Năm ngày đêm đối mặt tử thần

Họ đã chống chọi quật cường với sóng dữ để trở về an toàn
Họ đã chống chọi quật cường với sóng dữ để trở về an toàn
TP - Gió rít ào ào, những cột sóng cao 5m đánh dữ dội vào mạn, tàu QNg 66478 như chiếc lá tre mỏng manh giữa Hoàng Sa. “Đúng 5 ngày đêm anh em tui giỡn mặt tử thần” - lão ngư 70 tuổi Nguyễn Đảng bắt đầu câu chuyện.

 >> Tháng rưỡi mỏi mòn và hải trình thần tốc
 >> Chín ngư dân đã trở về đất liền

Họ đã chống chọi quật cường với sóng dữ để trở về an toàn
Họ đã chống chọi quật cường với sóng dữ để trở về an toàn . Ảnh: Nam Cường

Kinh nghiệm của lão ngư

Giữa đêm đen Hoàng Sa, ông Đảng kể về 5 ngày đêm (từ 11 đến 16-10) tàu QNg 66478 cùng 9 ngư dân lênh đênh giữa sóng dữ.

Đúng 14 giờ ngày 11-10, các ngư dân được phía Trung Quốc thả về từ đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa), kết thúc một tháng bị giữ. “Được thả về là mừng lắm, anh em nhảy xuống tàu, nổ máy chạy một mạch ra khơi. Nhưng được một đoạn thì có trục trặc, ông Lưu quyết định quay lại đảo xin cấp thêm dầu, nước ngọt và cho kiểm tra máy móc. Nhưng họ (phía Trung Quốc) chỉ cho khoảng 500 lít dầu, đủ để chạy về đảo Lý Sơn. Anh em ráng chịu, chạy được 3 hải lý thì chết máy vì hư hộp số do để lâu nước mặn tràn vào” - ông Đảng kể.

Thuyền viên Dương Dũng (28 tuổi), nhớ lại: Lúc đó sóng to gió lớn, có lúc cả tàu quay ngang. Gió càng lúc càng mạnh, sóng đẩy tàu trôi xa đảo. Màn đêm nhanh chóng ập xuống, bao trùm 9 mạng người cùng chiếc tàu đang mất phương hướng.

Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu bần thần: “Trên tàu không có ICOM, không máy dò, máy quét gì nữa bởi họ đã lấy hết rồi. Chỉ còn cái xác tàu với một phuy nước ngọt, một bao gạo”.

Lão ngư Nguyễn Đảng hạnh phúc bên con gái nhỏ ngày trở về
Lão ngư Nguyễn Đảng hạnh phúc bên con gái nhỏ ngày trở về . Ảnh: Nam Cường

Ông Đảng kể: “Tinh mơ sáng 12-10, tui quyết định cho anh em căng bạt làm buồm bởi gió càng lúc càng mạnh. Tàu chết máy không buồm, chỉ cần gặp con sóng lớn là vùi thây dưới biển. Anh em hè sức làm độ tiếng đồng hồ thì xong. Tui tính kỹ rồi, qua một đêm trôi dạt, tàu có trôi đi đâu thì cũng chỉ loanh quanh Hoàng Sa, chưa thể đi xa được. Với hướng gió bão quất mạnh như thế, có buồm không chừng quay lại được Phú Lâm”.

Lão ngư 70 tuổi có gần 50 năm bám Hoàng Sa tính toán như thần bởi sau 5 ngày đêm, khi gạo chỉ còn đúng 1 bữa ăn, tàu QNg 66478 suýt đâm vào một tàu hàng Trung Quốc. Nhưng rồi tàu hàng bẻ lái chạy thẳng. Chừng một tiếng sau, tàu ngư chính Trung Quốc chạy ra lai dắt tàu và ngư dân vào đảo Trụ Cẩu. Khoảng cách từ điểm lai dắt đến Trụ Cẩu là 5-7 hải lý.

Lúc này, ông Mai Phụng Lưu cùng mấy thuyền viên ngỡ ngàng nhìn ông Đảng: “Chuyến ni mà cha Đảng ni không đi tụi tui coi như chôn hết rồi còn mô nữa. Không có ông làm buồm rồi chỉ đạo anh em căng sức giữ buồm, men theo làn gió thuận thì chỉ có nước trôi xuống đáy biển”.

Nhường nhau mạng sống

Trên tàu QNg 66478, gia đình thuyền trưởng Lưu có tới 4 người, gồm anh, 2 con trai và 1 con rể. Trong 9 người trên tàu già nhất là ông Đảng và trẻ nhất là Trần Văn Đủ 14 tuổi. Anh Lưu chỉ tay vào Đủ, nói: “Nó là con hàng xóm nhưng tui cũng coi như con mình, cha nó là ngư dân lặn hải sâm nay bị liệt, nhà nghèo nên tui nuôi luôn”. Chín người đàn ông xứ biển, trong 5 ngày đêm quay cuồng trong hiểm nguy, có lúc họ tính đến việc nhường nhau mạng sống.

Ông Đảng nhớ lại: “Làm buồm xong thì ai nấy rã rời, nhưng tui lệnh không ai được ngủ, dù chỉ là chợp mắt. Lớn nhỏ đều phải thức, bởi không biết cái chết đến lúc nào, nhiều khi, chỉ một tích tắc chợp mắt lỏng tay là toi đời. Đúng 5 ngày đêm, 9 anh em không ai ngủ. Vừa thức canh chừng, anh em lại đem chuyện sống chết ra đùa vui. Bởi ai cũng biết, càng sợ sệt, cái chết càng đến gần hơn”.

Mai Văn Hảo (18 tuổi), con trai anh Lưu, sau giây phút nhảy cẫng lên vui sướng vì được thả ngay giữa Hoàng Sa, lại có cảnh sát biển lai dắt hộ tống, phóng viên quay phim, chụp ảnh, chui tọt vào khoang lái con tàu rách nát, thẫn thờ nhìn ra Hoàng Sa. Hảo nói: “Nhớ lại những ngày đêm chống chọi với sóng gió, giờ em vẫn còn thấy kinh hoàng. Ứa nước mắt bởi cha có khi bàn bạc: Nếu tàu chìm, tau nhường mạng sống cho tụi bây. Dùng phao, dùng thuyền thúng ráng vẫy vùng mà sống”.

70 tuổi, tóc trắng như cước, dáng người quắc thước tựa cây gỗ lim, lão ngư Nguyễn Đảng kiên cường chiến đấu tìm con đường sống. Ông có lẽ là người già nhất còn theo những chuyến tàu ra Hoàng Sa. 22 tuổi đi chuyến biển đầu tiên, rồi cứ thế cho đến tận bây giờ.

Người vợ đầu sinh cho ông 6 người con. Nhiều năm sau khi vợ chết ông đi bước nữa năm 2004 rồi có thêm con gái giờ đã 6 tuổi. Nằm lắc lư trên boong tàu CSB 6006, ông Đảng kể với tôi: “Mấy đứa lớn yên bề gia thất, tui nhớ đứa nhỏ lắm. Vì nó mà tui gắng sống đến hơi thở cuối. Năm ngày đêm quay cuồng giữa biển, có khi tui cũng định buông xuôi. Nhưng nhớ đến ánh mắt con gái, sức sống lại bùng lên”...

Mọi sự giúp đỡ gia đình anh Mai Phụng Lưu và các ngư dân, xin gửi về Tòa soạn báo Tiền Phong (15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội), Ban đại diện tại miền Trung (19 Ngô Gia Tự, TP Đà Nẵng) và các văn phòng đại diện báo Tiền Phong trên toàn quốc. 
MỚI - NÓNG