Chức vụ gì tôi sẽ phải nghĩ thêm

Ông Tuấn nói, AVG là mảnh đất quyến rũ. Ảnh: T.L
Ông Tuấn nói, AVG là mảnh đất quyến rũ. Ảnh: T.L
TP - Đột ngột xin từ chức ở VTV, từ chối lời mời của AVG (Công ty nghe nhìn toàn cầu) để về hãng phim truyền hình VN, rồi mới đây nhất, lại xác nhận sẽ làm việc cho AVG, ông Trần Đăng Tuấn đưa dư luận đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Hôm qua, Tiền Phong trò chuyện cùng ông Trần Đăng Tuấn.

>> Ông Trần Đăng Tuấn sẽ làm Tổng giám đốc AVG

Ông Tuấn nói, AVG là mảnh đất quyến rũ. Ảnh: T.L
Ông Tuấn nói, AVG là mảnh đất quyến rũ. Ảnh: T.L.

Ông có thể khẳng định thông tin do Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ đưa ra, là ông đã đồng ý về làm cho TGĐ AVG hay không?

Chưa! Tôi vẫn đang suy nghĩ. Nhưng nhất định là tôi sẽ làm công việc gì đấy ở AVG. Thực ra AVG là mảnh đất mới, quyến rũ.

Khi nhận lời AVG, điều kiện ông đưa ra là gì, lương bổng, tài chính, chức vụ??

Thực ra, là không có điều kiện nào cả. Chỉ đơn giản như tôi nói ở trên, AVG là mảnh đất mới. Mà tôi thì muốn có thêm những trải nghiệm mới so với thời gian trước. Trong các chương trình của AVG, ngay từ đầu tôi đã quan tâm tới kênh văn hóa phương Đông. Và chỉ có một điều kiện là tôi được làm kênh này.

Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của truyền hình VN trong giai đoạn hiện nay?

Phải nói là truyền hình VN so với trước đã có một bước tiến dài. Hiện tại, chúng ta đang bước vào truyền hình đa kênh rồi. Bản chất của kỹ thuật số suy đến cùng thực ra là đa kênh. Nói chung VN đã bắt đầu có thể đưa ra được những kênh truyền hình có chất lượng. Về mặt lợi ích, cá nhân tôi hy vọng tiến trình này diễn ra càng nhanh, nhiều người làm thì càng nhiều người được hưởng lợi.

Nếu ít người làm, cộng với việc không có triết lý kinh doanh tốt, thì rất dễ ảnh hưởng tới người dân. Còn nếu nhiều người làm, anh không làm tốt, người ta sẽ chứng tỏ là hơn anh, anh sẽ thất bại. Tiếp sau VTV và VTC, thì cùng với AVG, ở VN bây giờ đã có 3 mạng truyền hình kỹ thuật số. Nếu có một giai đoạn phát triển tương đối theo chủ nghĩa tự nhiên, ở đây tôi nói tới cả các đài truyền hình địa phương nữa, thì giai đoạn đó sắp hết rồi. Chúng ta đang bước vào giai đoạn phải có triết lý kinh doanh.

Ông có cho rằng hiện tượng các đài truyền hình mới cạnh tranh bằng cách mua độc quyền chương trình được khán giả quan tâm có phải hệ quả của việc phát triển truyền hình trả tiền theo kiểu tự nhiên?

Triết lý kinh doanh có nhiều kiểu. Có nhiều người không cần người xem. Tôi ví dụ, trên thế giới vẫn có nhiều tờ báo không cần nhiều người đọc. Truyền hình cũng thế, có kênh không cần nhiều người xem, không cần nhiều thuê bao, nhưng là hàng cao cấp.

Về triết lý kinh doanh thì không có gì phê phán họ cả. Nhưng kinh doanh ở đây cần quan tâm đến vấn đề tình cảm, tâm thế của thượng đế. Với AVG, tôi nghĩ triết lý là làm sao đem đến cho người xem cái người ta cần trong chừng mực tốt nhất, với chi phí thấp nhất có thể. Về xu hướng như thế, tôi cảm nhận là tốt.

Đấy là lý do để ông nhận lời về AVG?

Giờ bảo đi làm ở đâu vì nghĩ tới quyền lợi của hàng triệu người thì nghe to tát quá. Tôi không dám nói như vậy. Tôi cũng ít tin khi nghe người nào nói như vậy lắm. Chức vụ thì cũng không phải, vì vấn đề căn bản là mình làm gì, có làm được không.? Như tôi nói từ đầu rồi, với tuổi tôi thì cũng muốn cho mình có thêm những trải nghiệm mới, khác với thời gian trước. Đấy cũng là lý do chắc chắn tôi sẽ cộng tác với AVG. Còn chức vụ gì tôi sẽ phải suy nghĩ thêm.

Nguyên Phong thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG