Không có chuyện chi 94 ngàn tỷ đồng cho Đại lễ

Không có chuyện chi 94 ngàn tỷ đồng cho Đại lễ
TP - Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, sáng 2 - 11, trả lời báo giới xung quanh dư luận số tiền chi cho đại lễ 1.000 năm lên đến 94 ngàn tỷ đồng. Con số này ở đâu ra? Không có cơ sở, căn cứ nào để nói thế cả - ông Thảo cho biết.

 >> Chưa tính được tiền chi cho Đại lễ 1.000 năm

Không có chuyện chi 94 ngàn tỷ đồng cho Đại lễ ảnh 1

“Hoạt động Đại lễ có rất nhiều lĩnh vực, chi phí trực tiếp cho các hoạt động đó không chỉ riêng Hà Nội mà còn có các bộ, ngành và các địa phương khác. Bây giờ để xem chi phí trực tiếp đại lễ, Chính phủ, TP Hà Nội đang chỉ đạo các đơn vị làm công tác thanh quyết tóan. Với Chính phủ, Bộ Tài chính đang tập hợp và với Hà Nội thì Sở Tài chính đang làm việc này”- Ông Thảo nói.

Có thông tin, tổng chi phí tổ chức đại lễ lên đến 94 ngàn tỷ đồng, vậy dự trù ban đầu khoản chi đó là bao nhiêu?

Con số này ở đâu ra? Không có cơ sở, căn cứ nào để nói thế cả. Bởi vì bây giờ vẫn đang quyết toán thì không thể nói gì, cũng không thể nói con số đó là thấp hay cao được. Vì chưa có con số cụ thể để so sánh. Các chi phí của các bộ, cơ quan ra sao thì hiện nay Bộ Tài chính đang làm việc đó.

Riêng Lễ bế mạc do TP Hà Nội tổ chức, chi phí đó là bao nhiêu?

Không có chuyện chi 94 ngàn tỷ đồng cho Đại lễ ảnh 2

Cái đó cũng chưa thể nói. Bây giờ thành phố vẫn đang thanh quyết toán, đừng hỏi thêm về cái đó nữa. Tôi nói các bạn đừng hỏi kỹ về cái này vì những cái này là con số cụ thể, thì phải trên cơ sở tính toán, thanh quyết toán. Khi có con số cụ thể thì mới nói được.

Bộ trưởng VHTT&DL phát biểu với QH là đại lễ vừa qua Bộ đã tiết kiệm được rất nhiều khoản, còn thành phố ?

Có đại biểu Quốc hội cho rằng tổng đầu tư cho đại lễ, kể cả các công trình xây dựng cơ bản, bằng khoảng 10% GDP cả nước, ông nghĩ sao?

Đại biểu nào nói như thế? Có thể đại biểu cũng nghe như thế và tôi cho đó là những phát biểu cảm tính. 

Mục tiêu của đại lễ là phải vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và trang trọng. Chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia cũng như của thành phố là mọi hoạt động, chi tiêu đều hướng vào những gì thiết thực nhất, tiết kiệm nhất.

Cái gì cần thiết thì chúng ta làm, không cần thiết không làm và trong từng thứ chi phí đều được lập dự toán, cơ quan chức năng đồng ý thì mới triển khai.

Việc dừng xây cổng chào là một ví dụ. Trên cơ sở ý kiến nhân dân, công luận, thành phố đã cho dừng để tiết kiệm nguồn nhất định cho xã hội. Hay chủ trương ban đầu bắn pháo hoa tại 29 điểm và điểm Mỹ Đình, trước tình hình thực tế, thường trực Thành ủy Hà Nội đã quyết định chỉ bắn ở một nơi. Việc đó đã tiết kiệm được gần 5 tỷ đồng.

Bộ trưởng VHTT&DL nói có thể công khai chi phí đại lễ trong thời gian tới. TP Hà Nội có khẳng định sẽ công khai những chi tiêu đó không?

Thanh quyết toán thì phải bằng con số và được phê duyệt và phải theo quy định tài chính khi báo cáo về con số đó. Thành phố Hà Nội sẽ báo cáo chi phí đó với HĐND thành phố. Còn Chính phủ thì phải báo cáo Quốc hội. Hiện Hà Nội đang tổng hợp để báo cáo.

Nguyễn Tuấn ghi
MỚI - NÓNG