Mười thành công của năm 2010

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 được tổ chức thành công tại Việt Nam
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 được tổ chức thành công tại Việt Nam
TP - Một năm trôi đi với đầy ắp sự kiện xảy ra với đất nước và mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Nhân ngày đầu tiên của năm mới 2011, Tiền Phong điểm lại những thành công đáng chú ý nhất của đất nước trong năm 2010-một cách đem vào năm mới niềm tin, khát vọng và cùng thêm tin tưởng đi tới.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 được tổ chức thành công tại Việt Nam
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 được tổ chức thành công tại Việt Nam . Ảnh: Hồng Vĩnh

1. Hoàn tất Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI

Đại hội Đảng bộ các cấp hoàn tất trong cả nước là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, sâu rộng trong toàn dân nhằm tổng kết toàn diện quá trình phát triển của đất nước 5 năm qua; xác định phương hướng, nhiệm vụ của các ngành, địa phương giai đoạn 2011-2015.

Trong đó, Đại hội Đảng bộ của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thí điểm bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội (gồm TP Đà Nẵng, Lạng Sơn, Lai Châu, Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Kon Tum, Bến Tre, Sóc Trăng), các đồng chí Bí thư Thành uỷ, Tỉnh uỷ được Đại hội bầu trực tiếp đều có số phiếu cao.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã công bố các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc khóa XI để lấy ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân trong thời gian 1 tháng rưỡi.
Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ 12 đến 19-1-2011.

2. Phục hồi kinh tế, tăng trưởng GDP vượt chỉ tiêu

Năm 2010, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn cộng với thiên tai lũ lụt hoành hành liên tục tại các tỉnh miền Trung, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức 6,7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5%.

Với kết quả này, GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 1.160 USD, đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Thành công này có sự nỗ lực của Chính phủ, sự đồng thuận của người dân và các doanh nghiệp.

3. LHQ ghi nhận Việt Nam đi đầu trong thực hiện các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG).

Tại Hội nghị cấp cao Liên Hợp Quốc kiểm điểm 10 năm thực hiện MDG ở New York tháng 9-2010, Việt Nam được đánh giá là một điển hình, hoàn thành sớm 5/8 MDG và về cơ bản có thể hoàn thành hết các mục tiêu vào năm 2015. Hai mục tiêu được thực hiện thành công nhất là xóa đói giảm nghèo và phổ cập giáo dục.

4. Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2010

Trong năm 2010, với việc chủ trì thành công hơn 100 hội nghị và sự kiện chính trị quan trọng của ASEAN, đạt được những kết quả cụ thể trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như xử lý thỏa đáng những vấn đề mới nảy sinh, Việt Nam ghi dấu ấn về một nước Chủ tịch ASEAN chủ động, tích cực, có trách nhiệm, hoàn thành tốt các mục tiêu của ASEAN năm 2010.

Việt Nam cũng là chủ nhà của nhiều hội nghị quốc tế quan trọng khác và tỏ rõ sự tích cực tại nhiều diễn đàn quốc tế.

Thành công này của Việt Nam góp phần tăng cường đoàn kết nội khối, thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

5. Nhiều di sản được UNESCO vinh danh Di sản Thế giới

Trong năm 2010, Việt Nam lập kỷ lục trong hành trình đưa di sản Việt Nam ra thế giới, khi bốn di sản được UNESCO vinh danh.

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long chính thức trở thành Di sản Văn hóa Thế giới; 82 bia Tiến sỹ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám cũng được công nhận là Di sản tư liệu thế giới (khu vực châu Á- Thái Bình Dương); Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội) được công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại; Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

6. Giáo sư Ngô Bảo Châu giành giải “Nobel” Toán học

GS Ngô Bảo Châu, 38 tuổi, là người Việt Nam đầu tiên vinh dự được nhận Huy chương Fields - giải thưởng quốc tế danh giá dành cho các nhà toán học dưới 40 tuổi toàn cầu, được ví như một giải “Nobel” của toán học. Việt Nam là nước châu Á thứ 2 sau Nhật Bản giành được giải thưởng này.

Ngô Bảo Châu đã chứng minh được “Bổ đề cơ bản”, điểm mấu chốt trong “Chương trình Langlands” (chương trình thống nhất lý thuyết số và lý thuyết nhóm), “bổ đề cơ bản” là phần quan trọng trong tầm nhìn về toán học mà Robert Langlands, đưa ra từ những năm 1960. Chương trình Langlands kết nối mọi lĩnh vực của toán học hiện đại.

Sự kiện này lại củng cố niềm tin người Việt Nam có tố chất trí tuệ để vươn tới tầm cao thế giới về khoa học và công nghệ.

7. Dân chủ hóa trong sinh hoạt chính trị, xã hội thể hiện qua thảo luận và phản biện sôi nổi các dự án lớn và qua chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội.

8. Một năm đối ngoại thanh niên sôi nổi, chuyên nghiệp của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với số lượng lượt người và thanh niên tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế (như Festival Thanh niên Thế giới và Liên hoan Thanh niên Việt- Trung…) gấp 4 lần các năm trước cộng lại.

Thành công của đối ngoại thanh niên góp phần đẩy mạnh giao lưu hội nhập, nâng tầm vị thế của tuổi trẻ Việt Nam, và góp phần tạo nên năm 2010 là năm đỉnh cao của đối ngoại Việt Nam.

9. Thành công của ca ghép tim đầu tiên lấy từ người chết não.

Lần đầu tiên ngành y Việt Nam ghép tim thành công từ người chết não. Ngày 17-6, các bác sĩ Bệnh viện 103 thực hiện thành công ca ghép tim cho một bệnh nhân nam 49 tuổi từ quả tim của một người chết não.

10. Đưa vào hoạt động hai công trình trọng điểm quốc gia.

Từ ngày 17-12, Tổ máy số 1 công trình thủy điện Sơn La, với tổng công suất thiết kế 2.400MW, bắt đầu phát điện lên lưới điện quốc gia, sớm hai năm so với dự kiến.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất, có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn sản phẩm/năm, đáp ứng 1/3 nhu cầu trong nước, trong năm đầu vận hành đã sản xuất được 6,75 triệu tấn sản phẩm, xuất bán hơn 6,66 triệu tấn xăng, dầu các loại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG