Xả lũ cường độ lớn, không báo trước

Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ Ảnh: Tài Ngọc
Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ Ảnh: Tài Ngọc
TP - Ngày 3-11, UBND tỉnh Phú Yên kết luận, Cty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ không báo cáo UBND tỉnh trước khi xả lũ với cường độ lớn. Việc quyết định xả lũ với lưu lượng lớn của Ban giám đốc Cty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với vùng hạ du.

>>  Phú Yên: Thủy điện đua nhau xả lũ, hạ lưu “lãnh đủ’’
>> Thủy tai 

Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ Ảnh: Tài Ngọc
Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ. Ảnh: Tài Ngọc.

Văn bản UBND tỉnh gửi Cty ngày 3-10 có đoạn: “Qua kiểm tra thực tế, nhận thấy Cty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ trước khi xả lũ cường độ lớn (có thời điểm trên 6.000 m3/s) hồ chứa nước Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ không báo cáo UBND tỉnh, gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo điều hành di dời dân…

UBND tỉnh nghiêm khắc yêu cầu Cty có biện pháp chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành liên hồ chứa theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”.

Ông Trần Quang Hoài, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư, cho biết, không riêng hồ thủy điện, kể cả hồ thủy lợi, trước khi xả lũ đều phải thông báo cho Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn địa phương. Thời gian thông báo theo quy trình vận hành từng hồ.

“Sau khi Tiền Phong thông tin về vấn đề này, chúng tôi đã lập tức yêu cầu lãnh đạo Thủy điện Sông Ba Hạ phải báo cáo lại quá trình xả lũ vừa qua. Còn nếu đúng xả sai quy trình, tùy thuộc vào mức độ, làm sai phải chịu trách nhiệm”, ông Hoài nói.

14 người chết, mất tích

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn Trung ương, tính đến đêm 3-11, mưa to, lũ lớn tại các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận làm 8 người chết (5 ở Khánh Hòa, 3 ở Phú Yên), 6 người mất tích (4 ở Ninh Thuận, 1 ở Khánh Hòa, 1 ở Phú Yên). Có 622 nhà bị đổ, 6.100 nhà bị ngập.

Ông Nguyễn Bá Lộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết: “Theo Nghị định của Chính phủ, khi xả lũ, các hồ phải có báo cáo bằng văn bản. 8 giờ ngày 2-11, việc xả lũ Thủy điện Sông Ba Hạ đã tiến hành, nhưng UBND tỉnh cũng như Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên chưa nhận được bất cứ báo cáo hay kế hoạch nào về việc xả lũ của hồ thủy điện Sông Ba Hạ. Việc quyết định xả lũ với lưu lượng lớn của Ban giám đốc Cty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với vùng hạ du”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đắc Phú, Phó Tổng giám đốc Cty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ, cho rằng, do lưu lượng chạy máy và mực nước hồ ở đây khá cao nên Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ là đúng qui trình, với lưu lượng 5.700 m3/s.

Theo Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, lúc 7 giờ ngày 3-11, Thủy điện Sông Ba Hạ đang xả lũ với lưu lượng 4.700 m3/s, có thời điểm lên đến 6.000 m3/s mà không báo cáo cho UBND tỉnh, gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo điều hành di dời và tiếp tục gây áp lực nhiều vùng hạ lưu, đe dọa nhiều khu dân cư dọc sông, biển.

Theo tổng hợp sơ bộ đến chiều 3-11 của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, tỉnh có năm người chết và mất tích. Mưa lũ cũng làm hàng trăm ngôi nhà, 670 ha lúa mùa, 1.006 ha mía, 370 ha sắn bị hư hại.

Ngoài ra, hai thuyền đánh cá đang neo đậu ở xã An Hải, huyện Tuy An bị sóng đánh vỡ. Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh và thượng nguồn các sông có mưa to đến rất to, khiến mực nước các sông lên nhanh.

Ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Phú Yên là địa phương có nhiều công trình thủy điện nhất, đó là thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ và Krông H’năng. Từ ngày 1-11, các nhà máy thủy điện xả lũ khiến các huyện Sông Hinh, Sơn Hoà, Phú Hoà, Đông Hoà, Tây Hoà và thành phố Tuy Hoà bị ngập lụt nghiêm trọng…

Có lúc bắt buộc phải xả lũ

Bà Nguyễn Thị Thạnh, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hòa): Khi mưa lũ bất ngờ, bắt buộc phải xả lũ, tránh nguy cơ vỡ đập, có thể không báo trước như quy định là 12 giờ hay 24 giờ, chỉ có thể báo trước vài giờ. Chúng tôi không cho xả ồ ạt, mà xả từ từ để bảo đảm an toàn cho nhân dân, cho công trình, các đập, tăng khẩu độ xả từ từ, ví dụ từ 20-30cm lên 1m, chứ không đột ngột mở khẩu độ lớn. Ngập úng ở các nơi trong huyện là do tác động kết hợp của cả mưa và xả lũ, chứ đổ lỗi hết cho xả lũ là không đúng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Tôi thấy quan điểm, điều hành của tỉnh Khánh Hòa về xả lũ là đúng. Về nguyên tắc trong mùa lũ, mức nước trong hồ chứa phải đưa về mức nước chống lũ. Sau đợt mưa này, các đồng chí nên cho tiếp tục xả để đưa về mức nước chống lũ. Chú ý tránh xả lũ trong đợt triều cường.

Tôi được biết, ở khu vực này qua ngày 23 tháng 10 âm lịch mới hết mùa lũ. Do vậy, sau 23 tháng 10 mới tích nước cho các hồ, chứ tích sớm quá, không còn dung tích ống lũ, lũ đến bao nhiêu xuống hạ lưu bấy nhiêu thì nguy hiểm.

 
MỚI - NÓNG