Ai bảo vệ dân nghèo?

Ai bảo vệ dân nghèo?
TP - Dân nghèo, lại không am hiểu pháp luật. Bị lừa, họ chỉ biết gõ cửa cơ quan chức năng kêu cứu. Nhưng đã nhiều tháng qua, cơ quan công an chỉ trả lời đang xác minh, ngân hàng bảo đó là việc của những người vay. Ai bảo vệ quyền lợi dân nghèo?

>> Sao không ai trả lời chị Phúc?

Chị Lê Thị Oanh, một nạn nhân viết đơn tố cáo hành vi lừa đảo của cò Hoa từ nhiều tháng nay nhưng không nhận được hồi âm
Chị Lê Thị Oanh, một nạn nhân viết đơn tố cáo
hành vi lừa đảo của cò Hoa từ nhiều tháng nay
nhưng không nhận được hồi âm.


Ngân hàng phủi trách nhiệm

Theo báo cáo của Giám đốc Agribank Đắk Lắk gửi cấp trên, riêng số hợp đồng do cán bộ tín dụng Nguyễn Văn Nhân cho vay có liên quan tới bà Nguyễn Thị Hoa lên tới 166 món, dư nợ 49 tỷ đồng. Trong đó, cho vay riêng trên địa bàn xã Hòa Thắng 66 món, dư nợ 26,6 tỷ đồng , phần lớn thuộc dạng nợ khó đòi.

Kết quả đối chiếu của ngân hàng cho thấy có một số trường hợp chữ ký của người ủy quyền, người thừa kế trên hồ sơ vay vốn không phải là chữ ký của người cùng tên trên đơn tố cáo; Có những trường hợp người vay không ký nhưng UBND xã Hòa Thắng vẫn xác nhận họ đã ký vào hồ sơ vay vốn.

Lãnh đạo Agribank Đắk Lắk nhận định, cán bộ Phòng Giao dịch Tân Lợi (PGD) có một số sai phạm như: Tin tưởng sự xác nhận của UBND xã trong hợp đồng bảo đảm tiền vay nên không giám sát chữ ký người thừa kế; Định giá tài sản cao hơn thực tế, một số hộ không có điều kiện kinh doanh nhưng cho vay kinh doanh; Buông lỏng kiểm tra giám sát, để khách hàng sử dụng vốn sai mục đích, cho bà Hoa vay ké; Không báo cáo đầy đủ kịp thời tình hình nợ xấu dù đã nhận văn bản chỉ đạo từ cuối năm 2009 …

Từ kết luận trên, Agribank Đắk Lắk đã miễn nhiệm chức danh tổ trưởng tín dụng của ông Nguyễn Văn Nhân và Giám đốc PGD Trần Văn Lâm, đưa 2 vị này vào tổ thu nợ, hưởng lương cơ bản để bám địa bàn đôn đốc thu hồi nợ, tạm bỏ tiền cá nhân khắc phục hậu quả những món cho vay chưa thực hiện đầy đủ quy trình. Mặt khác, Agribank Đắk Lắk cũng giao cho PGD Tân Lợi khởi kiện ra tòa một số hộ bị cho là chây ỳ, không có thiện chí trả nợ hoặc xúi giục khiếu kiện, vu cáo ngân hàng.

Có thể thấy, nếu không có sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng, cò Hoa không thể lừa đảo, vay ké người dân. Tuy nhiên, làm việc với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Khánh, Trưởng phòng Kiểm tra nội bộ Agribank Đắk Lắk cho rằng: Thỏa thuận hay mắc lừa thế nào cũng là chuyện riêng giữa các hộ đứng tên vay vốn với bà Hoa, phần trách nhiệm ngân hàng phải lo là vẫn thu đủ các khoản nợ đã cho vay. Hộ nào khó khăn quá nhưng có thiện chí trả nợ, Agribank Đắk Lắk sẽ động viên họ cố gắng xoay xở ra tiền để hoàn nợ, sau đó ngân hàng xem xét tạo điều kiện cho họ vay vốn tiếp với thời gian dài hơn. Hộ nào bất hợp tác, tất nhiên ngân hàng phải nhờ đến các cơ quan pháp luật xử lý.

Về trách nhiệm của thủ quỹ PGD Tân Lợi khi giải ngân tiền cho bà Hoa (dù không có ủy quyền của người vay) theo tố cáo của nhiều người dân, ông Khánh nói: Chẳng có bằng chứng nào về việc đó! Thủ quỹ Đoàn Thị Thu An bác bỏ tất cả các cáo buộc và hiện vẫn được làm việc bình thường.

Công an chần chừ

Ngay sau khi phát hiện bị Nguyễn Thị Hoa lừa, nhiều nạn nhân đã gửi đơn tố cáo Hoa đến Công an TP Buôn Ma Thuột. Ngày 15-12-2009, tại trụ sở Công an TP Buôn Ma Thuột, trước sức ép của đông đảo chủ nợ, chứng kiến của công an, Hoa viết giấy cam kết: Không kiện ngược lại tất cả các hộ đã kiện Hoa; Thừa nhận có các khoản “vay ké” của các hộ kiện mình tại PGD Tân Lợi, hứa sẽ cùng các hộ này trả đủ lãi và gốc số tiền vay ké khi đến hạn trả ngân hàng. Nếu sai xin chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật. Tuy nhiên, đến nay, lời hứa của Hoa với nhiều người vẫn chỉ là hứa, trong khi người dân bị sức ép đòi nợ của ngân hàng. Còn Hoa vẫn thách thức, nhởn nhơ.

Trao đổi với phóng viên, Đại tá Trần Thanh Chương, Trưởng phòng PC45 Công an tỉnh Đắk Lắk, đơn vị nhận thụ lý hồ sơ “vụ lừa Hòa Thắng” từ Công an TP Buôn Ma Thuột chuyển lên, cũng chỉ nói ngắn gọn: “Vụ việc phức tạp chưa thể nói trước thời hạn điều tra. Bà con đừng bức xúc. Anh em chúng tôi vẫn đang làm”.

Chị Chu Thị Hồng Loan, một trong những chủ nợ đang đứng trước nguy cơ mất trắng 6,84 tỷ đồng vào tay Hoa cho biết, chị không chỉ đi kiện cho mình, mà còn công khai nhờ luật sư làm hồ sơ kiện giúp cho một số người khác. “Chồng tôi cũng là người dân tộc Mường như họ, tôi biết họ quá thật thà cả tin và thiếu hiểu biết về pháp luật, bị lừa mà không biết đường kêu oan…”, chị Loan nói.

Đến nay, chưa biết ngoài 46 hộ dân đã tìm đến báo Tiền Phong, còn bao nhiêu nạn nhân nữa mắc lừa Nguyễn Thị Hoa trong vụ “cò tín dụng” này. Nhưng một người đã tìm đến cái chết, hàng chục người khác nguy cơ mất nhà, khánh kiệt tài sản, tan vỡ gia đình vì không có khả năng trả nợ và xung đột, uất ức. Hậu quả như vậy, không lẽ chưa đủ để cơ quan Công an khởi tố vụ án, điều tra, làm rõ trắng đen sao ?

Luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TPHCM):

Đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo

Theo như những gì báo Tiền Phong nêu thì bà Nguyễn Thị Hoa đã lợi dụng mối quan hệ quen biết (với ngân hàng), tạo niềm tin và dùng các thủ đoạn gian dối, bằng hành vi lừa dối liên tiếp, có kế hoạch, với mục đích chiếm đoạt tài sản của các hộ dân khi họ nhờ làm thủ tục vay vốn. Như vậy đã đủ các yếu tố để cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 139-BLHS.

Việc nhiều người dân bị lừa khi vay vốn ngân hàng xảy ra liên tiếp trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk do: Sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân; Có thể bọn lừa đảo được sự bao che của một số cán bộ có trách nhiệm ở địa phương. Tuy nhiên, dù ở góc độ nào thì trách nhiệm giải quyết vụ việc vẫn thuộc về cơ quan điều tra.

Với cái chết thương tâm của chị Phúc, hậu quả nghiêm trọng càng rõ. Vấn đề bây giờ là cơ quan điều tra phải nhanh chóng vào cuộc, khẩn trương điều tra xác minh đơn thư tố cáo, tránh kéo dài dây dưa gây hoang mang dư luận, mất lòng tin trong nhân dân.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.