Rát mặt 'sa mạc' miền Trung

Đồng ruộng Nghi Xuân biến thành sa mạc
Đồng ruộng Nghi Xuân biến thành sa mạc
TP - Vào miền Trung bây giờ, thật khó tìm được một ốc đảo để trốn cái nắng nóng khủng khiếp nhất trong lịch sử. Ao hồ cạn kiệt, ruộng đồng nứt nẻ, hàng nghìn hécta lúa chết đứng, hàng vạn nông dân có nguy cơ trắng tay. Cuộc chiến với thiên tai dường như chỉ mới bắt

Bài 1: Gặt lúa nuôi… bò!

>> Nắng nóng dài kỷ lục

Trong khi đồng ruộng Nghệ An đang bị sa mạc hóa, lúa chết khô trên đồng, thì nông dân Đức Thọ (Hà Tĩnh) phải gặt lúa cho… bò ăn.

Dọc quốc lộ15, quốc lộ 46 qua ba huyện (Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc (Nghệ An) hàng nghìn ha lúa mới cấy đang bị cháy, đất ruộng nứt dọc nẻ ngang, chẳng có lấy một giọt nước.

Đồng khô, người khát

Nông dân Hưng Nguyên phối hợp với các trạm bơm thuộc Cty Thủy lợi Nam Nghệ An nạo vét sông ngòi, khơi thông kênh rạch, nhưng máy bơm không thể vận hành được vì đầu nguồn khô cạn. “Hạn hán gây mất mùa, vụ hè thu coi như mất trắng! Nguy cơ đói giáp hạt đang cận kề!”, bà Nguyễn Thị Hương trú tại Hưng Nguyên than. Hồ đập khô kiệt, lúa chết la liệt, nhiều cánh đồng bị sa mạc hóa.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Nghệ An, toàn tỉnh có 625 hồ đập chứa nước thì hơn 600 hồ đập khô trơ đáy. Hơn 25.000 ha lúa thiếu nước trầm trọng. “Cả tháng nay, nước sinh hoạt còn không đủ dùng huống hồ nước tưới cho lúa!”, một người dân xã Nghi Công Nam (huyện Nghi Lộc) cho biết.

Đồng ruộng Nghi Xuân biến thành sa mạc
Đồng ruộng Nghi Xuân biến thành sa mạc . Ảnh: Q.Long - M.Thùy

Dọc tuyến đường 34, nhiều người phải đi bộ hơn 1km cõng từng thùng nước về nấu ăn, tắm giặt. Cánh đồng lúa hè thu từ màu xanh mạ non chuyển thành màu trắng và cháy vàng như sa mạc, các tuyến sông đào dẫn lấy nước từ sông Lam tưới tiêu cho đồng ruộng cũng nứt nẻ, cạn kiệt.

 Tại huyện Nam Đàn, mực nước ở đập Bara xuống dưới mức 0,2 đến 0,45m. Toàn huyện trồng hơn 6.200 ha lúa, 2.800ha bị hạn nặng, trong đó 2.000 ha mất trắng. Huyện Hưng Nguyên, vụ hè thu gieo trồng 5.500 ha, 3.900 ha thiếu nước (2.800 ha bị lúa khô cháy). Hệ thống trạm bơm trên địa bàn hai huyện này tê liệt. Huyện Nghi Lộc mới gieo trỉa 3.700/7.400 ha, trong đó 2.700 bị hạn, với hơn 1.000 ha không còn khả năng thu hoạch. 39 hồ đập trên địa bàn huyện ở mực nước chết.

Tại Hà Tĩnh, Hương Sơn là huyện bị ảnh hưởng hạn hán nặng nề nhất. Sáng 11-7, PV Tiền Phong có mặt tại xã Sơn Phú, Sơn Phúc, Sơn Thủy và chứng kiến nhiều cánh đồng lúa chết khô. “Chưa bao giờ hạn hán khốc liệt và kéo dài như năm 2010. Nhiệt độ ngoài trời luôn vượt ngưỡng 39-40 độ, kèm theo gió Lào khiến làng xã biến thành chảo lửa, cây cối không trụ được, chết ráo!”, ông Lan trú tại xã Sơn Phú, Hương Sơn kể.

Ngõ trên xóm dưới, người già, trẻ nhỏ vác can, đẩy xe thồ đi lấy nước ở khe suối. UBND huyện Hương Sơn gửi báo cáo khẩn cấp cho tỉnh: “Toàn huyện hơn 1.000 ha lúa bị hạn, trong đó 600 ha chết héo, gần 900 ha diện tích lúa mùa không thể xuống mạ vì không có nước!”. Hà Tĩnh có gần 1 vạn ha lúa khát nước trầm trọng.

“Trong vòng một tuần tới, nếu trời không đổ mưa, lạc, đậu, ngô sẽ mất trắng”, bà Vũ Kim Yến, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn nói.

Tại huyện Nghi Xuân, mực nước sông Lam xuống thấp khiến nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, nồng độ nước biển đo được ở khu vực gần cầu Bến Thủy từ 2,5 đến 3 phần nghìn, vượt ngưỡng cho phép. Hầu hết trạm bơm trên bờ sông Lam bị vô hiệu hóa, nước không lên được đồng ruộng.

Bò no, người đói

Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Nghi Xuân Đinh Văn Đáng cho biết, toàn huyện bị thiệt hại 300 ha lúa hè thu, hơn 2.000 ha vụ mùa đang án binh bất động vì thủy lợi khô kiệt, 500 ha hoa màu chết héo. Hạn hán bao vây xã Xuân Hồng, đồng ruộng nứt nẻ, dân đào sâu xuống 1m tịnh không thấy một giọt nước.

Trâu bò no nê lúa non, còn người đối mặt với nguy cơ đói giáp hạt
Trâu bò no nê lúa non, còn người đối mặt với nguy cơ đói giáp hạt .

Những ngày này về xã Đức Tùng (huyện Đức Thọ) mùi rơm rạ… thơm khắp làng trên ngõ dưới, hai bên đường phơi đầy lúa non. Tại thôn Tân Tùng, PV chứng kiến khuôn mặt rầu rĩ của nông dân đang chở lúa ngoài đồng về.

“Thiếu nước, lúa chết, tui phải nhắm mắt gặt lúa non về cho… bò ăn. Quá đau!”, chị Minh, nông dân xã Đức Tùng ủ rũ.

Phía ngoài đê La Giang, lũ thường về sớm, để đối phó với lũ, dân các xã nằm ngoài đê của huyện Đức Thọ không gieo cấy vụ hè thu, mà chăm sóc diện tích lúa tái sinh sau khi thu hoạch vụ đông xuân. Tuy là mùa phụ nhưng đem lại thu hoạch lớn. Nhưng thời tiết bất thường, hạn hán gay gắt khiến lúa chết ráo, nhà nông phải cắt lúa về nuôi bò.

“Năm ngoái gia đình tôi có 7 sào thu hoạch 1,5 tấn thóc, năm nay vét mãi được mấy chục cân. Phần còn lại, bò ăn no nê!”, chị Trần Thị Vân (Đức Tùng) buồn bã.

Ngày 11-7, trời quang mây tạnh, không có biểu hiện của một trận mưa. Nắng nóng khốc liệt kèm gió Lào khô hanh tiếp tục uy hiếp một dải miền Trung biến nơi đây thành sa mạc mênh mông. Trận đại hạn lịch sử làm đảo lộn cuộc sống, đình trệ sản xuất của hàng vạn nhà nông, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.

Còn nữa

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.