Nỗi lo 'treo' đầu bão lũ - Bài 4: Thiên tai chồng nhân tai

Lũ gỗ tràn về cầu Quảng Huế (Đại Lộc - Quảng Nam) mùa lũ 2009 cho thấy sự tàn phá khốc liệt của con người
Lũ gỗ tràn về cầu Quảng Huế (Đại Lộc - Quảng Nam) mùa lũ 2009 cho thấy sự tàn phá khốc liệt của con người
TP - Cơn bão Conson mới đổ bộ vào khu vực Bắc Bộ nước ta. Với các tỉnh, thành miền Trung, người dân lại lo đối mặt với thiên tai và cả mối họa nhân tai đang rình rập.

>> Bài 3: Người ở lại đất chết

Lũ gỗ tràn về cầu Quảng Huế (Đại Lộc - Quảng Nam) mùa lũ 2009 cho thấy sự tàn phá khốc liệt của con người
Lũ gỗ tràn về cầu Quảng Huế (Đại Lộc - Quảng Nam) mùa lũ 2009 cho thấy sự tàn phá khốc liệt của con người . Ảnh: Nguyễn Huy

Oằn mình với thiên tai

Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão (PCLB) khu vực miền Trung & Tây Nguyên (trụ sở Đà Nẵng, thuộc Cục Quản lý Đê điều & PCLB), trong 10 năm qua, hầu như năm nào miền Trung cũng phải gánh chịu thiên tai với cường độ ảnh hưởng và mức độ tàn phá ngày càng mạnh hơn.

Giai đoạn 1999 – 2008, trung bình mỗi tháng có 1,1 cơn bão đổ bộ vào khu vực miền Trung. Số cơn bão có cường độ mạnh, các trận mưa lũ lớn lại tăng lên rõ rệt.

Bão sẽ xảy ra nhiều nữa và sẽ đổ bộ vào miền Trung trong những tháng tới. Đây là thời điểm mà các nhà chức trách hãy nghĩ kỹ, bàn bạc, đề ra biện pháp hữu hiệu và kịp thời để quyết tâm “tỉa cành cây trước khi bão tới” trong giảm thiệt hại bão lụt cho quê hương “khúc ruột miền Trung

Đặc biệt, cuối năm 2009, một tổ hợp thiên tai nặng nề đã hình thành nên bão số 10 (Ketsana) đổ bộ vào Quảng Nam, Quảng Ngãi. Bão lớn kèm theo mưa lớn trên diện rộng với lượng mưa 400 - 600mm. Tây Nguyên là vùng bị thiệt hại rất nặng nề cả về người (riêng Kon Tum đã có 40 người chết, mất tích).

Ngay sau đó, cơn bão số 11 (năm 2009) đổ bộ từ Bình Định đến Khánh Hòa gây nên những hậu quả nặng nề. Tại Phú Yên, do bị kết hợp với xả lũ của thủy điện sông Ba Hạ với lưu lượng 14.500m3/s đã gây nên thảm họa lũ làm 76 người chết...

Ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó ban thường trực Ban chỉ huy PCLB TP Đà Nẵng nhận định: Trước đây bình quân 10 năm mới có một trận lụt lớn nhưng 10 năm qua nước ta liên tục xuất hiện nhiều cơn bão lũ lớn. Cơn bão Chanchu (5 - 2006) cho thấy rõ hơn những bất cập từ dự báo đến chỉ đạo ứng phó, rõ nét hơn về vấn đề thiên tai đặt ra đối với kinh tế biển.

Tiếp đến cơn bão Xangsane (tháng 10–2006) dù chủ động dự báo trúng và chỉ đạo tập trung, khả năng tổ chức ứng phó cao, tuy nhiên thành phố Đà Nẵng vẫn bị thiệt hại nặng nề về công nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Đánh giá về thiệt hại do bão, lũ số 9 (năm 2009) gây ra, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam từng than thở: Đúng là làm một năm, bị phá trong một giờ. Chỉ sau mấy giờ hoành hành, bão lũ đã “ngốn” đi 3.500 tỷ đồng, gần bằng tổng GDP cả tỉnh đạt được trong 6 tháng đầu năm 2009. Hàng nghìn người dân trong cảnh oằn mình gánh chịu các đợt thiên tai liên tiếp.

Đến mối họa nhân tai

TS Nguyễn Đức Liễn, nguyên cố vấn cấp cao Ủy hội quốc tế lưu vực sông Mekong có trụ sở tại Bangkok (Thái Lan) và Phnom Penh (Campuchia) nhận định: Sau cơn bão Conson vừa qua, lũ lụt trên địa bàn các tỉnh, thành miền Trung sẽ diễn ra theo xu hướng vận động thường thấy của chúng. Đáng lo ngại là bão lũ càng thêm sự khốc liệt khi nó được “cộng hưởng” với tác hại của các mối họa nhân tai, trong đó có phá rừng.

Ông Huỳnh Vạn Thắng cũng nhận định: Lũ năm nay có khả năng đến sớm, dự báo rơi vào khoảng tháng 9- 2010, và lớn hơn so với trung bình nhiều năm. Gần 40 năm công tác trong lĩnh vực PCLB, ông Thắng cho rằng: Thiên tai ngày càng gây thiệt hại nặng nề do có sự tác động từ nhân tai. Cùng với phá rừng, tình trạng chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang đất rừng kinh tế tạo nên khả năng thiệt hại lớn về người và của khi bão lũ xảy ra.

“Theo tính toán, 200 ha đất rừng kinh tế mới chỉ có khả năng giữ nước, ngăn lũ bằng 1 ha rừng tự nhiên” - Ông Thắng cho biết.

Theo Trung tâm PCLB khu vực miền Trung – Tây Nguyên: Biến đổi khí hậu thì chưa rõ rệt nhưng nhân tai thì quá rõ ràng. Ngay sau trận lụt năm ngoái, những bãi gỗ trôi đến tận cuối sông Vu Gia, Thu Bồn, Đăkla. Bên cạnh đó, những dòng sông trơ sỏi đá sau lũ, những ngôi làng bị xóa sổ cho thấy rừng bị tàn phá nặng nề không còn kiểm soát được đang là một mối họa nhân tai trong việc gây nên các cơn lũ dữ đổ vào các tỉnh, thành miền Trung.

MỚI - NÓNG