Mưa lớn, Nam Trung bộ ngập nặng

Nước ngập ở Nha Trang
Nước ngập ở Nha Trang
TP - Trong các ngày từ 29 đến 31-10, các tỉnh Nam Trung bộ có mưa to, nhiều nơi bị ngập nặng khiến dân bị cô lập, ùn tắc giao thông xảy ra trên diện rộng. Tại Khánh Hòa, xảy ra tình trạng sạt lở đất, ngập lụt đã khiến 3 người thiệt mạng.

 >> Khánh Hòa: Ngập nặng, ba người chết

Nước ngập ở Nha Trang
Nước ngập ở Nha Trang . Ảnh: Đình Quân

Khánh Hòa: Ba người chết

Từ 7 giờ ngày 29-10 đến 13 giờ ngày 31-10, các nơi trong tỉnh Khánh Hòa đều có mưa to từ 230mm - 350 mm. Ở thành phố Nha Trang, lượng mưa tới 515 mm. Nước các sông lên rất nhanh, đỉnh lũ trên sông Dinh tại Ninh Hòa lúc 4 giờ ngày 31-10 là 5,62m (trên BĐ3 là 0,12m), đỉnh lũ trên sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng lúc 6 giờ ngày 31-10 là 10,94m (dưới BĐ3 là 0,06m).

Một số hồ như Suối Trầu (Ninh Hòa), Suối Hành (thị xã Cam Ranh) nước đã xấp xỉ mức tràn, các hồ Am Chúa, Láng Nhớt, Suối Dầu đã phải xả lũ. Các tuyến đường vào Nha Trang như đường 23 Tháng 10, 2 Tháng 4, Phong Châu và nhiều đường phố nội thành bị ngập sâu.

Toàn thành phố có 37 căn nhà bị sập. Thành phố đã điều 4 ca nô và lực lượng công an, bộ đội, thanh niên xung kích đến cứu dân ở các khu vực này.

Huyện miền núi Khánh Sơn đang bị cô lập, do Tỉnh lộ 9 đi thị xã Cam Ranh có nhiều đoạn bị ngập sâu trên 1m. Quốc lộ 1A đoạn qua Cam Ranh bị ngập nhiều đoạn với độ dài trên 2km, nặng nhất là đoạn Đồng Bà Thìn ngập 0,5 - 0,7m.

Khoảng 14 giờ ngày 30-10, đá lở gây ách tắc tại Km 1230+420 trên đường sắt Bắc - Nam ở khu vực Đèo Cả (Đại Lãnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa). Gần 100 công nhân của Cty Quản lý đường sắt Phú Khánh và lực lượng công binh đã khẩn trương khắc phục sự cố, thông tuyến lúc 13 giờ 30 ngày 31-10.

Máy móc được huy động giải phóng Đèo Cả
Máy móc được huy động giải phóng Đèo Cả . Ảnh: Văn Tài

Trước đó, khoảng 1.600 hành khách trên 8 chuyến tàu bị mắc kẹt phía Nam và phía Bắc Đèo Cả đã được tăng bo bằng ô tô qua nơi đường sắt bị ách tắc.

Toàn tỉnh đã có một người bị thương, ba người chết do lũ lụt, đó là ông Võ Văn Luận (55 tuổi, ở xã Diên Phú, Diên Khánh) bị điện giật khi dọn vườn), cụ Tăng Khánh Lộ (79 tuổi, ở xã Ninh Bình, Ninh Hòa) bị chết đuối và một cháu bé 10 tháng tuổi ở xã Diên Thạnh (Diên Khánh) bị ngộp nước ngay tại sân nhà.

Rạng sáng 31-10, hơn 20 người trên chiếc xe từ Huế đi Đà Lạt đã được cứu thoát khi xe bị chết máy, ngập trong nước lũ ở Tỉnh lộ 2, đoạn qua đèo Sãi Me (Diên Thọ, Diên Khánh). Nhận tin báo lúc 3 giờ 45 phút ngày 31, đội cứu hộ của xã Diên Thọ đã kịp thời tiếp cứu khi xe đã ngập sâu 1,7m trong nước, đưa toàn bộ người trên xe về nơi an toàn.

Lúc 7 giờ 30 sáng 31-10, Đồn biên phòng 372, Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa đã cứu được hai ngư dân trên tàu mang BKS KH 96606-TS là anh Lê Minh Tân (SN1982) và anh Nguyễn Hồng Anh (SN1986), khi tàu bị lũ cuốn trôi và chìm ở cửa sông Cái Nha Trang.

Ninh Thuận: Nhiều xã bị cô lập

Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có lượng mưa phổ biến từ 150mm đến 300mm, mực nước sông Cái và sông Dinh đều dâng cao nên nhiều địa phương bị cô lập trong nước lũ. Các xã Phước Vinh, An Hải (Ninh Phước) bị cô lập hoàn toàn. Khu vực bờ đê phường Phủ Hà (TP Phan Rang - Tháp Chàm) ven sông Dinh có nhiều nhà dân bị ngập tới mái, làm người dân phải sơ tán.

Sáng 31-10, các phương tiện giao thông bị ách tắc từ 0g30 tại khu vực đèo Cậu (QL 27, xã Nhơn Sơn) vì đoạn đường này ngập sâu trong nước 0,5m. Nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã bị sạt lở, chia cắt, khiến việc giao thông của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Hơn 1.000 ha lúa, 50 ha ao, đìa nuôi tôm, hàng trăm nhà dân bị ngập sâu trong nước từ 0,5 đến 1m.

Tại huyện Thuận Nam có sáu thuyền đánh cá bị sóng đánh chìm, nước lũ còn làm trôi vai đường sắt tại Km 1383+600. Chính quyền địa phương đã kịp thời sơ tán hơn 958 hộ/3.832 nhân khẩu đến nơi trú ẩn an toàn.

Phú Yên: Giao thông ách tắc

Đến chiều tối ngày 31-10, công tác khắc phục sạt lở mái ta luy trên Đèo Cả thuộc địa bàn xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (tỉnh Phú Yên) gây ách tắc giao thông được khắc phục.

Trong khi đó, việc khắc phục sự cố sạt lở ta luy gây tắc ngẽn đường sắt tại đèo Cả cũng được Xí nghiệp Vận tải đường sắt Phú Khánh huy động hàng trăm công nhân giải phóng hành lang cung đường sắt Đại Lãnh- Hảo Sơn bị tắc do lở núi, đất đá tràn xuống chắn đường ray hàng ki lô mét.

Mưa to cũng đã gây chia cắt nhiều vùng dân cư ở huyện Đông Hòa, lúc 9 giờ 30 phút ngày 30-10, trong lúc lùa trâu qua sông Đập Hàn (gần cầu Đập Hàn), thuộc thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, anh Phạm Đình Quốc (27 tuổi) bất ngờ bị sụp lòng chảo trong tình trạng sắp chết đuối, nhưng được người dân cứu vớt kịp thời nên thoát chết.

Trong khi đó, ông Phạm Đình Cư (53 tuổi, cha đẻ Quốc) mượn sõng (thuyền nan) của người dân trong xóm chèo qua sông Đập Hàn để cứu con. Nhưng do nước chảy xiết nên mới chỉ qua được 2/3 con sông thì bị sóng đánh úp, ông Cư bị nước cuốn trôi và tử vong.

Mưa lớn ở Nam Trung bộ có thể kéo dài cả tuần

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mưa to lũ lớn xảy ra liên tiếp mấy ngày qua tại các tỉnh Nam Trung bộ và tình trạng này có thể kéo dài cả tuần.

Do ảnh hưởng của gió đông bắc mạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao và một vùng áp thấp ở vào khoảng 5-7 độ vĩ bắc, 106 -108 độ kinh đông, trong 2 ngày 30 và 31-10 ở các tỉnh Nam Trung bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Lượng mưa phổ biến trong khoảng 100-250mm; một số nơi có mưa lớn hơn như TP Nha Trang 517mm; Cam Ranh (Khánh Hòa) 333mm; Tân Mỹ (Ninh Thuận) 358mm. Các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có giông.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.