Thư Kyoto: Cuối cùng họ cũng ở lại

Sinh viên Việt Nam tại Đại học Ritsumeikan, tỉnh Shiga, Nhật Bản nhận bằng tốt nghiệp, ngày 21-3 Ảnh: Vũ Nhật Minh
Sinh viên Việt Nam tại Đại học Ritsumeikan, tỉnh Shiga, Nhật Bản nhận bằng tốt nghiệp, ngày 21-3 Ảnh: Vũ Nhật Minh
TP - Cuối cùng, dòng người đổ xô ra khỏi vùng khủng hoảng hạt nhân và ra khỏi nước Nhật cũng bắt đầu chững lại. Giờ nhìn lại mới thấy nguyên nhân chính khiến nhiều người hoảng loạn có lẽ nằm ở thông tin thiếu chính xác và phần nào từ sự thiếu bình tĩnh khi tiếp nhận thông tin.

>> Đảo Honshu ở Nhật lại bị động đất 6,6 độ Richter

>> Toàn cảnh vụ động đất gây sóng thần tấn công Nhật Bản

Sinh viên Việt Nam tại Đại học Ritsumeikan, tỉnh Shiga, Nhật Bản nhận bằng tốt nghiệp, ngày 21-3 Ảnh: Vũ Nhật Minh
Sinh viên Việt Nam tại Đại học Ritsumeikan, tỉnh Shiga, Nhật Bản nhận bằng tốt nghiệp, ngày 21-3. Ảnh: Vũ Nhật Minh.

Cao điểm đã qua

Cao điểm của đợt các anh chị em lưu học sinh và tu nghiệp sinh Việt Nam ở Nhật Bản di tản ra khỏi nước Nhật là vào các ngày 18-19-20/3. Những ngày này mua vé máy bay rất khó mặc dù Vietnam Airline đã tăng chuyến. Đến ngày 22-3, số người có ý định về Việt Nam giảm và mọi người không còn ráo riết mua bằng được vé máy bay bằng mọi giá nữa.

Mấy hôm trước, tôi thấy nhau nhiều lưu học sinh ở Tokyo đã di chuyển về các thành phố phía nam (Osaka, Kyoto) lánh nạn. Đến hôm kia và hôm qua, 20-21/3, hầu hết họ cũng đã quay trở lại Tokyo. Có thể vì tình hình ở Tokyo đã được kiểm soát chăng.

Đến hôm nay, bạn bè báo cho nhau biết số lưu học sinh ở một số thành phố khác có lác đác về Việt Nam nhưng không nhiều. Tình hình ở các thành phố không bị động đất hoàn toàn bình thường. Đặc biệt, tôi thấy giá cả các nhu yếu phẩm không tăng và không thiếu hàng.

Người Nhật đang phải đối phó với thảm họa thiên nhiên được coi là thảm khốc nhất lịch sử kể từ sau Thế chiến Thứ hai. Hầu hết mọi ánh mắt, trái tim của cả thế giới đang hướng về Nhật Bản những ngày gần đây và vì vậy ngành truyền thông trở thành phương tiện duy nhất để chuyển tải những thông tin, hình ảnh và những sẻ chia giữa con người với nhau.

Thật đáng trân trọng vai trò của truyền thông lúc này. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, đưa tin sai sự thật hay đưa tin không đúng mức sẽ gây hậu quả khó lường.

Sức ép từ nhà

Tôi đang ở Kyoto, cách xa “vùng thảm họa” tới 800km mà vẫn bị người thân ở nhà gọi điện giục về nước vì lo thảm họa hạt nhân. Rất nhiều người Việt ở Tokyo cũng lâm vào hoàn cảnh giống tôi, bị thân nhân ở Việt Nam giục về. Nhà tôi ở Kyoto cách đây năm ngày có bốn người ở trú chân để đợi chuyến bay về nước. Một trong những lý do họ về là để người nhà yên tâm. Có người thì có cháu bé và lo dễ bị ảnh hưởng bởi phóng xạ. Vé về Việt Nam hầu như bán hết trong nhiều ngày tới. Lúc ấy, người Việt đã tạo nên một cuộc di tản tự phát về phía nam Nhật Bản và về Việt Nam.

Tôi hỏi một bạn ở trú tại nhà tôi “Tại sao vậy?”, cậu ấy bảo do phản ứng dây chuyền. Một người về, rồi vài người về, và tạo nên hội chứng lo lắng trong cả cộng đồng. Thực chất của vấn đề phát tán phóng xạ hạt nhân có đang được hiểu đúng trong cộng động người Việt? Và thế nào là giới hạn an toàn?

Chính phủ Nhật quy ước vùng không an toàn là bán kính 30km cách nhà máy điện hạt nhân, đại sứ quán Mỹ tại Tokyo khuyến cáo công dân của họ bán kính an toàn là 80km tính từ nhà máy điện hạt nhân vào thời điểm đó. Tokyo cách xa nhà máy điện 200km. Họ vẫn đang làm việc bình thường, ai làm công việc của người đó. Hơn nữa, nếu di dân thì lấy chỗ nào để đảm bảo cuộc sống tạm cho hơn 12 triệu người?

Hôm 17-3 tôi email cho một giáo sư ở Đại học Tokyo với ý định hỏi thăm tình hình khủng hoảng, động đất, sóng thần, rồi nổ lò phản ứng hạt nhân. Không ngờ, ông ấy lại đề cập đến công việc mà chẳng đề cập gì thảm họa cả. Ông ấy đang làm việc và làm đúng cái việc ông ấy cần làm, cứ như thể ở Nhật Bản đang chẳng có gì cần lo ngại cả.

Đành rằng, khi xem các đoạn video ghi lại cảnh sóng thần, những bức ảnh về sự tang thương thì không ai không lo lắng cả. Nhưng nên hiểu những tang thương và khó khăn đó là trong vòng bán kính 100km nơi sóng thần đi qua. Và những khó khăn đó ảnh hưởng một phần đến thủ đô Tokyo khi phải chia điện, các nguồn năng lượng, các gia đình dự trữ thực phẩm gây khan hiếm đồ ăn ở các siêu thị. Những nơi khác người Nhật vẫn đang làm việc bình thường.

Tại sao du học sinh và tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật phải về nước? Tại sao phải tăng cường các chuyến bay? Thay vì phải về nước, tại sao những người ở vùng bị ảnh hưởng không di chuyển đến các thành phố phía nam Nhật Bản, nơi an toàn hơn, trong một thời gian nhất định, rồi quay trở lại làm việc bình thường khi tình hình được cải thiện?

Ở các thành phố phía nam nước Nhật đều có hội sinh viên Việt Nam và tôi tin mọi người sẵn sàng giúp đỡ trong khoảng thời gian ngắn. Nên hiểu thêm một điều nữa rằng khi đã về nước thì cơ hội quay lại Nhật làm việc sẽ rất ít, đặc biệt là với các tu nghiệp sinh, công nhân lao động.

Mấy hôm nay, tôi suy nghĩ rất nhiều về cách các cộng đồng tiếp nhận thông tin và ứng xử trong tình huống khủng hoảng.

TS Nguyễn Ngọc Huy

Phòng Nghiên cứu Môi trường Toàn cầu và Quản lý‎ Thiên tai

Đại học Kyoto

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.