Bao giờ được công nhận thương binh?

Bao giờ được công nhận thương binh?
TP - Tiền Phong ngày 27-4-2011 đăng bài, kể về cựu chiến binh Phạm Văn Nam nhiều năm nay tìm được hơn 200 bộ hài cốt liệt sĩ. Trong khi đó, ông Nam mặc dù bị thương đến mức từng bị báo tử nhầm, nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận là thương binh.

Tiếp bài báo Ông liệt sĩ đi tìm đồng đội:

Bao giờ được công nhận thương binh?

> 'Ông liệt sĩ' đi tìm đồng đội

Ông Phạm Văn Nam (trái) và đồng đội Nguyễn Mạnh Hòa Ảnh: K.N
Ông Phạm Văn Nam (trái) và đồng đội Nguyễn Mạnh Hòa Ảnh: K.N.

Vết thương thời chiến

PV Tiền Phong liên hệ với “liệt sĩ” Phạm Văn Nam (trú tại phố Bế Văn Đàn, phường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội) để tìm hiểu vì sao trong nhiều năm ông vẫn chưa được công nhận thương binh. Lần đầu, ông khất vì đang lo một số công chuyện cho đợt bầu cử sắp tới tại địa phương.

Lần sau đúng hẹn tới nhà thì người cựu chiến binh này lại đi vắng. Gọi điện hỏi, mới hay sáng sớm hôm đó, thân nhân một liệt sĩ đến nhà khẩn khoản mời ông đi tìm mộ một đồng đội. Thế là dù lúc đó trời đang mưa to, ông vẫn lập tức lên đường.

Đến khi gặp nhau, liệt sĩ Phạm Văn Nam giải thích cuộc lỡ hẹn lần trước: “Tôi phải lo chuyện đồng đội trước, việc mình để sau”. Rồi ông chỉ vào chiếc tủ trước mặt, cho biết trong đó đựng rất nhiều hồ sơ của các đồng đội liệt sĩ, những người đã được ông tìm được cũng như chưa tìm được hài cốt.

Khi được hỏi: “Trong từng ấy năm chiến đấu và bị thương, ông còn giữ được giấy tờ gì?”, người cựu chiến binh cười buồn: “Đến nay, tôi chẳng còn giữ được giấy tờ gì cho bản thân”. Rồi ông nói thêm: “Tuy nhiên, những sự việc xảy ra tôi còn nhớ khá rõ. Đồng thời có cả những người còn sống biết tôi bị thương ra sao”.

Có mặt tại nhà ông Nam hôm đó còn có ông Nguyễn Mạnh Hòa, đồng đội một thời của ông Nam. Năm 1973, hai thanh niên trẻ Phạm Văn Nam và Nguyễn Mạnh Hòa (khi đó đang công tác tại Cty Xây lắp điện máy Hà Tây) cùng lên đường nhập ngũ, thuộc Trung đoàn 52, Sư đoàn 338. Sau khi chiến đấu một thời gian, ông Nam được điều về tiểu đoàn trinh sát thuộc Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4; còn ông Hòa về Trung đoàn 209, Sư đoàn 7.

Sau giải phóng miền Nam, đơn vị của ông Nam tiếp tục tham gia chiến đấu tại mặt trận biên giới Tây Nam. Năm 1978, trong trận chiến chống quân Pôn Pốt tại Svay Riêng (giáp biên giới Việt Nam), Phạm Văn Nam bị trúng đạn vào đầu và gối trái. Thấy ông mất máu quá nhiều, lại nằm bất động, đồng đội tưởng ông hy sinh nên bọc vào bao ni lông rồi chuyển về trạm phẫu để chờ mang đi chôn cất.

Tại đây, ông Nam được đặt cùng 15 chiến sĩ hy sinh. Sau nhiều giờ bị ngất, ông Nam dần tỉnh lại, thấy mình được bọc trong bao ni lông nên theo phản xạ cố gắng cựa để thoát ra ngoài. Vừa lúc đó, bác sĩ Thu Hương, Trưởng trạm phẫu, đi kiểm tra xác chết thấy sự việc, lập tức đưa ông Nam ra khỏi bao ni lông rồi cho chuyển về Quân y viện 175 để điều trị.

Sau khi ông Nam được chuyển khỏi trạm phẫu khoảng 2 giờ, nơi đây bị địch tập kích. Những người ở trạm phẫu, trong đó có bác sĩ Thu Hương, đều hy sinh. Một ngày sau, quân ta chiếm lại khu vực có trạm phẫu, thấy bao ni lông có đựng vỏ đạn đề tên Phạm Văn Nam nên vẫn đinh ninh ông đã hy sinh.

“Một điều khá tình cờ mà sau này tôi mới biết, bác sĩ Thu Hương chính là bạn của đồng đội Nguyễn Mạnh Hòa. Sau khi chiếm lại trạm phẫu, xác bác sĩ Thu Hương được đưa về nước chôn. Cách đây chục năm, tôi cùng người thân của chị đã tìm và đưa được hài cốt chị về quê chôn cất”.

Cuối năm 1984, ông Nam được chuyển ra Trại thương binh Hương Canh (Vĩnh Phúc) để điều trị. Tại đây, ông quen một cô gái địa phương (bạn một y tá trong Trại thương binh Hương Canh), sau đó hai người nên duyên vợ chồng. Một thời gian sau, ông Nam lại được đưa về Trại an dưỡng Thuận Thành (thuộc tỉnh Hà Bắc cũ, nay thuộc Bắc Ninh).

Kể từ khi gia đình nhận báo tử, ông Nam không liên lạc về nhà. Lý do ban đầu ông thấy mình bị liệt, về sau cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn nên vẫn nấn ná không muốn báo về. Đến năm 1990, ông được Trại an dưỡng Thuận Thành đưa về gia đình. Vợ và hai con cũng về theo ông.

Vì sao chưa được công nhận thương binh?

Về đến nhà, ông Nam mới biết mình mang danh liệt sĩ. Người trong gia đình cho biết, từ khi có giấy báo tử năm 1978, bố mẹ ông được nhận tiền trợ cấp tử tuất dành cho liệt sĩ; nhưng đến năm 1982, cấp có trách nhiệm đã cắt khoản trợ cấp này mà không nói rõ lý do. Nghe vậy, ông Nam vội mang giấy báo tử, bằng Tổ quốc ghi công đến Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tây (cũ) để trả lại, đồng thời đề nghị xóa danh liệt sĩ cho mình.

Tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ngày 10-2-2009, Ban Chỉ huy quân sự thành phố Hà Đông (nay là quận Hà Đông) gửi danh sách những trường hợp được tặng thưởng huân, huy chương nhưng chưa được nhận, trong đó tên Phạm Văn Nam (nhưng vẫn là liệt sĩ) được tặng Huân chương chiến công hạng Ba. Bức xúc với danh liệt sĩ vẫn chưa được thay đổi, ông Nam không đến nhận.

Năm 1993, ông Nam cùng vợ con được nhập hộ khẩu tại nơi cư trú. Từ đó, ông tích cực tham gia sinh hoạt tại tổ dân phố, Hội Cựu chiến binh phường, Ban bảo vệ khu phố… Cũng năm này, ông gặp người nhà của một đồng đội đã hy sinh và giúp họ tìm được hài cốt người thân. Từ đó, ông mải miết đi tìm hài cốt đồng đội. “Tâm trí tôi bây giờ chỉ tập trung nhớ lại xem mộ đồng đội nằm ở đâu để dẫn người thân của họ đi tìm”, ông Nam nói.

Ông Phạm Quang Tiềm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Hà Đông, nói: “Từng làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Quang Trung nơi anh Nam cư trú, nên tôi hiểu và rất trân trọng tấm lòng đối với đồng đội của ông Nam. Tuy nhiên, tôi cũng nhiều lần khuyên anh nên dành thời gian cho bản thân để lo chế độ thương binh cho mình”.

Nghe lời khuyên, ông Nam đã tập hợp được một số giấy tờ cần thiết, sau đó không ít lần tới các cơ quan có trách nhiệm để xin giải quyết chế độ thương binh. Sau nhiều lần vất vả đi lại mà không được việc, rồi một lần do vết thương cũ tái phát khiến ông Nam váng đầu, đem hủy luôn toàn bộ giấy tờ mình có.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một cán bộ của Ban Chỉ huy quân sự quận Hà Đông nói: “Hiện giờ, ông Nam không còn giấy tờ thì khó có căn cứ để xác định ông là thương binh. Để giải quyết sự việc, ông Nam cần trở lại đơn vị cũ để xin cấp lại giấy chứng nhận bị thương; đồng thời phô tô bìa danh sách những người bị thương, trang có tên ông Nam rồi xin xác nhận của đơn vị.

Ông Nam cũng nên trở lại những nơi mình từng điều trị xin xác nhận quá trình bị thương để củng cố thêm hồ sơ. Sau đó, theo trình tự nộp cho các cơ quan có trách nhiệm để giải quyết”.

“Với mình, ông không đòi hỏi gì cả, chỉ biết làm việc với cái tâm và trách nhiệm của một người lính. Hiện thu nhập của gia đình ông chỉ trông vào quán nước chè, nhưng ông vẫn không đắn đo do dự, một mực đi tìm đồng đội. Tôi rất trân trọng việc làm của ông”.

(Trích thư gửi ông Phạm Văn Nam của cựu quân nhân Phạm Minh Phụng, trú tại đường Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất, Biên Hòa, Đồng Nai)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG