sau mỗi lần con gái 10 tuổi đi học về, chị Phan Thị Thanh ở đường Nguyễn Mậu Tuấn, quận 6 vẫn dắt con ra công viên Phú Lâm chơi. Thế nhưng theo chị Thanh, thời gian gần đây công viên này không còn dành cho trẻ nữa, bởi các đôi tình nhân xâm chiếm, tự nhiên âu yếm nhau cả ban ngày lẫn đêm khiến phụ huynh không ai dám cho con trẻ ra chơi.

Theo chị Thanh cho biết, khi chốn công viên dành cho đi bộ, cho các em chạy nhảy, vui đùa bị lấn chiếm, chị đưa con đến Trung tâm Văn hóa thể dục thể thao ở quận 6 để chơi nhưng nơi đây lại nghẹt người, cơ sở vật chất thiếu thốn, chật hẹp nên cũng không thể vui chơi được. “Nếu đi sớm thì còn chỗ để chơi còn không thì tụi nhỏ chỉ đứng nhìn thôi” - chị Thanh nói.

...và chạy đua trên bờ vuông tôm
...và chạy đua trên bờ vuông tôm . Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng

Nhiều phụ huynh ở Bình Chánh cũng cho biết ở Trung tâm Văn hóa Thể dục thể thao huyện, các sân đá bóng đều cho tư nhân thuê, học sinh muốn chơi phải bỏ tiền túi ra thuê theo giờ, các em không có tiền nên đành đứng nhìn hoặc ra đường nhựa đá bóng.

Không có sân chơi, nhà thiếu nhi lại chật hẹp, lại bị trưng dụng làm nhiều việc khác nên nhiều trẻ ở quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Tân… phải lặn lội lên các nhà thiếu nhi, nhà văn hóa ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên việc đăng ký để có được những lớp học như võ thuật, âm nhạc, hội họa, thể thao… cũng không phải dễ.

MỚI - NÓNG