Cả nước khốn khổ vì 'ông độc quyền' - Bài 2

Quạt vuông tôm của nông dân Cà Mau chết đứng vì cúp điện
Quạt vuông tôm của nông dân Cà Mau chết đứng vì cúp điện
TP - Bị cúp điện, ngay cả những nông dân chân lấm tay bùn trên các đầm tôm, doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng khốn đốn.

>> Bài 1 - Công nghiệp không khói nhả khói

Quạt vuông tôm của nông dân Cà Mau chết đứng vì cúp điện
Quạt vuông tôm của nông dân Cà Mau chết đứng vì cúp điện . Ảnh: Tiến Hưng

Nông dân thêm chi phí

Tỉnh Sóc Trăng có 47.000 ha nuôi tôm sú, trong đó diện tích nuôi công nghiệp và bán công nghiệp là 21.000 ha, lớn nhất nước. Lường trước chuyện điện đóm phập phù, UBND tỉnh Sóc Trăng có văn bản yêu cầu Điện lực tỉnh ưu tiên điện cho vùng nuôi tôm.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Minh Hải, Giám đốc Điện lực Sóc Trăng, dù ưu tiên vẫn có giới hạn, vì mỗi ngày nhu cầu điện tại tỉnh lên đến hơn 2 triệu KWh nhưng chỉ được phân bổ trên 1,7 triệu KWh, nên việc cúp điện là đương nhiên.

Trên khu nuôi tôm công nghiệp lớn nhất tỉnh Sóc Trăng ở xã Liêu Tú (huyện Trần Đề), dân luôn than thở thiếu điện.

Ông Nguyễn Văn Nhỏ, một người nuôi tôm, nói: "Nuôi tôm công nghiệp phải chạy hệ thống quạt nước cho vuông tôm ngày mấy lần, chúng tôi đã xây dựng hệ thống điện và mô-tơ khá tốn kém, nay điện bị cúp thì phải mua thêm máy phát điện.

Mỗi vuông tôm rộng 500 - 1.000m2, ít nhất phải có 2 hệ thống quạt nước, tức là phải có 2 máy nổ, nhưng thực tế phải sử dụng 3-4 máy. Giá mỗi máy 4-5 triệu đồng, có khi lên tới 6 triệu đồng. Như vậy là phải chi thêm cả chục triệu đồng cho mỗi vuông tôm, chưa kể chi phí nhiên liệu chạy máy".

Ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Cty Tây Nam, doanh nghiệp có diện tích nuôi tôm lớn ở Sóc Trăng cho biết, khi chưa bị cúp điện liên miên, mỗi tháng Cty Tây Nam thanh toán tiền điện khoảng 250 triệu đồng. Từ lúc bị cúp điện, Cty phải chạy máy phát điện riêng, chi phí đội lên trên 500 triệu đồng.

Từ khi có văn bản của UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu ưu tiên điện cho khu nuôi tôm công nghiệp, Cty không bị cúp thường xuyên nhưng nguồn điện lại yếu, không đủ cho các thiết bị máy móc hoạt động. Hơn nữa bớt cúp ban ngày nhưng vẫn cúp ban đêm, mà nuôi tôm công nghiệp phải chạy quạt nước không kể ngày đêm và còn phải chạy nhiều loại máy phục vụ khác. Vậy nên, chúng tôi vẫn đang gặp khó khăn đủ thứ".

Doanh nghiệp mất mùa

Phải hối lộ để được cấp điện

Đôi nơi, lợi dụng tình cảnh thiếu điện và các nhà máy chế biến thủy sản rất cần điện, cán bộ ngành điện đã đòi hối lộ. Điển hình là ông Lại Đức Việt, GĐ Chi nhánh Điện lực Giồng Riềng (Kiên Giang) và ông Ngô Văn Lợi, cán bộ của Chi nhánh, vừa bị khởi tố, bắt tạm giam vì đòi tiền hối lộ của một số doanh nghiệp khi họ đề nghị tăng lượng điện cung cấp.

Hà Nội vẫn sẽ bị cắt điện để sửa chữa lưới

Sau khi UBND TP Hà Nội có công văn phê bình Tổng Cty Điện lực Hà Nội vì cắt điện tràn lan không báo trước ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, ngày 5-7, tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy, đơn vị này đã chính thức báo cáo về kế hoạch cung ứng điện trong thời gian tới.

Ông Vũ Quang Hùng, phó Tổng giám đốc Tổng Cty Điện lực Hà Nội nói: Thời gian tới, trừ những ngày quá nắng nóng, dịp thi đại học, cao đẳng (trong tháng 7) và dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội (tháng 9 và 10) Hà Nội không bị cúp điện, còn thời gian khác sẽ vẫn phải chịu cảnh cắt điện để sửa chữa, cải tạo lưới điện.

“Nhiều người bảo sao không sửa chữa vào dịp khác mà cắt vào dịp nắng nóng, nhưng việc cắt này cũng phụ thuộc vào kế hoạch sửa chữa, nguồn vốn phân bổ”.

Tỉnh Cà Mau có 39 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, đều lao đao do bị cúp điện. Ông Hồ Văn Dòn, Phó Tổng Giám đốc Camimex Cà Mau, cho biết: "Máy phát điện dự phòng phải thường trực để đối phó với tình trạng mất điện. Không biết lý do gì, mấy ngày nay điện lưới chập chờn. Trong khi kho lạnh cần giữ nhiệt độ 18-220C nên phải chạy máy phát điện dự phòng để bù đắp lượng điện năng thiếu hụt thường xuyên".

Ông Ngô Văn Nga, Tổng Giám đốc Cty Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Quốc Việt (Cà Mau) cho biết, thời điểm này, bắt đầu vào vụ tôm nhưng thiếu điện nên rất khó khăn. Khi mua được tôm nguyên liệu, chủ doanh nghiệp phải tính toán nhập vô xí nghiệp nào để sản xuất, rồi kho lạnh để trữ hàng. Nếu bị cúp điện, chi phí vận chuyển tăng lên.

Ở tỉnh Bạc Liêu, ông Lê Thanh Bạch, GĐ Cty Chế biến Thủy sản và Xuất nhập khẩu Bạch Linh, ở Tân Phong (huyện Giá Rai) cũng than phiền: "Nhu cầu duy trì sản xuất cần khoảng 3.000 KWh/ngày thì điện lực hạn chế 600 KWh/ngày. Doanh nghiệp tôi có 2 tủ đông, 1 kho lạnh và nhà máy đá vẫn đang thiếu hụt điện năng. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị cấp đủ nhưng Điện lực Bạc Liêu từ chối vì thiếu điện. Với đà này, chúng tôi không có điện sản xuất, phải bồi thường hợp đồng cho khách hàng".

Còn ông Vũ Hoàng Long, Phó giám đốc Cty Cổ phần Thủy sản BIM (Kiên Giang) nói: "Không chỉ phải mua máy phát điện dự phòng mà chúng tôi còn sắm cả máy dự bị nữa". Ông Long kể, Cty của ông có nhà máy chế biến ở Tắc Cậu phải đầu tư 2 máy phát điện loại 900KVA, mỗi cái 1,3 tỷ đồng.

Còn ở trang trại 800 ha nuôi tôm tại huyện Kiên Lương (Kiên Giang) phải đầu tư 50 máy phát điện, loại 100KVA, mỗi cái 400 triệu đồng. Riêng tiền đầu tư mua máy phát điện đã đội chi phí hàng chục tỷ đồng.

Các xí nghiệp chế biến thủy sản ở TP Cà Mau vắng công nhân vì mất điện
Các xí nghiệp chế biến thủy sản ở TP Cà Mau vắng công nhân vì mất điện.

Ông Long nói: "Trong tình cảnh bị cúp điện triền miên, nếu không chủ động phát điện thì doanh nghiệp chỉ có phá sản. Chẳng hạn kho đông lạnh, nếu không có điện một ngày thì hàng trăm tấn tôm thành phẩm trị giá hàng trăm tỷ sẽ bị hỏng. Khi cúp điện thì ngành điện không thông báo trước để điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho hợp lý nhằm giảm chi phí; trong khi chúng tôi là khách hàng của điện lực, mỗi tháng trả cho ngành điện 1,6 - 1,7 tỷ đồng".

Khu công nghiệp chế biến thủy sản Tắc Cậu (Kiên Giang) có hàng chục nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản và các cơ sở hậu cần nghề cá, tất cả đang lao đao vì mất điện.

Thiệt hại khó tính bằng tiền

Theo ông Lê Văn Kháng, Tổng GĐ Cty Cổ phần Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu): Từ tháng 4 tới tháng 9 hằng năm là mùa làm ăn của các doanh nghiệp chế biến thủy sản do nguồn nguyên liệu dồi dào. Tuy nhiên, năm 2010 mùa này trùng vào mùa cúp điện khiến các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải giảm công suất hoạt động do thiếu điện. Nhiều doanh nghiệp do vậy mất cơ hội làm ăn.

"Hoạt động sản xuất trong những tháng chính vụ này thường tăng gấp đôi hoặc gấp 3 lần so với những tháng khác và quyết định trực tiếp kim ngạch xuất khẩu cả năm. Cty đã ký được một số hợp đồng xuất hàng có trị giá cao, thế nhưng, vào đúng mùa nguyên liệu dồi dào thì gặp phải tình trạng thiếu điện, doanh nghiệp phải giảm tới 50% công suất.

Ngày có điện mỗi xí nghiệp có thể chế biến được 100 tấn nhưng ngày không có điện thì chế biến 50 tấn cũng khó khăn. Các tháng trước công nhân ngồi chơi vì không có nguyên liệu, khi có nguyên liệu thì thiếu điện. Nay điện cung cấp đủ thì thiệt hại trước của chúng tôi cũng không bù đắp được", ông Kháng nói.

Cty Xuất khẩu thủy sản Baseafood (Bà Rịa -Vũng Tàu) cũng lâm cảnh tương tự, tháng 3, tổng lượng hàng xuất khẩu của doanh nghiệp đạt 800 tấn, tương đương 1,5 triệu USD. Sau tháng 3 có nhiều nguyên liệu nhưng lại thiếu điện sản xuất, nên tổng lượng hàng sản xuất được cũng chỉ đạt 800 -900 tấn, nếu có đủ điện Cty có thể xuất khẩu 1,2 - 1,5 ngàn tấn. Nên thiệt hại do cắt điện rất lớn.

Theo đại diện một số doanh nghiệp, chế biến thủy sản là ngành giải quyết nhiều việc làm cho lao động. Nếu nhà máy chế biến ngưng hoạt động sẽ kéo theo nhiều hoạt động dịch vụ hậu cần thủy sản khác cũng bị tê liệt. Nên khi ngành này bị cúp điện, thiệt hại khó tính được bằng tiền.

Sau 1-7: Nhiều nơi vẫn bị cúp điện

Dù lãnh đạo EVN đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu từ 1-7, không được cắt điện (trừ sự cố và cắt điện để sửa chữa), tuy nhiên theo ông Trần Minh Hoàng, Phó TGĐ Cty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cái Đôi Vàm (Cadovimex), mấy ngày đầu tháng 7, điện vẫn bị cúp tại xí nghiệp chế biến thủy sản Cái Đôi Vàm (Phú Tân, Cà Mau). Cadovimex có 2 xí nghiệp chế biến thủy sản, phải dự phòng 2 máy phát điện loại 1.000 KVA.

"Cứ bị cúp điện 12 tiếng đồng hồ/ngày thì xí nghiệp tốn thêm 20 triệu đồng chi phí chạy máy phát điện, chưa kể sản xuất bị đình trệ. Điện dự phòng chỉ cung cấp cho kho, công đoạn cần thiết hoặc di chuyển nguyên liệu sang xí nghiệp có điện để chế biến", ông Hoàng nói.

Ngay trong ngày 1-7, tình trạng cúp điện vẫn diễn ra tại khu sản xuất tập trung xã Bình Chuẩn (huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) từ 6 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Nhiều nhà máy ở khu vực này phải tạm ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng nhờ máy phát điện tự có.

"Chúng tôi nghe nói có lệnh ngưng cúp của EVN, nhưng chẳng hiểu sao tại đây điện vẫn bị cúp như thường"- một cán bộ có trách nhiệm của công ty sản xuất gạch men Vitaly tại Bình Chuẩn thắc mắc, đồng thời cho biết Cty điện lực Bình Dương đã có thông báo trong tuần sẽ tiếp tục cắt điện khu vực này vào hai ngày 6 và 8-7.

Ông Phạm Xuân Hồng, Giám đốc Cty CP May Sài Gòn 3 cũng cho biết: "Việc cắt hay không cắt điện luân phiên hiện vẫn còn rất mù mờ, chưa rõ ràng”.

Còn nữa

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.