Người ở lại đất chết

Sông Kôn sạt lở theo từng mùa mưa lũ khiến nhiều người dân Đại Mỹ (Đại Hưng, Đại Lộc, Quảng Nam) lo sợ - Ảnh: Nguyễn Huy
Sông Kôn sạt lở theo từng mùa mưa lũ khiến nhiều người dân Đại Mỹ (Đại Hưng, Đại Lộc, Quảng Nam) lo sợ - Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Trận lụt tháng 9 năm ngoái, làng Đại Mỹ (xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) bị lũ quét trôi hoàn toàn. Ông Hồ Quang Bốn - trưởng thôn Đại Mỹ vẫn bàng hoàng khi nhớ lại: Cơn lũ đổ về ầm ầm trong đêm tối 29-9 khiến người dân không kịp trở tay, bỏ nhà cửa bồng bế con cái chạy lên núi lánh nạn.

>> Bài 2: 'Cài bẫy' giữa lòng sông 

Ngày hôm sau trở về, thấy làng đã biến thành một bãi cát trắng xóa. Cả làng, gần 90% nhà dân bị cát vùi đến 2 m, có nhà lên tận mái. Tuy không thiệt hại về người nhưng phần lớn trong số hơn 250 hộ dân trong thôn rơi vào cảnh trắng tay.

Sông Kôn sạt lở theo từng mùa mưa lũ khiến nhiều người dân Đại Mỹ (Đại Hưng, Đại Lộc, Quảng Nam) lo sợ - Ảnh: Nguyễn Huy
Sông Kôn sạt lở theo từng mùa mưa lũ khiến nhiều người dân Đại Mỹ
(Đại Hưng, Đại Lộc, Quảng Nam) lo sợ - Ảnh: Nguyễn Huy .


Làng cát vùi

“Hồi đó chúng tôi kiến nghị nên di dời dân đến địa điểm khác vì khu vực này sẽ rất nguy hiểm nếu có bão lũ. Nghe đâu xã cũng xin di dời nhưng hiện vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Giờ cứ nhìn xuống dòng sông Kôn đang ngày ngày “gặm nhấm”, sạt lở vào thôn làng mà ngay ngáy lo sợ” - ông Bốn bộc bạch.

Đất bị sông Cu Đê (Đà Nẵng) nuốt dần. Ảnh: Hòa Hưng
Đất bị sông Cu Đê (Đà Nẵng) nuốt dần. Ảnh: Hòa Hưng.

Về xã Đại Hưng mùa này, những con đường bê tông đang được xây dựng, chạy dọc xuống thôn Đại Mỹ, nhưng dòng sông Kôn khô khốc, đục ngàu vẫn còn đó những mối họa.

Ông Bốn cho hay: Ngoài nguyên nhân thiên tai, trận lũ năm trước có cả sự góp sức của thủy điện xả lũ. Năm nay thêm cả tình trạng đào đãi đồi, khai thác than… khiến nguy cơ ngập úng càng rõ.

Anh Phạm Văn Thạnh, người dân trong thôn từng phải vật lộn cứu vợ và 3 con nhỏ thoát chết trong gang tấc mùa lũ năm ngoái không khỏi lo sợ: Nhà tui ở phía triền sông, lũ lên nhanh là không kịp chạy. Sống mà lo ngay ngáy chẳng dám sắm sửa gì nhiều vì chỉ cần một mùa lũ là mất hết cả.

Nơi đây, hàng trăm hộ dân phải dịch chuyển từng mùa vì nạn sạt lở nghiêm trọng. Ông Hồ Quang Bốn cho hay: hơn 20 hộ dân sống dọc triền sông phải dịch chuyển nhà 3 lần, cách địa điểm cũ vài trăm mét mà chưa an tâm vì sông xâm thực mạnh. Chỉ tay vệt gốc tre cách bờ sông mới gần cây số, ông Bốn cho hay chỉ riêng mùa lũ năm ngoái, sông “gặm” mất 50 - 60m đất, mất khoảng 12 ha đất hoa màu, nông nghiệp. Ngành chức năng phải di dời khẩn cấp 12 hộ.

Sạt lở sông Túy Loan (TP Đà Nẵng). Ảnh: Nguyễn Huy
Sạt lở sông Túy Loan (TP Đà Nẵng). Ảnh: Nguyễn Huy .


Đất lở dưới chân

Bà Bùi Thị Sửu (62 tuổi, thôn Ngọc Trì, xã Bình Chương, Bình Sơn, Quảng Ngãi) bần thần đứng bên ruộng lúa giờ chỉ còn là đám đất đang bị xói lở nham nhở bên dòng sông Trà Bồng. “Nhà tui có cả thảy 5 miệng ăn, trông chờ cả vào mấy sào ruộng đang bị thủy hóa, sa bồi gần hết nên bây giờ chẳng biết lấy gì cày cấy” - giọng cụ Sửu buồn bã. Cực chẳng đã, tuổi cao, sức yếu cụ Sửu vẫn phải gắng gỏi đi làm thuê, kiếm cái ăn qua ngày.

Ngay nhà kế bên, chị Lê Thị Nhiệm (35 tuổi, thôn Ngọc Trì) lâm cảnh khổ bởi nạn xâm thực do xói lở trên sông diễn ra ngày một nghiêm trọng. Chị Nhiệm bị bại liệt hơn 10 năm nay, một mình nuôi đứa con gái ăn học, cả nhà sống nhờ 2 sào ruộng nhưng giờ cũng chỉ còn được hơn 1 sào. “Gần sào lúa còn lại, chẳng biết có giữ nổi sau mùa mưa bão năm nay không” - chị Nhiệm thẫn thờ.

Theo UBND xã Bình Chương, mấy năm lại đây, đặc biệt sau cơn bão số 9 năm 2009, toàn xã có khoảng 7 ha đất nông nghiệp bị nước sông “nuốt”. Riêng thôn Ngọc Trì có hơn 10 ha đất nông nghiệp còn bị sa bồi không thể canh tác. Anh Tĩnh - cán bộ địa chính xã Bình Chương lo ngại: Nếu vài năm nữa, chưa có giải pháp thiết thực thì đất nông nghiệp dọc sông Trà Bồng qua các xã này sẽ không còn nữa.

Ông Nguyễn Trung - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bình Sơn cho hay: Có đến 80 ha đất trên địa bàn 8 xã cần phải cải tạo do ảnh hưởng tình trạng sạt lở trên sông Trà Bồng.

Hàng năm huyện hỗ trợ các xã 100 triệu đồng để trồng tre chống xói lở, mới đây địa phương đã có quyết định hỗ trợ hơn 400 triệu đồng cải tạo đất sản xuất; đồng thời khuyến khích dân thực hiện các giải pháp hạn chế những thiệt hại như làm đê chắn bằng đất kết hợp với đá sỏi, trồng tre lấy măng vừa chống xói lở vừa nâng cao thu nhập... Tuy nhiên đây mới chỉ là những giải pháp trước mắt.

Còn nữa

Hàng nghìn hộ dân bị đe dọa vì sạt lở

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó GĐ Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng ái ngại: Hiện, Đà Nẵng chỉ có khoảng 5km kè sông.Còn hơn 30km bờ các sông Túy Loan, sông Vu Gia, sông Cu Đê, Yên đều đang bị sạt lở, đe dọa trực tiếp đến 3.000 hộ dân trên địa bàn.

* Ngày 19-7, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Phan Đình Trạc ký quyết định hỗ trợ nông dân các địa phương trong tỉnh bị thiệt hại do hạn hán, với số tiền trên 17,5 tỷ đồng. Trong đó, UBND tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua giống lúa, ngô để bà con nông dân gieo lại diện tích hè thu và vụ mùa bị chết.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.