223 dự án nhà cao tầng mọc lên tại 4 quận trung tâm Hà Nội

223 dự án nhà cao tầng mọc lên tại 4 quận trung tâm Hà Nội
TP - Sau khi có lệnh dừng các dự án cao tầng tại 4 quận nội thành của Thủ tướng Chính phủ, mới đây thành phố Hà Nội lại kiến nghị cho phép 223 dự án nhà cao tầng được thực hiện tại 4 quận nội thành Hà Nội.
223 dự án nhà cao tầng mọc lên tại 4 quận trung tâm Hà Nội ảnh 1

"Đóng cọc" vào trung tâm Hà Nội

Theo báo cáo ngày 11-6 của UBND thành phố Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ thì từ đầu năm 2008 đến tháng 4-2010, tại 4 quận nội thành Hà Nội có 223 dự án nhà cao tầng ( 9 tầng trở lên, có dự án gồm vài toà nhà). Cụ thể, tại quận Hoàn Kiếm có 19 dự án; quận Ba Đình có 60 dự án; quận Hai Bà Trưng có 53 dự án; quận Đống Đa có 91 dự án.

Hoàn Kiếm, dù với diện tích khá khiêm tốn, lại bao quanh hồ Gươm, nhưng hiện có đến 17 dự án nhà cao tầng. Các dự án chủ yếu tập trung tại các trục đường quan trọng như Hàng Bài, Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh...

Xếp vào hàng "đại gia" trong nhóm các dự án này là công trình hỗn hợp tại số 40 Hàng Bài của Tổng cục Cảnh sát. Tại đây dự kiến mọc lên các toà nhà cao 24m, 32m và 40m. Cách đó vài chục mét là dự án toà nhà cao 32 m của Công ty CP điện tử T&T.

Song song với dự án này là dự án toà nhà văn phòng của Tổng công ty Lương thực Miền Bắc với độ cao đến 46m ngay tại số 6 Ngô Quyền. Gần đó, tại số 16 Phan Chu Trinh là dự án toà nhà văn phòng thương mại và dịch vụ VIBank có độ cao đến 44,8m...

Tại quận Hoàn Kiếm, có một số dự án thuộc loại cao chót vót như: Dự án xây dựng tòa nhà 21 tầng của Cty Du lịch và Thương mại Hoàng Ngân (198 Trần Quang Khải); Toà nhà văn phòng làm việc và cho thuê của Công ty CP Him Lam chi nhánh Hà Nội tại số 17 Tôn Đản và 210 Trần Quang Khải có độ cao đến 72m.

Toà nhà cao nhất tại quận Hoàn Kiếm thuộc về dự án của Công ty CP Sông Hồng tại số 4 Trần Hưng Đạo với độ cao đến 74m. Ngay tại số 76 Hàng Trống và 39 Lý Quốc Sư cũng có dự án xây dựng khách sạn Hồ Gươm cao 9 tầng...

Tại quận Ba Đình, chỉ trong hơn một năm qua cũng có đến 60 dự án nhà cao tầng. Các nhà cao tầng chủ yếu thuộc nhóm các dự án nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại. Tại quận này, số toà nhà từ 15 đến trên 20 tầng khá nhiều, có toà nhà cao đến 50 tầng.

Có thể thấy, trong thời gian vừa qua, Đống Đa một trong những quận phát triển hạ tầng kỹ thuật yếu nhất; tình trạng ùn tắc giao thông và úng ngập diễn ra phức tạp nhất thành phố, nhưng quận này lại đang đón nhận "tâm bão" bất động sản với 91 dự án nhà cao tầng. Nhiều dự án, công trình với cái tên hoa mỹ, với chiều cao ấn tượng sẽ được mọc lên tại địa bàn này.

Các dự án như dự án 97 Láng Hạ (27 tầng) của công ty CP Bất động sản Dầu khí; Toà nhà Hông Kông Tower cao 20 tầng ( 243 Đê La Thành). Tại điểm nóng về ùn tắc giao thông ( Cát Linh- Giảng Võ) sẽ mọc lên toà nhà 25-30 tầng của Nhà Xuất bản Giáo dục…

Xếp thứ ba trong số 4 quận nội thành có nhiều dự án nhà cao tầng là Hai Bà Trưng (53 dự án). Người dân sẽ vô cùng ngạc nhiên khi hàng loạt con phố yên tĩnh của quận này một ngày nào đó sẽ náo nhiệt, ngột ngạt bởi các cao ốc chọc trời.

Cho tiếp tục xây là chưa phù hợp

KTS Ngô Huy Giao cho biết: Trước đây cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng có lệnh cấm xây dựng nhà cao tầng tại 4 quận nội thành. Nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Lê Ất Hợi đã buộc nhiều nhà đầu tư phải đi đầu tư nơi khác thay vì mon men quanh Hồ Gươm. Và nay chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, Hà Nội đã chấp thuận cho 223 dự án nhà cao tầng tại 4 quận nội thành.

"Điều mà dư luận hoan nghênh là việc Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo dừng các dự án cao tầng tại trung tâm Hà Nội. Vậy mà thành phố lại kiến nghị cho tiếp tục"- KTS Ngô Huy Giao đặt vấn đề.

Mật độ dân số 4 quận (cũ) Hà Nội gấp 5 lần ở Hồng Kông và Singapore

Theo thống kê, tại 4 quận nội thành có mật độ dân số rất cao. Cụ thể, Đống Đa: 36.700 người/km2; Hai Bà Trưng (32.000 người/km2); Hoàn Kiếm ( 32.200 người/km2); Ba Đình (25.200 người/km2). Đối chiếu với một số thành phố được coi là các đô thị nén có mật độ dân số cao như Hông Kông (6.500 người/km2); Singapore (6.400 người/km2). 

Theo báo cáo mới đây của UBND TP Hà Nội thì trong số 223 dự án nhà cao tầng, thành phố kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục thực hiện gần như toàn bộ. Số dự án cần được xem xét để rà soát đảm bảo phù hợp định hướng phân vùng kiểm soát phát triển không gian vào khoảng trên 10 dự án.

Bình luận về kiến nghị này của Thành phố, nhiều chuyên gia cho rằng đây là việc làm thiếu thận trọng. Tiêu chí các dự án được đề nghị tiếp tục triển khai chủ yếu mới căn cứ vào việc thực hiện các thủ tục đầu tư của chủ đầu tư mà chưa căn cứ vào tính phù hợp của quy hoạch, không gian đô thị tại khu vực nội thành...

Theo KTS Ngô Huy Giao, công tác quản lý đô thị cần phải cương quyết. Do thiếu cương quyết nên bộ mặt kiến trúc đô thị Hà Nội mới như ngày hôm nay. Còn việc "kêu" doanh nghiệp phá sản vì dừng các dự án để gây áp lực với Thủ tướng là không nên và không thể có chuyện phá sản. "Chúng ta vì một số doanh nghiệp hay vì Thủ đô trong tương lai?"- KTS Ngô Huy Giao hỏi.

Theo nhiều chuyên gia, nếu Hà Nội tiếp tục cho triển khai xây dựng 223 toà nhà cao tầng tại nội đô, hạ tầng đô thị sẽ thê thảm, kiệt quệ vì nạn ùn tắc giao thông, úng ngập đô thị và thiếu trường học, khu vui chơi...

Hà Nội sẽ không còn nét đặc trưng mà thay vào đó là thành phố của những "rừng cọc bê tông", những ùn tắc, khói bụi và úng ngập. Hiện dân số tại 4 quận nội thành đã khoảng 1,2 triệu người, gấp 1,5 lần so với con số khống chế theo quy hoạch (80 vạn dân).

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.