Ông Tây yêu Hoàng Sa

Ông Tây yêu Hoàng Sa
TP - Trong số quan khách tham dự cuộc triển lãm ảnh Hoàng Sa nhìn từ Lý Sơn đang diễn ra tại Quảng Ngãi, có một người Pháp đặc biệt, với phát biểu hùng hồn: “Hoàng Sa là của Việt Nam”.

Với 58 tấm ảnh của nhà báo Minh Thu (VN Express), triển lãm tái hiện rõ nét về những chiến binh Hoàng Sa và cuộc sống của người dân trên đảo Lý Sơn trong những ngày chuẩn bị diễn ra lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại huyện đảo Lý Sơn. Chính vì vậy câu chuyện về Hoàng Sa và những hùng binh năm xưa là đề tài được hâm nóng.

Trong số các đại biểu đến dự có một người Pháp nói tiếng Việt, đó là André Menras - Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị phát triển Sư phạm Pháp - Việt (A.D.E.F). Tôi mang quốc tịch Việt Nam, là người Việt Nam, tôi khẳng định: “Hoàng Sa là của Việt Nam - André Menras cười và nói sau cái bắt tay - Lần đầu tiên tôi đến Quảng Ngãi và chắc sẽ có mặt nhiều dịp nữa để ủng hộ các hoạt động hướng về quần đảo Hoàng Sa”.

Quê hương ông - thành phố Beziers tuyệt đẹp bên bờ biển Địa Trung Hải thuộc miền nam nước Pháp. Và việc André Menras trở thành người Việt Nam, hôm nay có mặt tại Quảng Ngãi và phất tay: “Hoàng Sa là của Việt Nam!”, là cả một câu chuyện dài.

Sinh năm 1945, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Monpellier năm 1969, ông sang Việt Nam giảng dạy tại Đà Nẵng. Tại đây, người thầy giáo hiểu được rõ hơn về chiến tranh ở Việt Nam. Trong lần vào Sài Gòn, lúc 12 giờ 30 phút ngày 25-7-1970, ông cùng một người bạn leo lên đầu tượng lính thủy quân lục chiến trước mặt Hạ viện Sài Gòn và phất cờ đỏ sao vàng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, đồng thời kêu gọi hòa bình.

Hành động này khiến cả hai phải ngồi tù 30 tháng. Trong tù với những người Cộng sản kiên trung, ông được đặt tên là Hồ Cương Quyết. Sau khi ra tù, ông đi khắp thế giới để tuyên truyền về cuộc chiến tranh mà Mỹ dính líu và sa lầy ở Việt Nam. Từ năm 2002 đến nay, ông sống ở Việt Nam. Ông cho biết, sắp tới ông sẽ chia đôi thời gian đi về giữa TP HCM và quê hương Beziers để chăm sóc người mẹ già.

Những năm qua, ông đã bôn ba khắp nơi, vận động quyên góp để thực hiện chương trình “Nước ngọt cho Trường Sa”. Còn giờ đây, ông lại đến Quảng Ngãi và nặng lòng với câu chuyện các hùng binh Hoàng Sa. “Tôi đọc sách và vô cùng khâm phục những người lính thời đó đã anh dũng ra bảo vệ Hoàng Sa. Thế nên chúng ta phải biết ơn và giữ gìn truyền thống này.

Nhân dịp này, đại diện Quỹ nhân đạo nghề cá Việt Nam, quỹ nghĩa tình biển đảo và Hiệp hội A.D.E.F Pháp - Việt đã hỗ trợ gần 50 triệu đồng cho 6 ngư dân bị nạn tại Hoàng Sa và thuyền trưởng Mai Phụng Lưu để tiếp tục ra khơi, hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa của Tổ quốc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG