Ngư dân kể chuyện bị kiểm ngư Trung Quốc đoạt tài sản

Ngư dân kể chuyện bị kiểm ngư Trung Quốc đoạt tài sản
TP - “Công sức anh em lặn ngụp cả đêm, vậy mà bị kiểm ngư Trung Quốc lên hốt sạch” – trên con tàu vừa cập cảng Sa Kỳ sáng 29-5, thuyền trưởng Trần Văn Thoa bức xúc kể lại. Cùng bị nạn trong chuyến đi này còn có tàu anh Phạm Hà ở cùng quê.

> Tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam
> Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại cho Việt Nam

Vét sạch

Sáng ngày 4-5-2011, tàu QNg 50615TS do ngư dân Trần Văn Thoa (31 tuổi) làm thuyền trưởng cùng 14 ngư dân thuộc xã Bình Châu huyện Bình Sơn thẳng hướng tiến ra Hoàng Sa.

Dù phía Trung Quốc đơn phương cấm biển một cách vô lý, nhưng hiện nay tỉnh Quảng Ngãi vẫn có 31 chiếc thuyền với 387 ngư dân đang hành nghề ở quần đảo Hoàng Sa và 106 chiếc thuyền với 2.348 ngư dân hành nghề ở quần đảo Trường Sa. Hoàng Sa là của Việt Nam, là nơi đi về của ngư dân Quảng Ngãi, bất chấp những hiểm nguy luôn tiềm ẩn trên biển.

Tại đảo Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam), lúc mờ sáng ngày 6-5, khi tất cả các ngư dân đang yên giấc trong tàu, riêng thuyền trưởng cầm lái điều khiển cho tàu chạy thì bị một tàu kiểm ngư của Trung Quốc đuổi theo.

Sau 30 phút rượt đuổi, tàu kiểm ngư thả ca nô xuống quây tàu và bắt dừng lại để kiểm soát. Tất cả ngư dân bị dồn lên mũi tàu để cho lính kiểm ngư lục soát và thu giữ tài sản.

Tổng cộng, lính kiểm ngư đã lấy của tàu gồm 1 máy dò cá, 1 định vị tầm xa, 1 máy quét, hốt toàn bộ hải sản đưa sang tàu kiểm ngư. Tổng số tài sản bị lấy hơn 100 triệu đồng.

Theo thuyền trưởng Thoa, lúc ấy anh nghĩ ngay đến việc sẽ bị bắt đưa về đảo Phú Lâm phạt tiền và thu tàu như trường hợp ông Tiêu Viết Là ở cùng quê trước đó.

Cách đây vài năm, anh Thoa hành nghề trên thuyền của ông Hiếu ở cùng địa phương cũng bị hải quân Trung Quốc bắt, lôi thuyền về đảo Phú Lâm giam giữ. Sau đó bị phạt hơn 100 triệu đồng Việt Nam. Nhưng lần này, sau khi thu hết tài sản, tàu kiểm ngư Trung Quốc đã phất tay đuổi tàu anh Thoa rồi tiếp tục đuổi theo những tàu cá khác của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt gần đấy.

Vẫn bám Hoàng Sa

Cùng bị bắt và thu tài sản trong đợt này có thuyền của anh Phạm Hà, 37 tuổi, là người cùng địa phương. Vừa cập bến, thuyền trưởng Hà đã nói: Tất cả 8 anh em trên tàu lặn hụp cả chục ngày trời để kiếm miếng cơm mang về nuôi vợ con, vậy mà lính Trung Quốc tới hốt sạch.

Thuyền trưởng Phạm Hà (bên trái) khi vừa về đến đất liền
Thuyền trưởng Phạm Hà (bên trái) khi vừa về đến đất liền .

Vừa qua, mặc dù nghe Trung Quốc ban hành lệnh cấm biển, nhưng anh Hà cùng các bạn thuyền vẫn tiến ra Hoàng Sa đánh cá. Gần 20 năm lăn lộn với Hoàng Sa, anh từng chịu bao cay đắng nhưng quyết không từ bỏ ngư trường này.

Trưa ngày 11-5-2011, tất cả ngư dân ngủ vùi vì mệt sau một đêm lao động vất vả. Nghe tiếng còi hụ, mở mắt ra, ai nấy đều tá hỏa vì chiếc tàu kiểm ngư số 309 của Trung Quốc đã áp sát. Thuyền trưởng Hà lắc đầu ngao ngán. Suốt 16 năm đi biển, anh đã 4 lần bị Trung Quốc bắt giữ, hàng chục lần chạm mặt tàu chiến. Chính vì vậy anh và các ngư dân quá quen mặt với từng chiếc tàu kiểm ngư và tàu chiến.

Năm lính kiểm ngư Trung Quốc nhảy qua tàu cá dồn ngư dân lên trước mũi, bắt họ quấn áo che kín mặt, đưa hai tay lên đầu. Suốt 2 tiếng đồng hồ, đám lính hì hục vơ vét tài sản của ngư dân Việt Nam như dây hơi, định vị, đồ nghề sửa máy, dây điện và xúc đi toàn bộ 200 kg tôm hùm, 3 tấn cá… Không còn dụng cụ hành nghề, nếu chạy vào bờ thì lỗ, vì giá dầu quá cao, nên tàu anh Hà phải liên hệ với các tàu cá khác mượn thêm dây hơi để lặn kiếm đủ rồi mới vào bờ.

“Quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, chính vì vậy đối với ngư dân bị thiệt hại mong được Nhà nước quan tâm để hỗ trợ mua sắm dụng cụ đánh bắt. Đồng thời lên tiếng phản đối hành động ngang nhiên của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam” - thuyền trưởng Hà bày tỏ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.