Hỏa mù quảng cáo thực phẩm sạch

Chỉ có thể quảng cáo là thịt, sữa an toàn chứ không có thực phẩm sạch hoàn toàn Ảnh: H.N
Chỉ có thể quảng cáo là thịt, sữa an toàn chứ không có thực phẩm sạch hoàn toàn Ảnh: H.N
TP - Sản phẩm sạch, thậm chí siêu sạch, không chất bảo quản được nhiều doanh nghiệp quảng cáo hằng ngày trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn công nhận thực phẩm sạch mà chỉ có tiêu chuẩn về thực phẩm an toàn. Khái niệm sạch, siêu sạch được doanh nghiệp tự đưa ra để lôi kéo người tiêu dùng…

> Liên cầu khuẩn, vẫn chén!
> Giảm nỗi lo về an toàn thực phẩm

Chỉ có thể quảng cáo là thịt, sữa an toàn chứ không có thực phẩm sạch hoàn toàn Ảnh: H.N
Chỉ có thể quảng cáo là thịt, sữa an toàn chứ không có thực phẩm sạch hoàn toàn. Ảnh: H.N.
 

Không có sữa sạch, thịt sạch

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 10- 6, Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Kim Giao cho biết, hiện chưa có tiêu chuẩn về sản phẩm sạch, mà chỉ có quy trình sản xuất thực phẩm đảm bảo an toàn. Muốn vậy, thực phẩm phải được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (thực phẩm nông nghiệp tốt) từ con giống, chuồng trại, nước uống, thức ăn được kiểm soát nguồn gốc, quy trình phòng dịch bệnh, lò mổ đảm bảo an toàn…

Trên cơ sở những yêu cầu này, ngành nông nghiệp đi kiểm tra, trang trại chăn nuôi nào đủ điều kiện thì được chứng nhận an toàn. Ông Giao cho biết, nếu kiểm tra thấy sữa, thịt đảm bảo an toàn, ngành y tế cũng chỉ cấp giấy an toàn chứ không thể gọi là thực phẩm sạch hay siêu sạch.

TS Bùi Quang Anh, nguyên Cục trưởng Thú y, cho biết, ngành thú y không thể công nhận một sản phẩm nào là sạch. Đối với thịt, ngành chỉ chứng nhận là sản phẩm đã qua kiểm soát giết mổ và đóng dấu. Đối với sản phẩm sữa, ngành chỉ kiểm soát sản phẩm xem có vi trùng, bệnh hay không. Còn muốn xác định sữa sạch hay không thì phải qua cơ quan kiểm tra chất lượng.

“Các đơn vị quản lý chất lượng thực phẩm của Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế có quyền cấp phép. Việc cấp phép phải trên tiêu chí do cơ quan quản lý nhà nước đưa ra, và phải cấp theo đúng tiêu chí đã ban hành”, TS Bùi Quang Anh nói.

Muốn vậy, phải thành lập bộ phận kiểm tra, giám sát chứ không thể doanh nghiệp tự công bố thế nào cũng được. Hiện chỉ có những Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về thực phẩm an toàn do Bộ NN&PTNT trình lên và Bộ KH&CN đưa vào Bộ TCVN, còn trong các văn bản nhà nước không có khái niệm thực phẩm sạch, siêu sạch.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Đăng ký và Chứng nhận Sản phẩm, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết, thực phẩm an toàn hay không là do quy trình của nhà sản xuất. “Trước đây, ngành nông nghiệp gọi là rau sạch nhưng trên thực tế không có cái gì là hoàn toàn sạch cả. Chính tôi đã phản đối việc công bố là rau sạch, mà chỉ được gọi là rau an toàn thôi. Còn sạch hay không sạch là từ ngữ của dân gian chứ không cơ quan nhà nước nào nói như thế Giáo sư vì cái gì cũng có thể nhiễm vi khuẩn”, ông Dũng nói.

Nhập nhằng ổn định - bảo quản

Hiện có hàng trăm chất phụ gia được dùng khá phổ biến trong thực phẩm như nước mắm, nước ngọt, sữa chua… Tuy nhiên, do bộ tiểu chuẩn của Việt Nam không được cập nhật kịp thời và công tác quản lý chưa theo kịp thị trường nên doanh nghiệp thả sức quảng cáo là sản phẩm “không chất bảo quản”. Trong khi đó, người tiêu dùng rơi vào ma trận, không phân biệt được đâu là chất ổn định, chất bảo quản và ngưỡng an toàn ra sao.

Ông Nguyễn Văn Dũng lý giải: Trong quảng cáo không thể dùng từ khoa học, nên phải dùng từ tương đương là sạch. Việc quảng cáo sạch là quyền của doanh nghiệp, còn cơ quan nhà nước chỉ chứng nhận là sản phẩm an toàn.

Chất phụ gia Kali Sorbat (E202) được dùng khá phổ biến trong nhiều loại thực phẩm. Theo tài liệu về chất phụ gia thực phẩm của Ủy ban Thực phẩm Codex và châu Âu, E202 được dùng trong ngành sữa và nước giải khát với vai trò là “chất bảo quản” nhằm hạn chế sự phát triển của nấm mốc (gây hư hỏng sản phẩm trong quá trình sử dụng và bảo quản).

Tuy nhiên, theo danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hiện hành của Bộ Y tế (ban hành năm 2001), E202 có tới ba chức năng là “chất bảo quản, chất chống ôxy hóa và chất ổn định” cho các nhóm thực phẩm sữa, phomat, mứt, nước giải khát, bia, rượu trái cây…

Do vậy, khi công bố trên nhãn mác và quảng cáo, doanh nghiệp thường nói đây là “chất ổn định” trong khi thực tế E202 còn là “chất bảo quản”. Điều này tạo nên sự không thật sự minh bạch về thông tin trên nhãn của các sản phẩm sữa và thực phẩm nói chung trên thị trường. Thậm chí, nó còn gây ngộ nhận cho người tiêu dùng về thành phần của sản phẩm.

Theo kết quả một nghiên cứu thị trường, yếu tố ảnh hưởng lựa chọn của người tiêu dùng là “không chất bảo quản” trong thực phẩm. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp quảng cáo là sản phẩm không dùng “chất bảo quản”.

Tuy nhiên, điều này cần được thường xuyên kiểm tra, giám sát, đặc biệt là cập nhật danh mục chất phụ gia theo kịp với thế giới, nếu không người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu sản phẩm kém chất lượng. Chất bảo quản là hóa chất tổng hợp, diệt được nấm mốc, nhưng nó sẽ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm có chất bảo quản hằng ngày.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG