Cận cảnh dự án 16 tỷ USD

Những gia đình ở xã Kỳ Lợi (Kỳ Anh-Hà Tĩnh) phá cả nhà cửa nhường đất cho dự án của Formosa, dựng lán ở tạm tại khu tái định cư. Ảnh 1,2
Những gia đình ở xã Kỳ Lợi (Kỳ Anh-Hà Tĩnh) phá cả nhà cửa nhường đất cho dự án của Formosa, dựng lán ở tạm tại khu tái định cư. Ảnh 1,2
TP - Ngày 28-7, phóng viên Tiền Phong có mặt tại cảng Vũng Áng, đặt chân lên siêu dự án 16 tỷ USD- Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh.

>> Bài 1: Những đại dự án FDI vốn ảo

Sau hơn hai năm khởi công (6-7-2008), siêu dự án hiện vẫn chỉ là những đống cát, đá trơ trọi giữa đồng không mông quạnh. Còn hàng ngàn người dân nghèo nhường đất cho dự án lâm cảnh không công ăn việc làm, khó khăn đủ thứ.

Những gia đình ở xã Kỳ Lợi (Kỳ Anh-Hà Tĩnh) phá cả nhà cửa nhường đất cho dự án của Formosa, dựng lán ở tạm tại khu tái định cư. Ảnh 1,2
Những gia đình ở xã Kỳ Lợi (Kỳ Anh-Hà Tĩnh) phá cả nhà cửa nhường đất cho dự án của Formosa, dựng lán ở tạm tại khu tái định cư. Ảnh: Phong Cầm

Nỗi niềm dân tái định cư

Huyện nghèo Kỳ Anh (Hà Tĩnh) những ngày cuối tháng 7 mưa nắng thất thường. Đã mưa thì dầm dề, khi nắng thì cháy rát mặt người, vì gió Lào. Từ thị trấn Kỳ Anh, chúng tôi ngược rừng về với người dân nghèo Kỳ Lợi tại Khu tái định cư Dự án Formosa thuộc địa bàn xã Kỳ Trinh.

Trước khi lên đây, cán bộ huyện, xã đến tận nhà động viên người già sẽ được bố trí việc làm phù hợp, thanh niên được học nghề, nhưng đến nay chưa thấy gì. Nay về chỗ ở mới, gặp muôn vàn khó khăn vì không có đất sản xuất nhưng không biết kêu ai. Là dân nghèo, chúng tôi giống như con cóc ngắn cổ kêu trời không thấu - Ông Lê Xuân Vẽ, người dân nhường đất cho dự án của Formosa 

Sau cơn mưa, con đường dẫn vào khu tái định cư đất đỏ lầy lội. Trước mặt chúng tôi là Khu tái định cư với hàng trăm căn nhà đang xây dựng dang dở. Nhìn từ xa, Khu tái định cư như một công trường lớn đang thi công. Có nhiều căn nhà đã xây xong phần thô nhưng không thấy người dân đến ở; trong khi hệ thống đường, điện, nước… đến nay vẫn chưa hoàn thiện nên việc xây dựng càng khó khăn hơn.

Những ngày này, chuyện thời sự của người dân nơi đây vẫn quanh quẩn với vấn đề tới đây sẽ làm gì để sống, khi mà tiền Nhà nước hỗ trợ, đền bù đã chi hết vào việc xây nhà.

Vợ chồng ông Lê Xuân Vẽ (65 tuổi) và Mai Thị Minh (62 tuổi) cho biết, gia đình ông được Nhà nước đền bù 300 triệu đồng. Trước đây, ông ở thôn 1 (xã Kỳ Lợi) quanh năm gắn bó với nghề biển và làm nông. Hằng ngày đi biển cũng kiếm được chút tiền; cộng với 7 sào ruộng thu hoạch mỗi vụ cả tấn thóc nên cuộc sống không đến nỗi khó khăn.

“Tiền đền bù đã chi hết vào việc xây nhà nhưng vẫn chưa xong. Lên khu tái định cư, chỉ được cấp 400m2 đất làm nhà ở, không có đất để trồng trọt, chăn nuôi. Lắm lúc nhớ biển, nhớ đồng nhưng không biết phải làm sao. Không biết khi tiêu hết tiền đền bù, lấy gì sống...”, ông Vẽ buồn rầu.

Chúng tôi lân la đến các gia đình khác ở Kỳ Trinh. Lúc đầu nhiều người nhìn chúng tôi với ánh mắt nghi ngờ. “Lại cán bộ đến tuyên truyền, tiền hết, gạo hỗ trợ chưa có còn đến làm gì nữa chứ” - bà Lê Thị Chiến, nói vọng từ trong nhà.

Bà Chiến kể: Nhà tôi được đền bù 340 triệu đồng. Từ khi chuyển lên khu tái định cư, số tiền trên đã hết sạch, hai đứa con đang chưa có việc làm cố định.

“Hồi chưa lên khu tái định cư, cả nhà đi biển mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn, không phải lo cơm áo gạo tiền như hiện nay. Nhiều người nói với chúng tôi rằng khi lên đây, đàn bà được vào làm công nhân trồng rau, con cái được đi học. Đàn ông trên 60 tuổi, đàn bà trên 55 tuổi được hỗ trợ mỗi tháng 15kg gạo, đến nay cũng chưa thấy gạo mô”, bà Chiến nói.

Nhiều người dân tại khu tái định cư dự án Formosa khi gặp chúng tôi cũng bày tỏ sự lo lắng về tương lai. Từ chuyện học hành của con cháu cho đến chuyện làm gì để sinh sống khi nơi đây xung quanh chỉ có đồi núi, đất đá khô cằn…

Khởi công 2 năm, vẫn chỉ là bãi đất trống

Rời khu tái định cư, chúng tôi xuôi về biển, nơi dự án Formosa đang triển khai. Mặc dù 4 xã thuộc diện di dời của huyện Kỳ Anh đã bàn giao mặt bằng gần hết cho chủ đầu tư nhưng các hạng mục công trình của dự án Formosa vẫn chưa có gì.

Cận cảnh dự án 16 tỷ USD ảnh 2

Cả một vùng đất rộng mênh mông nối dài giữa bốn xã Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Long vẫn chỉ thấy toàn đất và cát. Ngăn đôi giữa khu vực xây dựng khu gang thép chỉ có một đoạn mương do chủ đầu tư xây dựng để ngăn nước, cũng trong tình trạng nham nhở, sơ sài.

Ông Chu Văn Tuỵnh - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi cho biết, toàn bộ người dân thuộc diện di dời của thôn 1 và 1/3 của thôn 2 đã di dời lên khu tái định cư để lấy đất giao cho dự án Formosa. Theo ông Tuỵnh, đến thời điểm này, chủ đầu tư mới tiến hành thăm dò địa chất, làm mương thoát nước, xây dựng nhà ký túc xá cho cán bộ công nhân.

“Phát triển kinh tế xã hội cần phải CNH-HĐH và cần xây dựng nhiều dự án lớn là tất yếu. Khi đề xuất làm dự án Formosa, chính quyền và nhân dân xã Kỳ Lợi hoàn toàn đồng tình. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng là người dân sau đó phải làm gì để ổn định cuộc sống, việc đào tạo nghề cho con em địa phương thế nào…”, ông Tuỵnh băn khoăn.

Cũng theo ông Tuỵnh, nếu xảy ra trường hợp dự án Formosa đổ bể, người dân xã Kỳ Lợi và ba xã Kỳ Phương, Kỳ Long, Kỳ Liên sẽ mất lòng tin nơi cán bộ. Mới đầu khi nghe tin có dự án nhà máy thép của Formosa, người dân cũng không tin vì chủ đầu tư lấy đất nhiều quá.

Việc lấy đất nhiều, sợ dự án sẽ không khả thi. Nhưng về sau, được tỉnh và huyện tuyên truyền, nhà đầu tư cũng làm mạnh nên người dân Kỳ Lợi đã đồng ý di dời với mong muốn dự án sớm thành hiện thực, đem lại lợi ích cho người dân nghèo.

Phó Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng-Nguyễn Đình Vận:

Tôi không biết năng lực tài chính của chủ đầu tư

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Vận - Phó Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) cho biết: Đến thời điểm này, cơ bản đã bàn giao mặt bằng gần 3.200 ha thuộc 5 xã (Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Thịnh thuộc huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho chủ đầu tư. Trong đó có 600 ha đất ở, còn lại là đất nông nghiệp.

Để có mặt bằng dự án, chính quyền đã phải di dời 2.200 hộ dân. Để có tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa vay vừa xin Chính phủ hỗ trợ khoản ngân sách 2.500 tỷ đồng, trong đó 1.500 tỷ đồng dùng để đền bù di dân, giải phóng mặt bằng và 1.000 tỷ đồng còn lại là để xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, đào tạo nghề cho người dân…

Ông Vận cho biết thêm, (36 tháng) kể từ khi bàn giao mặt bằng sạch, dự án Formosa sẽ triển khai lắp đặt nhà máy để sản xuất. Theo kế hoạch, đến 30-7-2010, việc bàn giao mặt bằng sẽ hoàn thiện. Việc đào tạo nghề cho người dân tái định cư sẽ thế nào trong khi họ đã mất hết tư liệu sản xuất?

Ông Vận cho biết, đến thời điểm này đã thống kê được số lao động cần đào tạo. UBND huyện Kỳ Anh cũng đã tiến hành nhập Trung tâm Giáo dục Hướng nghiệp Dạy nghề Kỳ Anh vào Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Kỳ Anh để tập trung dạy nghề cho con em các hộ dân liên quan dự án Formosa. Đến thời điểm này, đã mở được hai lớp may công nghiệp và gò hàn cho 120 con em thuộc hộ phải di dời.

Khi được PV phản ánh việc hiện nay Tập đoàn Formosa đang đưa ra những kiến nghị với Chính phủ để được vay vốn và giảm thuế các mặt hàng nhập khẩu phục vụ hoạt động dự án sau này, ông Vận cho rằng đây là dự án trọng điểm quốc gia nên chắc các bộ, ngành cũng đã nghiên cứu kỹ năng lực tài chính của chủ đầu tư rồi mới cấp phép.

Việc triển khai dự án cũng do nhà thầu phía Đài Loan làm nên họ đã chi những khoản nào cũng không biết. “Còn về năng lực tài chính của tập đoàn này, tôi không được tham gia nên không biết, việc này phải hỏi Trưởng ban Quản lý dự án Khu kinh tế Vũng Áng Võ Kim Cự (hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - PV)” – Ông Vân nói.

Vì Formosa là dự án trọng điểm quốc gia nên đã được UBND tỉnh dành nhiều ưu đãi hơn so với các dự án khác. “Nếu một nhà đầu tư nước ngoài vào mà năng lực tài chính có hạn thì không thể thực hiện được. Có thể họ thấy mình ưu đãi nhiều nên đưa ra nhiều yêu sách hơn” - ông Vận nói. P.C - M.T

Còn nữa

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.