Chống liên minh đẩy giá sữa: Bó tay?

Dây chuyền sản xuất của Vinamilk, thương hiệu sữa nội mạnh mà người tiêu dùng nên tìm đến
Dây chuyền sản xuất của Vinamilk, thương hiệu sữa nội mạnh mà người tiêu dùng nên tìm đến
TP - Sữa đang rục rịch tăng giá, mặc dù ở Việt Nam, mặt hàng này đã cao gấp rưỡi các nước trong khu vực. Việc kìm chế tăng giá dường như đang nằm ngoài khả năng của các cơ quan có trách nhiệm.

>> Giá sữa "múa" đến bao giờ?

Dây chuyền sản xuất của Vinamilk, thương hiệu sữa nội mạnh mà người tiêu dùng nên tìm đến
Dây chuyền sản xuất của Vinamilk, thương hiệu sữa nội mạnh mà người tiêu dùng nên tìm đến . Ảnh: T.L

Hơn một năm qua, giá sữa bột ngoại tại thị trường Việt Nam quá cao so với nhiều nước nhưng cơ quan quản lý không thể can thiệp. Ông Vũ Bá Phú, Cục phó Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) nêu lý do của tồn tại này là: Không điều tra được mức giá cao vì các doanh nghiệp thỏa thuận nâng giá.

Lỗ hổng pháp lý

Sữa ngoại gần tương tự như thuốc chữa bệnh, các cơ quan nhà nước đang lúng túng trong việc quản lý giá. Những quy định trong Pháp lệnh Giá và các văn bản hướng dẫn đã không còn phù hợp.

Cục Quản lý Cạnh tranh thuộc Bộ Công thương, nhưng khi đang điều tra vấn đề gì đó mà có ý kiến chỉ đạo từ trên là “khó khăn, tế nhị”, có khi vụ việc phải dừng. 

Dưới góc độ quản lý cạnh tranh, ông Vũ Bá Phú cho rằng, cơ quan này chỉ xử lý được khi chứng minh các doanh nghiệp đã bắt tay nhau, cùng ký vào một thỏa thuận để nâng giá sữa. Trong thực tế, khi các doanh nghiệp cố tình làm điều này thì gần như không thể điều tra.

Một chuyên gia trong lĩnh vực cạnh tranh cho biết thêm, các cơ quan cạnh tranh nước ngoài hoạt động như tình báo kinh tế. Họ có thể cài người vào doanh nghiệp làm gián điệp kinh tế. Một nhân viên cơ quan cạnh tranh sẽ sắm vai một nhân viên bán hàng, sau đó leo dần lên các chức vụ cao hơn trong doanh nghiệp.

Do vậy, để điều tra một vụ cạnh tranh phải mất ít nhất 2- 3 năm. Trong khi, Luật Cạnh tranh của Việt Nam không quy định những thẩm quyền này. Ngoài ra, một số nước công nhận cả việc lén quay phim, chụp ảnh, ghi âm để làm bằng chứng điều tra.

Nhưng tại Việt Nam những hoạt động này không được chấp nhận. Có một lý do nữa là thẩm quyền của cơ quan cạnh tranh còn hạn chế. Tại nhiều nước, cơ quan này có thẩm quyền rất lớn, trực thuộc Chính phủ hoặc Tổng thống. Còn ở ta cơ quan này không độc lập.

Quyền ở người tiêu dùng

Năm 2009, Cục Quản lý Cạnh tranh đã công bố những số liệu thuyết phục về việc giá sữa bột ngoại tại Việt Nam cao hơn nhiều so với một số nước khác, mặc dù cùng một chủng loại, sản phẩm, nhãn hiệu. “Công bố như vậy để nhìn thấy sự vô lý, nhưng lại không phát hiện được dấu hiệu gian lận nào. Chúng ta không chứng minh được giá sữa tại Việt Nam cao là do gian lận nên đành chịu”- Ông Phú nói.

Luật Cạnh tranh quy định, nếu doanh nghiệp bắt tay nhau để đồng loạt tăng giá thì bị xử lý. Nhưng vấn đề là làm thế nào để thu thập được chứng cứ về sự thỏa thuận này. Thực tế, doanh nghiệp không cần thỏa thuận với nhau mà thấy một doanh nghiệp có động thái tăng giá là các doanh nghiệp khác tăng theo. Một hãng sữa tăng 10% thì hãng tiếp theo tăng 9%. Khi đó, cơ quan nhà nước đành bó tay.

Theo ông Phú nếu giá sữa tại Việt Nam cao bất hợp lý so với nước ngoài thì người tiêu dùng tẩy chay, không dùng sản phẩm đó nữa, buộc doanh nghiệp phải hạ giá. Nhưng với nhiều người tiêu dùng Việt Nam thì giá sữa càng cao có thể họ lại cho rằng đó là sữa tốt, càng mua nhiều. Một số bà mẹ nói “con tôi không có lựa chọn nào khác” nhưng trên thị trường, sữa bột trong nước giá cả hợp lý hơn, không hề thiếu.

Ông Phú cho rằng. Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, thấy rằng, sữa nội cũng không kém gì sữa ngoại. Sữa ngoại đắt và đương nhiên được coi là tốt do quảng cáo, truyền thông rầm rộ. Do vậy, nếu người tiêu dụng tự bảo vệ mình thì nên tìm đến sữa nội.

Đăng ký giá: Không vi phạm WTO

Khi cơ quan chức năng lấy ý kiến doanh nghiệp để sửa đổi Thông tư 104, trong đó có nội dung yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài cũng phải kê khai, đăng ký giá sữa, đã vấp phải sự phản kháng khá mạnh mẽ của một số Hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Có doanh nghiệp cho rằng, yêu cầu này là vi phạm cam kết quốc tế, can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, yêu cầu này hoàn toàn không vi phạm các cam kết quốc tế.

“Chúng tôi đã rà hết các quy định trong WTO, việc này hoàn toàn bình thường và nhiều nước đã áp dụng để minh bạch thị trường”- Ông Tuấn nói.

Đồng tình quan điểm này, ông Vũ Bá Phú cho rằng, việc minh bạch cơ cấu giá là cần thiết và các cơ quan nhà nước có quyền làm. Chỉ có yêu cầu kê khai, đăng ký giá thì mới kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp có gian lận hay không. Nhà nước không cấm doanh nghiệp bán hàng được lãi nhiều, nhưng mức lợi nhuận không thể bất hợp pháp, bất hợp lý.

Tuy nhiên, phải hết sức tránh biến việc kê khai, đăng ký giá thành một giấy phép con trá hình, khiến doanh nghiệp đăng ký nhưng lại phải đi cửa sau để được chấp nhận. Do vậy, đăng ký giá nên thực hiện như một hình thức thông báo. Sau đó cơ quan nhà nước sẽ hậu kiểm. Doanh nghiệp cứ đăng ký và thực hiện việc điều chỉnh giá. Nếu phát hiện vấn đề gì thì cơ quan nhà nước mới vào cuộc kiểm tra, xử lý.

MỚI - NÓNG