Lâm tặc 'qua mặt' kiểm lâm

Lâm tặc 'qua mặt' kiểm lâm
TP - Ngày ngày, lâm tặc chặt phá rừng phòng hộ Ngàn Sâu, từng xe gỗ được vận chuyển công khai từ rừng ra thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh) để tiêu thụ. Những người có trách nhiệm đều biết chuyện lâm tặc phá rừng. Nhưng thật kỳ lạ, máu rừng Ngàn Sâu vẫn chảy đều...

Máu rừng Ngàn Sâu vẫn chảy - kì cuối:

Lâm tặc 'qua mặt' kiểm lâm

Chặn sông tích nước để chuyển gỗ lậu
> Theo dấu lâm tặc

Thủ đoạn của lâm tặc

Từng mét khối gỗ vẫn được chuyển từ rừng phòng hộ Ngàn Sâu ra thị trấn Hương Khê mỗi ngày. Những chiếc công nông, xe máy vẫn chạy ngang nhiên ở thị trấn trước sự bất bình của người dân.

Khi tôi nói chuyện với một lâm tặc ở thác Rồng, gã này cho biết, để qua mắt cơ quan chức năng, cánh thợ rừng có khá nhiều chiêu. Theo gã, rừng không phải được chặt thường xuyên, theo kiểu chặt cây nào mang về cây đó. “Cách này vừa tốn thời gian, lại dễ gặp kiểm lâm” - gã nói.

Những người tham gia chặt gỗ trong rừng phòng hộ Ngàn Sâu thường đi theo nhóm khoảng 4-5 người. Họ chủ yếu sống tại các xã giáp ranh với rừng Ngàn Sâu như Phúc Trạch, Hương Đô, Hương Trà... Gỗ sau khi được chặt, cây của ai, người đó tự đánh dấu theo cách của mình. Sau đó, được gom lại thành từng đống lớn và chất ở trên các ngọn đồi. Sau khoảng một tuần, khi số gỗ gom được kha khá, sẽ được thả từ trên đồi xuống thác Rồng. Sau đó, ngăn nước tạo dòng để chuyển ra ngoài.

Với cách này, lâm tặc dễ đón đường đi nước bước của kiểm lâm hơn để tìm phương án hành động. Việc vận chuyển gỗ từ thác Rồng ra thị trấn Hương Khê thường được thực hiện khi trời tối hoặc tờ mờ sáng. Tuy nhiên, cách làm đó cũng chỉ thỉnh thoảng qua được mắt cơ quan chức năng. Còn cách phổ biến và hiệu quả nhất vẫn là… làm luật.

Thợ rừng L. cho biết, thi thoảng kiểm lâm có vào. Bình thường, nếu vào một đến hai người thì đưa cho họ một vài trăm ngàn là được bỏ qua. Còn khi có đoàn kiểm tra liên ngành vào, không làm luật được thì đành chịu tịch thu một vài khúc gỗ.

Tuy nhiên, theo L., từ nhiều năm nay, thợ rừng dễ thở hơn vì khai thác theo đơn đặt hàng của các đầu nậu. Thợ rừng chỉ việc chặt gỗ, vận chuyển ra đến ngoài thị trấn là có tiền. Những phần việc còn lại, đặc biệt chuyện làm luật là trách nhiệm của người đặt hàng. Vì đã có người đặt hàng lo lót, nên việc khai thác, vận chuyển gỗ lậu khá thuận lợi.

Đùn đẩy trách nhiệm

Làm việc với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Sỹ Lương - Hạt trưởng Kiểm lâm Hương Khê cho biết, để rừng Ngàn Sâu bị chặt phá, trách nhiệm trước hết thuộc về Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ sông Ngàn Sâu (trực thuộc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh). “Nhà nước đã giao rừng cho anh, anh phải có trách nhiệm quản lý. Những gì xảy ra trong rừng của anh, anh phải chịu trách nhiệm” - ông Lương nói.

Theo ông Lương, trường hợp nếu BQL rừng phòng hộ sông Ngàn Sâu không quản lý được rừng thì nên bàn giao lại cho chính quyền địa phương. Để địa phương giao rừng cho các đơn vị khác quản lý hoặc giao khoán cho bà con nông dân quản lý rừng. “Không thể đổ hết trách nhiệm cho lực lượng kiểm lâm khi rừng bị tàn phá trong khi đã có chủ rừng” - ông Lương nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Đình Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết ông cũng đã đọc loạt bài điều tra đăng trên Tiền Phong.

“Chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm kiểm tra, xử lý. Sau khi có kết quả kiểm tra, chúng tôi sẽ trả lời báo Tiền Phong” - ông Sơn nói.

Dù không thừa nhận có chuyện lâm tặc làm luật với lực lượng kiểm lâm để được vận chuyển gỗ lậu từ trong rừng Ngàn Sâu ra ngoài nhưng theo ông Lương, trên địa bàn Hương Khê hiện có 60-70 xưởng chế biến gỗ, trong đó chỉ có 30 xưởng có phép. Các xưởng nói là xẻ gỗ vườn nhưng thực chất là lợi dụng đem gỗ rừng vào xẻ.

Trả lời câu hỏi: Vậy tại sao biết xưởng chế biến gỗ không phép mà không xử lý? Ông Lương lý giải, việc đình chỉ là rất khó vì buộc phải bắt được tận tay các xưởng gỗ đang sử dụng gỗ của rừng Ngàn Sâu.

Theo ông Lương, việc bắt tận tay là rất khó, vì mỗi lần muốn kiểm tra xưởng nào đó, cần phải có quyết định và đại diện chính quyền địa phương làm chứng. “Trong khoảng thời gian đó, các chủ xưởng có thể đã tẩu tán hết gỗ rừng nên việc bắt giữ là rất khó khăn” - ông Lương nói.

Còn ông Nguyễn Kim Hùng - Trưởng BQL rừng phòng hộ sông Ngàn Sâu cho rằng, nếu lực lượng kiểm lâm huyện Hương Khê làm chặt, thiết lập các chốt kiểm tra, thì chắc chắn lâm tặc không thể vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.

Theo ông Hùng, rừng Ngàn Sâu bị chặt phá nhiều năm nay. Trong suốt 14 năm làm việc tại BQL, ông Hùng đã chứng kiến nhiều vụ lâm tặc bắn trọng thương cán bộ lực lượng chức năng.

“Chuyện cướp gỗ, đến nhà dọa trưởng ban, rồi anh em bị tai nạn gãy chân tay thường xuyên xảy ra. Đặc biệt, trước năm 2000, chúng tôi bắt giữ rất nhiều vụ lâm tặc phá rừng, nhưng vì không có chức năng xử phạt nên đều chuyển hết cho kiểm lâm”- ông Hùng nói.

Ông Hùng cho rằng, BQL chỉ có trách nhiệm quản lý ở trong rừng; ra ngoài rừng là trách nhiệm của kiểm lâm. “BQL rất khó xử lý lâm tặc vì không có chức năng xử phạt. Hơn nữa, ban xử lý lâm tặc sao được khi các xưởng chế biến gỗ trái phép vẫn hoạt động bình thường. Chỉ khi nào chính quyền địa phương dẹp bỏ được các xưởng chế biến gỗ trái phép thì lúc đó mới hạn chế được nạn phá rừng” - ông Hùng nói.

Huyện chờ tỉnh

Ông Lê Trần Sáng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, Trưởng Ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và phòng chống cháy rừng, cho biết: Rừng Ngàn Sâu bị chặt phá diễn ra nhiều năm nay. Việc ngăn chặn rất khó vì người dân sống quanh rừng Ngàn Sâu chủ yếu dựa vào rừng.

Rừng bị tàn phá, trách nhiệm trước hết thuộc về BQL rừng phòng hộ sông Ngàn Sâu. Nếu Ban không giữ được rừng thì trao trả lại cho nhà nước, nhà nước thu hồi bàn giao cho người dân sản xuất. Đằng này, không giữ được nhưng vẫn muốn ôm, không bàn giao.

Theo ông Sáng, muốn giữ được thì rừng phải có chủ. Còn về lâu dài, về phía huyện Hương Khê, sẽ tiếp tục đề xuất với UBND tỉnh để giao đất, giao rừng cho người dân. Bên cạnh đó, phải tiến hành đào tạo nghề cho nông dân. Dạy nông dân cách nuôi lợn, nuôi bò, kỹ thuật trồng cao su, keo... Khi người dân có việc làm ổn định, họ sẽ không còn phá rừng nữa.

“UBND tỉnh cần sớm có câu trả lời chính xác để huyện chủ động phát triển cao su tiểu điền trong thời gian tới. Chỉ có cách làm này mới đem lại việc làm ổn định cho người dân. Khi người dân có công ăn việc làm với thu nhập tốt, lúc đó mới ngăn chặn được nạn phá rừng”- ông Sáng nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.