'Cài bẫy' giữa lòng sông

Khai thác cát bên sông Ba
Khai thác cát bên sông Ba
TP - Hạn hán khiến các lòng sông trơ đáy. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân coi đây là cơ hội tha hồ moi cát ngay cả ở những lòng sông cấm - nơi thường xuyên bị sạt lở. Khi mưa lũ về, nơi đó sẽ tạo ra những hố sâu, dòng xoáy bất thường - những cái bẫy chết người cho lương dân.

>> Bài 1: Hạn hán chưa qua, sạt lở rập rình

Tình trạng đó đang xảy ra tại các con sông Hà Thanh (thuộc các xã Canh Vinh, Canh Hiển, huyện Vân Canh; xã Phước Thành, huyện Tuy Phước), sông Đại An chảy qua 6 xã của huyện Phù Cát, sông Kôn chảy xuống địa bàn các xã của huyện An Nhơn, Phù Cát…

Khai thác cát bên sông Ba
Khai thác cát bên sông Ba.

Mỏ cát giữa lòng sông sạt lở

Tui đã không dưới 10 lần đội đơn đi cầu cứu các cấp dừng việc cho moi cát dưới sông - Ông Nguyễn Văn Tý bức xúc 

Rốn lũ Canh Vinh (Vân Canh, Bình Định) tiêu điều tan nát sau lũ dữ năm 2009, nơi hứng chịu dòng lũ quét mạnh nhất và chưa từng có trong vòng 40 năm qua. Chiếc cầu Ngô La (xóm 4, xã Canh Vinh) bị cơn lũ lịch sử bứt làm hai phần trơ trọi. Dòng nước xoáy chết người cũng từng ập vào xóa sổ cả ngôi làng thuộc xóm 3,4 xã Canh Vinh khiến hàng ngàn người dân chưa hết bàng hoàng.

Vậy nhưng gần đây, một số doanh nghiệp vẫn ngang nhiên dựng bảng “Mỏ khai thác cát” ngay chính chân cầu Ngô La, đoạn sông được xem là thường xuyên gây ra mức sạt lở cấp nguy hiểm. Tại đây, hằng ngày có hàng trăm xe tải chở cát từ lòng sông Hà Thanh mang về Quy Nhơn để bán. Lòng sông Hà Thanh bị khoét sâu tới 5-7m, cạo sâu vào gần nhà dân.

Một mỏ khai thác cát tại nơi thường xuyên diễn ra sạt lở
Một mỏ khai thác cát tại nơi thường xuyên diễn ra sạt lở .
Ông Nguyễn Văn Tánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) cho biết, hiện toàn tỉnh Bình Định có 13.785 hộ dân (hơn 47.775 nhân khẩu) sống trong vùng nguy cơ thiên tai nguy hiểm cần phải di dời đến nơi tái định cư mới.

Trong đó, vùng sạt lở triều cường ven biển là 3.470 hộ (13.634 khẩu); vùng nguy cơ sạt lở núi, sạt lở đất 468 hộ (1.937 khẩu). Do có quá nhiều vùng bị sạt lở nên chi cục đang phối hợp với các địa phương tiến hành lập các dự án di dời dân, và sẽ ưu tiên cho các vùng có nguy cơ cao.  

Ông Nguyễn Duy Đỉnh (84 tuổi, trú thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh), than thở: “Chỉ trên đoạn sông Hà Thanh thuộc địa phận của xã đã có tới 7 doanh nghiệp ngày đêm cho máy múc cát chở đi ngang nhiên. Ai thấu được nỗi khổ của bà con chúng tôi, khi hàng năm lũ lớn, lũ nhỏ ập về kéo đi hàng trăm héc ta hoa màu ra sông, vừa rồi là đến nhà dân và những cây cầu bê tông, mai mốt còn những gì nữa…”.

Ông Nguyễn Văn Tý trú thôn Tăng Lợi, xã Canh Vinh - nơi được xem là ốc đảo bên bờ sông Hà Thanh, thường xuyên bị cô lập trong mùa mưa lũ, bức xúc: “Tui đã không dưới 10 lần đội đơn đi cầu cứu các cấp dừng việc cho moi cát dưới sông”.

Sông Đại An, một nhánh của sông Kôn dài khoảng 15 km, chảy qua địa bàn các xã: Cát Tường, Cát Nhơn, Cát Hưng, Cát Thắng, Cát Tiến, Cát Chánh của huyện Phù Cát và xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) rồi đổ ra đầm Thị Nại.

Hoạt động khai thác cát trái phép trên dòng sông này ngày đêm liên tục, nguồn cát hiện đã cạn kiệt, nên số máy hút cát kéo về tập trung nhiều ở 2 thôn Tân Tiến, Chánh Đạt (xã Cát Tiến), Phú Giáo, Mỹ Bình (xã Cát Thắng). Tại đây chỉ trên đoạn sông dài hơn 1 km có đến 7 máy bơm cát hoạt động; còn phía hạ lưu đê do xã Cát Chánh quản lý cũng có 2 máy bơm thi nhau hút cát lên bờ.

Hoạt động khai thác cát bừa bãi trên sông Đại An không những làm rỗng cả chân đê, mà còn tạo nên những hố sâu nguy hiểm, làm biến đổi dòng chảy, gây nên những dòng xoáy bất thường làm sạt lở hai bên bờ sông, chưa kể làm mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến nhà cửa, vườn tược của nhân dân.

Cầu La Ngà xã Canh Vinh (Vân Canh, Bình Định) bị lũ cuốn một nửa năm 2009, nơi đây vẫn đang diễn ra tình trạng hút cát
Cầu La Ngà xã Canh Vinh (Vân Canh, Bình Định) bị lũ cuốn một nửa năm 2009, nơi đây vẫn đang diễn ra tình trạng hút cát . Ảnh: Việt Hương

Ông Trần Văn Được, trưởng thôn Tân Tiến cho biết: “Trước đây bên này xắn quần là lội được sang bờ bên kia, còn nay thì máy hút cát moi lòng sông sâu hoắm. Qua các kỳ tiếp xúc cử tri tôi nhiều lần trực tiếp phản ánh bức xúc của dân đến các cấp, nhưng không hiểu lý do gì chính quyền địa phương cứ để các máy hút cát hoạt động?”.

Chính quyền nói gì?

Theo ông Đào Văn Nhật, Chủ tịch UBND xã Canh Vinh, thì những gì thuộc về nguồn tài nguyên tự nhiên đều do cấp trên phê duyệt. Việc hàng trăm chiếc xe chở cát từ đoạn sông nguy hiểm không phải là xã không biết, nhưng họ chỉ “khai thông dòng chảy”. Còn việc tận thu hoặc khai thác quá mức quy định vào gần làng thì xã sẽ cho kiểm tra.

Tuy nhiên, ông Nhật cũng tỏ ra sốt ruột trước việc nhiều doanh nghiệp mặc sức khai thác cát bất chấp nhiều đoạn được cảnh báo là cấm. Sự việc này cũng được ngành môi trường thường xuyên chứng kiến, các ban ngành đều thấy hết nhưng chỉ biết góp ý thôi. Muốn dừng phải có lệnh của UBND tỉnh!

Phú Yên: Thiếu kinh phí làm kè chống xói lở

GĐ Sở NN&PTNT Phú Yên, Biện Minh Tâm cho biết tình hình sạt, xói lở bờ sông diễn ra phức tạp ở nhiều nơi. Để có kinh phí xây dựng công trình chống xói lở và các dự án thoát lũ bảo vệ dân vùng hạ lưu sông Ba, sông Bàn Thạch, sông Kỳ Lộ, UBND tỉnh Phú Yên chấp nhận ứng vốn của doanh nghiệp để thực hiện công tác khảo sát, thiết kế và triển khai thi công. Trước mắt, sẽ kiểm tra tình hình khai thác cát ở các dòng sông.

Bài 3: Người ở lại đất chết

MỚI - NÓNG