Thuốc kê đúng, nhưng phải uống đủ liều

ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh
ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Thảo luận về báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và việc triển khai kế hoạch những tháng đầu năm 2011, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao những quyết sách điều hành của Chính phủ.

>> Dân còn kêu nhiều

ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh
ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh.

Đã bắt đúng bệnh

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đưa ra 6 nhóm giải pháp đúng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: kê toa đúng thuốc nhưng có uống đúng liều, đúng thời gian không? Muốn lạm phát năm 2011 ở một con số thì phải quyết liệt giảm tổng cầu, đồng nghĩa giảm tổng dư nợ tín dụng và cung tiền.

ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) lại bày tỏ lo ngại, giảm mạnh tổng cầu thông qua chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng là một liều thuốc rất mạnh. Nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc thì khả năng kiềm chế lạm phát là có thể. Nhưng điều này cũng dẫn đến những hậu quả rất lớn cho 2 lĩnh vực là sản xuất và nông nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất khó khăn và thiếu vốn.

Ông Kiêm đề nghị làm rõ địa chỉ, mức độ và liều lượng của ưu tiên tín dụng mà Nghị quyết của Chính phủ nêu, trước hết là vốn cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Bởi nông nghiệp luôn luôn là nền tảng giúp tránh mọi bất trắc. Ngoài ra, trong lúc khó khăn càng phải thắt chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Cũng đánh giá cao sự quyết tâm và nhanh nhạy trong điều hành của Chính phủ, nhưng ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, trong điều hành không nên quá tả, quá hữu. Bởi cùng thời điểm này năm ngoái, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành địa phương cổ súy đầu tư thật nhanh, thật nhiều, giải ngân nhanh vốn trái phiếu Chính phủ, nhưng đến cuối năm thì co lại.

“Chúng tôi có cảm giác chúng ta điều hành giống trong quân sự. Trong khi điều hành một nền kinh tế đòi hỏi sự trầm lắng, suy tư và trăn trở, không thể điều hành như đánh trận” - Ông Tiên nói. Nếu đầu năm ngoái chúng ta không hô hào đầu tư nhiều thì không phải cắt giảm và giải quyết những vấn đề như hiện nay.

Có cơ chế giám sát các tập đoàn

Vấn đề quản lý việc sử dụng vốn nhà nước trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục được các đại biểu quan tâm, góp ý.

ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng, cần xem xét kỹ việc sử dụng 3.500 tỷ đồng ngân sách để lại cho Tập đoàn Dầu khí (PVN) như thế nào. Bởi trong Báo cáo lần đầu, PVN định đưa 3.500 tỷ này vào 3 dự án. Nhưng sau đó Bộ Công Thương có báo cáo là đưa vào một dự án. “Qua đây tôi nhận thấy cơ chế sử dụng cũng như kế hoạch sử dụng không đồng nhất và khá tùy tiện” - Bà Loan nói.

Đại biểu này cũng bày tỏ sự băn khoăn ai sẽ phê duyệt danh mục đầu tư lên tới 105.000 tỷ đồng năm 2011 của PVN. Bởi chúng ta không thể nói PVN là doanh nghiệp thì tự đầu tư, muốn đầu tư như thế nào cũng được, trong khi PVN là tập đoàn của nhà nước, số tiền đầu tư này nhà nước phải chịu trách nhiệm, và thực chất tiền đó là của dân.

Bà Loan đề nghị, cần có cơ chế tài chính cho tất cả các tập đoàn. Hiện nay cơ chế tài chính chưa rõ ràng dẫn tới không kiểm soát hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước, lợi nhuận của các tập đoàn ra sao.

ĐB Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) đồng tình, việc quản lý các tập đoàn còn lộn xộn, Nhà nước chưa quản lý được nguồn vốn mình bỏ ra. Do vậy, cần sớm ban hành Luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào các tập đoàn, tổng công ty. Làm sao nhà nước phải kiểm soát được đồng tiền bỏ ra đầu tư.

Ngoài ra, các chính sách với khu vực này phải công bằng với mọi thành phần kinh tế, không thể nằm ngoài, nằm trên chính sách kinh tế.

Bà Phạm Thị Loan cũng cho rằng, Chính phủ cần xem xét để có những chính sách giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Có chính sách chung cho phù hợp giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

“Chính phủ đã có chính sách cho Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ VN (Vinashin) vay để trả lương công nhân, bảo hiểm cũng như khoanh nợ, giãn nợ thì cũng đồng thời hãy có chính sách chung cho các doanh nghiệp khác” - Bà Loan kiến nghị.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) và một số đại biểu khác nêu những băn khoăn về việc xử lý trách nhiệm liên quan vụ Vinashin.

ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cho rằng, tuyên truyền quá mức cho các doanh nghiệp Vinashin đang trong thời kỳ tiếp tục phục hồi là điều không cần thiết. Nếu tuyên truyền quá sẽ làm tăng nghi ngờ cho cử tri.

Cần quan tâm đầu tư cho thanh niên

Phiên thảo luận hôm qua đúng vào ngày thành lập Đoàn TNCS HCM, một số ĐB kiến nghị cần quan tâm, đầu tư hơn nữa cho thanh niên.

ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, để công tác thanh niên có hiệu quả thì một số vấn đề liên quan đến thanh niên cần sớm được tháo gỡ, giải quyết. Thanh niên đang thiếu kỹ năng sống, kinh nghiệm, vốn vay… Đề nghị Chính phủ tạo môi trường thuận lợi để thanh niên được khẳng định, cống hiến và trưởng thành.

Bà Minh nói, Chính phủ cần sớm phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về thanh niên giai đoạn 2011-2020, yêu cầu chính quyền các địa phương có chương trình hành động cụ thể, tạo điều kiện cho thanh niên có việc làm, tìm việc làm ổn định và được đáp ứng những nguyện vọng thiết yếu.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG