Đẩy nhanh tiến độ thăm dò đất hiếm

Đẩy nhanh tiến độ thăm dò đất hiếm
Với tiềm năng ước tính hàng chục triệu tấn, nhiều công ty của VN đã nhanh chóng vào thăm dò trữ lượng đất hiếm. Dù đến nay mới chỉ có hai đơn vị được cấp phép thăm dò nhưng đã có không ít khách hàng nước ngoài “nhòm ngó”.

Đất hiếm Việt Nam đứng thứ ba thế giới - Kỳ 2:

Đẩy nhanh tiến độ thăm dò đất hiếm

>> Đất hiếm Việt Nam đứng thứ ba thế giới

Với tiềm năng ước tính hàng chục triệu tấn, nhiều công ty của VN đã nhanh chóng vào thăm dò trữ lượng đất hiếm. Dù đến nay mới chỉ có hai đơn vị được cấp phép thăm dò nhưng đã có không ít khách hàng nước ngoài “nhòm ngó”.

Một lỗ khoan thăm dò tại mỏ Đông Pao của Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu. Ảnh: K.H. (Tuổi Trẻ)
Một lỗ khoan thăm dò tại mỏ Đông Pao của Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu. Ảnh: K.H. (Tuổi Trẻ).

Theo một công bố của Cục Địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên - môi trường), đất hiếm VN chủ yếu tập trung ở Tây Bắc với bốn mỏ lớn gồm các mỏ Đông Pao, Nậm Xe (Lai Châu), Yên Phú (Yên Bái) và Mường Hum - Nậm Pung (Lào Cai) với trữ lượng hàng triệu tấn. Theo quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng đá quý, đất hiếm và urani đến năm 2015, có xét đến năm 2025, tổng trữ lượng tiềm năng đất hiếm của VN dự báo có trên 22 triệu tấn ôxit đất hiếm (REO).

Tiềm năng lớn

Trong số các mỏ đã phát hiện, hai mỏ Nậm Xe, Đông Pao được đầu tư thăm dò chi tiết hơn cả. Mỏ Nậm Xe được thăm dò từ năm 1958 tại khu vực phía bắc và từ năm 1974 tại khu vực phía nam, xác định có nhiều quặng đất hiếm có chất lượng. Riêng tại khu mỏ bắc Nậm Xe, ước tính có tổng trữ lượng khoảng 7,8 triệu tấn.

Trong khi đó tại mỏ Đông Pao, việc thăm dò được tiến hành trong khoảng thời gian từ năm 1964-1968, sơ bộ phát hiện trên 60 thân quặng trữ lượng lớn. Đặc biệt tại khu mỏ Đông Pao, đất hiếm chủ yếu lộ thiên, dễ dàng khai thác và tinh tuyển ngay tại chân mỏ. Để đánh giá sơ bộ trữ lượng, các nhà khoa học đã khoan hàng chục nghìn mét khoan, đào hàng chục nghìn mét giếng và hào để lấy mẫu khoáng vật nghiên cứu.

Từ những kết quả nghiên cứu này và các con số trữ lượng được công bố của các quốc gia trên thế giới, giới khoa học VN đánh giá nước ta đứng thứ ba trên thế giới về tiềm năng đất hiếm, có khả năng phát triển thành một ngành công nghiệp trong tương lai.

Cũng theo quy hoạch, giai đoạn 2008-2015 tiến hành thăm dò mỏ Đông Pao, Yên Phú và giai đoạn 2016-2020 thăm dò mỏ nam Nậm Xe. Riêng tại Đông Pao trong giai đoạn này sẽ được tập trung khai thác với công suất khoảng 200.000 tấn quặng/năm để chế biến các sản phẩm ôxit đất hiếm riêng rẽ, đến năm 2015 đạt khoảng 10.000 tấn/năm chủ yếu xuất khẩu và một phần nhỏ tiêu dùng trong nước.

Đến năm 2025 sẽ nâng sản lượng lên gấp đôi, đạt 20.000 tấn/năm, phấn đấu sản xuất được một số sản phẩm ứng dụng của đất hiếm. Do tình hình thực tế về nhu cầu đất hiếm của thế giới, việc thăm dò và khai thác đất hiếm đã được đẩy nhanh với việc cấp phép cho hai đơn vị thực hiện nhiệm vụ này.

Cụ thể, Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải được cấp phép thăm dò mỏ nam Nậm Xe và Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu (Tổng công ty Khoáng sản VN thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN - TKV - giữ cổ phần chi phối) được thăm dò bổ sung tại mỏ Đông Pao.

Mẫu quặng có chứa đất hiếm được lấy từ năm 1998 tại mỏ Đông Pao (Lai Châu), hiện trưng bày tại Bảo tàng Địa chất VN (Hà Nội). Ảnh: Q.Thanh (Tuổi Trẻ)
Mẫu quặng có chứa đất hiếm được lấy từ năm 1998 tại mỏ Đông Pao (Lai Châu), hiện trưng bày tại Bảo tàng Địa chất VN (Hà Nội). Ảnh: Q.Thanh      (Tuổi Trẻ).

Hai đơn vị được cấp phép thăm dò

Ông Lương Văn Ngân (bản Co Muông, xã Nậm Xe) cho biết khoảng đầu tháng 9-2010, Công ty Hưng Hải đã cho người lên núi Mỏ lấy một số mẫu khoáng vật về phân tích, chính ông được thuê vận chuyển một phần khoáng vật từ trên khu hầm mỏ bị sập xuống chân núi. Song song với việc này, phía công ty đã bố trí lực lượng bảo vệ khu mỏ với diện tích được cấp phép thăm dò hơn 328ha.

Theo ông Hoàng Minh Hải - phó phòng địa chất, khoáng sản (Sở Tài nguyên - môi trường Lai Châu), Công ty Hưng Hải được cấp phép từ tháng 5-2010, hiện đang bước vào công đoạn chuẩn bị cho dự án và trong 24 tháng phải có báo cáo về kết quả thăm dò, báo cáo trữ lượng khoáng sản tại hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản.

Ông Lý Văn Chúc - phó chủ tịch UBND xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu - cũng nói người của Công ty Hưng Hải đã tới xã làm các thủ tục để tiến hành thăm dò như chôn cột mốc đánh dấu vùng thăm dò, thuê địa điểm xây dựng lán trại cho công nhân.

Trong khi đó công tác thăm dò tại mỏ Đông Pao được tiến hành khẩn trương hơn, bởi trước khi Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu được cấp phép thăm dò, một đơn vị cũ của TKV thăm dò và khai thác quặng fluorit từ nhiều năm.

Thậm chí UBND tỉnh Lai Châu từng đề nghị Thủ tướng cho phép khai thác, chế biến tại các thân quặng đã được thăm dò là F1, F3 để phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu; tìm đối tác liên doanh đầu tư thiết bị, công nghệ cao trong khâu chế biến đất hiếm; đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm, từng bước xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho Lai Châu.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã không đồng ý với đề nghị này mà yêu cầu phải thăm dò, đánh giá trữ lượng toàn bộ mỏ để có cơ sở lập dự án đầu tư khai thác, chế biến.

Dẫn chúng tôi vào mỏ Đông Pao, anh Tao Văn Phát (bản Đông Pao, xã Bản Hon, huyện Tam Đường) cho biết từ nhiều tháng trước, anh và người dân địa phương được Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu thuê làm đường cho đoàn khảo sát tiến hành khoan, đào hào, đào giếng lấy mẫu khoáng vật trong khu vực này.

Hàng trăm mét hào, hàng chục giếng lấy mẫu sâu khoảng chục mét và các lỗ khoan đã được thực hiện. Trên các quả đồi và triền núi, thậm chí ngay giữa các nương chè của người dân, vết tích đào hào, đào giếng thăm dò còn hiển hiện rõ nét. Sau khi khoan lấy mẫu khoáng vật, tất cả được tập kết về một địa điểm, sắp xếp, đánh dấu để đưa đi phân tích.

Theo UBND tỉnh Lai Châu, việc khai khác, chế biến mỏ đất hiếm tác động rất lớn đến môi trường nên cần phải được xem xét đánh giá tổng thể hiệu quả kinh tế, xã hội với tác động môi trường. UBND tỉnh Lai Châu cho rằng mỏ đất hiếm Đông Pao cũng phải được đánh giá đầy đủ để có dự án khai thác, chế biến có hiệu quả.

Chính vì vậy, dù Tổng công ty Khoáng sản VN, Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác khai thác, chế biến đất hiếm thân quặng F3 với hai đối tác của Nhật là Công ty Toyota Tsusho và Công ty Sojsitz nhưng việc khai thác vẫn chưa được tiến hành.

Ngăn chặn khai thác trộm

Cũng trong lòng mỏ Đông Pao, có một số điểm bị người dân địa phương tự ý khai thác để đem bán. Tháng 3-2010, các cơ quan chức năng phát hiện việc khai thác trái phép này ở thân quặng F3, bắt quả tang và thu giữ số quặng do người dân khai thác, sau đó tiến hành rào toàn bộ khu vực thân mỏ lộ thiên này, cắt cử bảo vệ chống việc khai thác trộm quặng như đã từng xảy ra.

Cũng vì lý do này, sau khi Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu được cấp phép thăm dò, TKV đã đề nghị Thủ tướng cho phép vừa thăm dò bổ sung vừa được khai thác thân quặng F3 (đã phê duyệt trữ lượng từ năm 1986) nhằm ngăn chặn việc khai thác trộm. TKV cũng cho hay dự án đầu tư khai thác đã được lập xong với công suất khai thác 110.000 tấn/năm.

Theo M.Quang - Q.Thanh - K.Hưng
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.