Miền Trung thiếu cát ?

Ghe thuyền trên sông Thu Bồn (Quảng Nam) im lìm vì lệnh cấm khai thác cát
Ghe thuyền trên sông Thu Bồn (Quảng Nam) im lìm vì lệnh cấm khai thác cát
TP - Từ hơn nửa tháng qua, nhiều công trình xây dựng tại Đà Nẵng, Quảng Nam khốn đốn vì thiếu cát, giá cát tăng gấp đôi. Nguyên nhân được cho là do chính quyền các địa phương trên quyết liệt cấm khai thác cát trái phép trên các lòng sông.
Ghe thuyền trên sông Thu Bồn (Quảng Nam) im lìm vì lệnh cấm khai thác cát
Ghe thuyền trên sông Thu Bồn (Quảng Nam) im lìm vì lệnh cấm khai thác cát . Ảnh: Nam Cường

Phải tạm dừng

Dù những công trình trọng điểm chưa đến mức phải tạm dừng vì thiếu cát xây dựng, nhưng hầu hết các công trình nhỏ hơn, đặc biệt là các hộ gia đình đang xây nhà lâm cảnh khốn đốn, thậm chí tạm dừng.

Công trình Nhà thi đấu TDTT TP Đà Nẵng hơn một tuần trở lại đây phải chạy đua quyết liệt để bảo đảm tiến độ vì thời hạn bàn giao đã cận kề. Ông Nguyễn Phi Long - Phó Ban Quản lý dự án (QLDA) này cho hay giá cát đội lên bất ngờ đã khiến toàn bộ 8 nhà thầu thi công đều khốn đốn.

“Chúng tôi phải chấp nhận giá cát tăng gấp đôi, cách đây chừng nửa tháng, giá cát xây dựng (cát đúc, cát vàng, cát trắng…) chỉ chừng 60-70 ngàn đồng/khối, nhưng từ giữa tháng 7 đã đội lên 80 rồi 90 ngàn đồng/khối và có những thời điểm, chúng tôi phải mua cát với giá 130-150 ngàn đồng/khối. Dẫu thế, cát cũng không có mà mua, có những ngày các nhà thầu phải đi mua từng xe cát, thậm chí giành giật để mua” - ông Long nói.

Những công trình trên dẫu sao còn đủ lực, đủ mối quan hệ để mua cát, còn nhiều hộ gia đình đang thi công nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ… lâm cảnh khó thực sự.

Trên đường Điện Biên Phủ, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng (Đà Nẵng), hiện nhiều ngôi nhà xây dở dang đang đắp chiếu vì thiếu cát. Hiếm hoi có một nhà vẫn đang thi công, của ông Đinh Hữu Đáng (quận Thanh Khê).

Không nhiều công trình nhỏ ở Đà Nẵng còn cát để xây dựng
Không nhiều công trình nhỏ ở Đà Nẵng còn cát để xây dựng . Ảnh: Nam Cường

Ông Đáng ngao ngán: “May mà tui còn có người quen ở Túy Loan, trực tiếp đến giành mua cát, không thì cũng khó”. Còn ông Phúc - một chủ cơ sở cung cấp cát tại chân cầu Trần Thị Lý cho biết, cát chủ yếu ở đây được mua về từ Quảng Nam, trước đây mỗi ngày nhập về khoảng 200m3 để cung cấp cho thị trường Đà Nẵng nhưng 10 ngày trở lại đây gần như không nhập được cát.

Chờ… lũ về

Theo một cán bộ Sở TN&MT Đà Nẵng, thời gian qua do nắng nóng kéo dài, khả năng nước mặn ở sông Cu Đê lấn sâu tới 6-10km nên khai thác cát rất khó khăn. Hơn nữa, việc UBND TP Đà Nẵng quy định cấm khai thác cát ở 2 sông Cu Đê và Túy Loan càng khiến tình hình thêm khó khăn.

Đà Nẵng cũng nhiều lần cấm khai thác cát trên 2 con sông này, nhưng chỉ gần đây, huyện Hòa Vang ra quân truy quét quyết liệt nên đội quân khai thác cát đành nằm im. Tại huyện Điện Bàn (Quảng Nam), các ghe thuyền hút cát cũng đang nằm im vì lệnh cấm.

Ngoài ra, theo một số thông tin, giới cung ứng cát ở Quảng Nam, Đà Nẵng hiện đang găm hàng vừa chờ giá lên, vừa chờ lệnh cấp cho những gói xuất khẩu với giá béo bở hơn bán trong nước.

Ông Từ Chỉnh - lãnh đạo Cty Bê tông Dinco Đà Nẵng - một trong những đơn vị tiêu thụ cát lớn nhất ở Đà Nẵng thừa nhận hiện các đầu nậu, cửa hàng vật liệu xây dựng đang găm hàng, từ chối bán cho khách hàng nhỏ lẻ để bán giá cao hoặc để cấp ổn định hơn cho những mối lớn.

Về khả năng cải thiện tình hình, theo ông Chỉnh, hy vọng cát sẽ hạ giá khi… lũ về, mang cát thượng nguồn bồi đắp! Bà Trần Thị Mai Hoa - Phó phòng Quản lý các hoạt động xây dựng (Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho biết, sở sẽ phối hợp với đơn vị QLTT kiểm tra các đơn vị đẩy giá cát trên địa bàn thành phố.

Xô xát với sa tặc để giữ đất ruộng

Sáng 28-7, các hộ dân có ruộng dọc bờ sông Bàn Thạch (thuộc 2 phường Tân Thạnh, An Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) tổ chức ngăn chặn đập phá xe và phương tiện vào sông hút cát. Người dân cũng chặn hai xe chở cát từ bãi dưới chân cầu Nguyễn Văn Trỗi (phường An Hà, TP Tam Kỳ) yêu cầu các lái xe đổ cát về chỗ cũ.

Người dân bên sông Bàn Thạch (Tam Kỳ, Quảng Nam) quyết liệt chống lại sa tặc
Người dân bên sông Bàn Thạch (Tam Kỳ, Quảng Nam) quyết liệt chống lại sa tặc . Ảnh: Nguyễn Thành

Mặc dù đã có lệnh cấm khai thác, nhưng tại đây từ 4 năm qua, hằng đêm các sà lan vẫn lén lút hút cát. Người dân đã nhiều lần viết đơn kiến nghị lên cấp trên, và cũng đã nhiều lần đứng ra ngăn cản, nhưng tình trạng khai thác cát vẫn diễn ra.

Đỉnh điểm sự việc xô xát diễn ra sáng 28-7 là do dân quá bức xúc, bởi ruộng đồng ngày một bị xói lở, bồi lấp, mất dần đất sản xuất.

Theo UBND phường Tân Thạnh, có gần 30 hộ dân thuộc hai phường trên có ruộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nạn khai thác cát trái phép trên sông Bàn Thạch. Hàng chục héc ta ruộng đã bị sông cuốn đi và bị cát bồi lấp do dòng chảy của sông bị thay đổi.

Trung tá Trương Văn Hương, công an TP Tam Kỳ cho biết: “Thành phố đã cấm khai thác cát trên sông Bàn Thạch. Chúng tôi sẽ xử phạt nặng các trường hợp vi phạm và tăng cường thêm lực lượng tuần tra trên sông”.  

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.