Những ngày dài tác nghiệp tại rốn lũ Hà Tĩnh

PV Minh Thùy phỏng vấn ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trên xuồng cứu trợ vào xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê
PV Minh Thùy phỏng vấn ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trên xuồng cứu trợ vào xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê
TP - Chiều 3-10, thông tin từ CTV của Tiền Phong từ Hương Khê thông báo, lũ đang bủa vây Hương Khê, người dân đang di dời lên núi. Hơn 4 giờ chiều, PV có mặt tại Ban PCLB tỉnh, trời mưa xối xả, thông tin bước đầu cho biết, tất cả các xã ở Hương Khê và Vũ Quang bị cô lập, có hai người chết.

 >> Loạt bài về tình hình lũ lụt tại Miền Trung

PV Minh Thùy phỏng vấn ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trên xuồng cứu trợ vào xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê
PV Minh Thùy phỏng vấn ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trên xuồng cứu trợ vào xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê.

Hơn 6 giờ chiều, mưa như trút nước, trời phía tây u ám, khoác vội bộ áo mưa cùng bộ đồ nghề, tôi phóng xe máy lên Hương Khê, đối mặt với mênh mông nước ngập.

Hơn 4 giờ sáng 4-10, TP Hà Tĩnh ngập chìm trong nước, sau gần chục cú điện thoại, một chiếc taxi loại 7 chỗ mới trườn tới đón. Vượt gần 40km tới thị xã Hồng Lĩnh. Lúc này, trời bắt đầu rạng sáng.

Hơn 8 giờ sáng, với 5 lần xin xe tải quá giang, PV Tiền Phong có mặt tại rốn lũ Phương Mỹ, huyện Hương Khê. Được đoàn cứu trợ ưu ái cho đi cùng, qua những vùng nước đỏ ngầu chảy xiết, thấy hàng trăm ngôi nhà chìm nghỉm, tiếng trẻ con, người già vọng ra từ các nóc nhà.

Hơn 4 tỷ đồng đã đến với đồng bào vùng lũ

Sau những ngày dài vật lộn với mưa lũ, các PV Tiền Phong lại lao vào tham gia tổ chức việc cứu trợ. Cho đến nay, PV Tiền Phong tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, TT-Huế, Phú Yên... đã phối hợp cùng hệ thống tổ chức Đoàn và chính quyền cơ sở tổ chức cho hàng chục đơn vị, doanh nghiệp đưa hàng - tiền cứu trợ tới hàng chục nghìn hộ gia đình nạn nhân lũ lụt ở các tỉnh trên. Tổng số tiền mà bạn đọc cứu trợ người dân thông qua báo Tiền Phong tại các vùng lũ lụt vào tháng 10 và 11, đã lên tới hơn 4 tỷ đồng. 

Mưa to, ca nô chạy nhanh, lúc này chỉ có cách nằm xoài người phía trước ca nô, một tay giữ chặt ca-bin, một tay bấm máy. Các cuộc phỏng vấn người dân thì tôi phải ghi vội vào cánh tay hoặc bất cứ chỗ nào trên người. Trong ba ngày 4, 5 và 6-10, PV Tiền Phong cùng đoàn cứu trợ len lỏi vào các vùng bị cô lập để tác nghiệp.

...Tối 14-10, vừa chia tay đoàn cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do lũ do Cty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam và báo Tiền Phong thực hiện, tôi lại nhận được tin mới về đợt lũ mới xuất hiện tại huyện Hương Sơn.

Rạng sáng 15-10, vượt gần 100km, PV có mặt trên chiếc xuồng cứu hộ của lực lượng kiểm lâm huyện Hương Sơn đi di dời người dân đang bị cô lập của các xã Sơn Ninh, Sơn Thụy, Sơn Thịnh.

Hơn 6 giờ sáng ngày 16-10, lại nghe tin đập thủy lợi Khe Mơ xã Sơn Hàm bị vỡ, tôi khoác trên người chiếc áo mưa bị nước lũ xé toạc trước đó, lội nước, leo núi gần 2 giờ đồng hồ để tiếp cận được hiện trường. Gần 12 giờ trưa, bài, ảnh, video được đăng tải trên trang nhất báo điện tử Tiền Phong.

Chúng tôi thuê xe tải, tiếp tục vượt gần 100km đường Hồ Chí Minh sang huyện Hương Khê mặc cho nhiều đoạn nước ngập, núi lở nguy hiểm. Hơn 9 giờ tối, những hình ảnh, thông tin về đợt lũ thứ hai tại Hương Khê được PV gửi ra tòa soạn tại một chiếc lán của người dân dựng tạm ven đường.

Từ ngày 17 đến 20-10, PV Tiền Phong đã vào những nơi ngập sâu nhất của huyện Hương Khê như xã Gia Phố, Phương Mỹ, Hà Linh và các xã nằm phía ngoài đê La Giang, huyện Đức Thọ. Ngày 21-10, vượt hơn 100km, có mặt tại xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân phối hợp cùng nhóm PV Quang Long, Phan Sáng, Phùng Nguyên, Đỗ Sơn phản ánh về quá trình trục vớt chiếc xe định mệnh trong lũ 48K-5868.

Một chiến dịch phản ánh về hậu quả lũ lụt cuối cùng hoàn hảo, chỉ có điều đau lòng còn lại mãi, đó là khi chiếc xe 48K-5868 được vớt cũng là lúc nước mắt tràn sông Lam!

Cùng nhịp nỗi đau

Trên đường về rốn lũ tôi tới xã Hà Linh, nơi ngập sâu nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Tận thấy cảnh trẻ em ăn mì tôm nhiều đến lở hết miệng, học sinh phải mặc quần áo người lớn, tay không đến trường...Trưa ấy, đi tặng sữa cho các em học sinh trường mầm non Hà Linh, bỗng gai người vì một chi tiết: Ở đây nhiều trẻ em chưa bao giờ biết uống sữa. Vì thế mà gần 1 giờ chiều, nuốt vội miếng mì tôm, sao vẫn thấy nghẹn lại...

Cả ngày hôm ấy, tường thuật cảnh trục vớt chiếc xe khách trên sông Lam, 15 thi thể được đưa lên, cầm chiếc máy ảnh mà tay run. Run chẳng phải vì sợ, mà bởi nỗi đau tột cùng gần như đã vượt quá sức chịu đựng của con người.

Chúng tôi suốt cả trưa và chiều phơi nắng bên sông Lam, đói, khát và mệt, nhưng chắc hẳn chẳng ai tự hỏi: Vì sao lại phải đến "hành" mình ở những nơi đau thương này? Câu trả lời dường như đã có sẵn.

Tiền Phong luôn là tờ báo nhạy cảm với những nỗi đau mang tính nhân bản: nỗi đau thân phận, nỗi đau nhân tình thế thái, nỗi đau do thảm hoạ, nỗi đau của những oan khiên, ngang trái... Bản sắc đó có vẻ như đã thấm nhuần một cách tự nhiên vào chúng tôi và đôi lúc cũng vận vào tờ báo chăng?

Đi trên đỉnh lũ

Cơn lũ lịch sử lên nhanh trong đêm vừa qua khiến cả Quảng Bình mất điện. Quyết định mạo hiểm ra Quảng Trạch trong đêm của tôi được một đồng nghiệp hưởng ứng. Sau nhiều lần tăng bo bằng nhiều loại phương tiện hai chúng tôi đến thị trấn Ba Đồn cũng là lúc trời tờ mờ sáng.

Gần một ngày chờ đợi nhưng không thể vì các loại phương tiện đang có của huyện Quảng Trạch không thể về rốn lũ Quảng Minh, chúng tôi quyết định mạo hiểm tìm đường lên huyện Minh Hóa. Tại đây, hơn 2.000 người dân Tân Hóa phải rời bỏ nhà cửa vào tránh lũ trong các triền núi và hang đá. 100% nhà dân của Tân Hóa bị ngập lút nóc, cả xã chỉ còn lại mấy cái mái nhà của trụ sở ủy ban, trạm xá và trường học. Hàng trăm người dân không kịp chạy vào núi phải đeo bám trên đó trong đói rét và tuyệt vọng.

Tại ngôi trường tiểu học 2 tầng ở thôn Cổ Liêm có đến 700 người dồn hết lên mái. Cảnh tượng này đến giờ những phóng viên viết bài về vùng lũ vẫn chưa quên. Người dân ken đặc không thể di chuyển, họ run rẩy dựa vào nhau, níu lấy nhau để khỏi rơi tõm xuống nước.

Ông Đinh Hồng Hộ - phó chủ tịch huyện Minh Hóa hoảng hốt: "Phải di chuyển bớt người vào hang đá, ngôi nhà sẽ không trụ nổi với lượng người như thế này. Hắn mà ập xuống thì...". Ông Hộ nghẹn lại không nói tiếp, nhưng chắc chắn trong ông đã mường tượng ra tai họa khủng khiếp, nếu ngôi nhà bị sức nước và sức nặng của 700 con người đè sập…

Rồi cơn lũ hung dữ cũng rút, nhưng hậu quả mà nó để lại là người chết, mất tích, mất nhà cửa, rác rưởi, bùn đất ngập ngụa làng mạc. Nước mắt của vợ mất chồng, con mất cha… đang dần vơi bớt khi những chuyến hàng cứu trợ ùn ùn kéo về vùng lũ.

MỚI - NÓNG