Miền biển xác xơ lũ quét

Vùng biển hoang tàn sau trận lũ quét kỳ dị
Vùng biển hoang tàn sau trận lũ quét kỳ dị
TP - Trưa 14-11, nước bỗng dưng ầm ầm từ trên núi ập xuống giật sập 13 ngôi nhà dân, làm hư hại hàng loạt ngôi nhà khác, làm bị thương 4 người, cuốn trôi nhiều tài sản, thuyền thúng và ngư lưới cụ của người dân thôn Phước Thiện (xã Bình Hải, Bình Sơn - Quảng Ngãi).

 >> Mưa lũ ở Bình Định gây thiệt hại trên 500 tỷ đồng

Vùng biển hoang tàn sau trận lũ quét kỳ dị
Vùng biển hoang tàn sau trận lũ quét kỳ dị. Ảnh: Nguyễn Thành

Hiện tượng chưa từng có này khiến ai nấy đều kinh hãiÔng Lê Đình Quý (78 tuổi), người thôn Phước Thiện đưa tay về phía con đường trước nhà bị cơn lũ khoét sâu hơn 2 m với nét mặt chưa hết nỗi kinh hoàng. Ông kể, khoảng 10 giờ, mưa xối xả, bỗng nhiên một đoạn đường trước nhà lún xuống, nước phụt lên tạo thành con mương rộng 10 m, dài 50 m kéo dài ra đến bờ biển, chia cắt cô lập người dân làng chài với bên ngoài..

Chị Nguyễn Thị Bông (22 tuổi) nói: “Trưa ngày 14-11 mưa lớn, cả nhà đang nằm ngủ thì nghe tiếng nước chảy ầm từ núi ập xuống. Vợ chồng tôi chỉ kịp bồng con thoát chết, đứng nhìn nước lũ cuốn trôi hết”.

Chị Bông và chồng là anh Đồ Hồng Tuấn (24 tuổi) cưới nhau được hơn 2 năm, có một đứa con hơn 5 tháng tuổi. Hai vợ chồng tích cóp làm nhà ra ở riêng chưa được bao lâu, nay ngôi nhà bị nước lũ đánh sập trong chốc lát. Chưa kể toàn bộ lưới chài hơn 20 triệu đồng, một thuyền và một chiếc thuyền thúng cùng ti vi, xe máy, vật dụng trong nhà bị cuốn hết ra biển. Giờ hai vợ chồng trẻ cố gắng bới tìm dưới đống đổ nát với hi vọng còn sót lại chút nào vật dụng, tài sản.

Cùng cảnh ngộ là gia đình vợ chồng anh Tiêu Viết Sang (45 tuổi) và chị Nguyễn Thị Ken (39 tuổi) cũng bị nước lũ cuốn sập nhà và tài sản. Gia đình với 8 nhân khẩu sau cơn lũ sống trong cảnh không còn nhà cửa, đồ đạc, phải sống nhờ bà con lối xóm. “Hai vợ chồng và 6 đứa con sống chủ yếu bằng nghề biển, giờ mất sạch rồi”, anh Sang tuyệt vọng.

Thôn Phước Thiện nằm ven biển, có hơn 1.400 hộ dân chiếm 50% dân số xã Bình Hải. Trưa ngày 14-11, nước lũ từ dãy núi Đồng Tranh phía sau chảy ập xuống đánh sập và cuốn trôi 13 ngôi nhà của các hộ dân, tuyến đường liên thôn bị nước lũ cày xới, giao thông bị ách tắc hoàn toàn. Nhiều người bị thương.

Ông Nguyễn Hữu Công - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết: “Trước đây chỉ có triều cường làm sạt lở nhà dân, chứ chưa bao giờ xảy ra hiện tượng nước lũ từ núi chảy xuống cuốn trôi nhà cửa như thế này. Các thôn Phước Thiện, Thanh Thủy, An Cường bị chia cắt thiệt hại hết sức nặng nề”.

Sáng 15-11, tại thôn Phước Thiện, dân làng cùng BĐBP, lực lượng quân sự tỉnh Quảng Ngãi đang ra sức khắc phục hậu quả do lũ quét gây ra. Hàng trăm mét khối cát được đóng bao tải được vận chuyển để gia cố các điểm sạt lở đề phòng mưa lũ có thể tiếp diễn. Các gia đình có nhà sập được chính quyền xã bố trí chỗ ăn ở, tạm trú tại các hộ dân và trường tiểu học số 2 xã Bình Hải.

Cảnh hoang tàn sau trận lũ quét kỳ dị
Cảnh hoang tàn sau trận lũ quét kỳ dị . Ảnh: Nguyễn Thành

Đại tá Lê Văn Dũng - Phó tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Ngay sau khi nhận được tin báo, hơn 50 chiến sĩ bộ đội, BĐBP đã được huy động để giúp dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống”.

Theo thống kê, huyện Bình Sơn chịu thiệt hại nặng nề nhất tỉnh Quảng Ngãi với 12 xã, thị trấn bị ngập nước và hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng, có 2 người chết, 11 người bị thương. Một người chết được xác định danh tính là ông Dương Điệt (63 tuổi, thôn Giao Thủy, xã Bình Thới).

Trước đó, huyện Bình Sơn đã huy động các lực lượng sơ tán 1.400 hộ dân (7.000 khẩu) từ vùng trũng thấp đến nơi ở tạm an toàn.

Sáng 15-11, tại tỉnh Quảng Nam, nước cũng dâng cao làm chia cắt các tuyến giao thông, nhiều huyện bị cô lập do nước như Nam Trà My, Nông Sơn, Núi Thành. Tuyến đường ĐT 618 TT Núi Thành - Cảng Tam Hiệp sạt lở do mưa lớn vẫn chưa khắc phục xong. Tuyến đường ĐT 611 từ Quế Sơn đi Nông Sơn đã bị ngập sâu từ 0,5m đến 1,5m đoạn đi qua xã Quế Lộc và Quế Trung. Xã Quế Ninh có 3 thôn bị chia cắt hoàn toàn với mực nước trên 1m.

Tại TP Hội An, lúc 3 giờ sáng ngày 15-11, nước lũ dâng lên mức dưới báo động II nhấn chìm tuyến đường Bạch Đằng khu phố cổ 1m, nhiều tuyến đường và khu An Hội thuộc phường Minh An cũng bị lũ cô lập.

TT - Huế: Thủy điện xả lũ, hạ nguồn lo ngập sâu

Mưa rất to do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới diễn ra liên tục suốt đêm 14 đến ngày 15-11 tại tỉnh TT- Huế buộc các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Hương, sông Bồ phải khẩn trương xả lũ. Hàng nghìn cư dân vùng hạ nguồn đã hối hả di dời vì lo sợ bị lụt lớn nhấn chìm.

Trong ngày 15-11, lượng mưa đo được tại TT- Huế dao động từ 100 đến gần 400 mm. Nước lũ trên các sông lớn như sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu dâng nhanh, xấp xỉ báo động 2, có nơi vượt trên báo động 3. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đều vượt tràn từ 2 đến 10m.

Trước tình hình này, hai hồ thủy điện Bình Điền và Hương Điền buộc phải mở 6 cửa van xả nước làm lũ trên sông Hương, sông Bồ càng lên nhanh. Nước lũ gây ngập lụt từ 0,5 đến 1m trên nhiều tuyến giao thông trọng yếu như Quốc lộ 49B, Tỉnh lộ 6, Tỉnh lộ 17, Tỉnh lộ 4 và 4B, Tỉnh lộ 8A và 8B đi các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà. Mưa lũ còn gây sạt lở nghiêm trọng tuyến Tỉnh lộ 16, chia cắt hai xã Hương Bình và Bình Điền (huyện Hương Trà).

Do nước lũ ngày càng dâng cao, cháu Đặng Ngọc Phương Anh (25 tháng tuổi, trường mẫu giáo Đông Phú, xã Quảng An, Quảng Điền) đã không may bị trượt chân té xuống chỗ nước sâu và chết chìm trong mưa lũ. Phải sau 20 phút, các giáo viên mới tìm được cháu Anh.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".