'Hà bá' ngoạm đê quai

Hơn 1km đê quai đã hòa vào dòng nước, trơ lại những mỏm đất cao gần 10m Ảnh: T.V
Hơn 1km đê quai đã hòa vào dòng nước, trơ lại những mỏm đất cao gần 10m Ảnh: T.V
TP - Hiện tượng sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng ở các xã Hiền Quan và Hương Nha (Tam Nông - Phú Thọ). Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 1 km đê quai và nhiều diện tích thổ cư cùng một số công trình phụ của dân bị hà bá nuốt chửng.

> Đánh cược với thủy thần

Hơn 1km đê quai đã hòa vào dòng nước, trơ lại những mỏm đất cao gần 10m Ảnh: T.V
Hơn 1km đê quai đã hòa vào dòng nước, trơ lại những mỏm đất cao gần 10m. Ảnh: T.V.
 

Sạt lở dữ dội

Nhà ông Dư Kim Huấn (64 tuổi) đã bị sông Hồng lấn vào sâu hơn 10m; vườn chuối, chuồng bò, chuồng lợn của gia đình đã lăn xuống sông. Hiện nhà ông chỉ cách bờ sông 2-3m. “Tôi sống ở đây 60 năm, chưa thấy năm nào sạt lở mạnh như năm nay, lở đồng loạt hơn 1km. Tôi mong các cấp, các ngành khẩn trương kè bờ sông trước mùa lũ để bảo đảm an toàn cho dân”, ông Huấn nói.

Cạnh đó, trước sân nhà ông Tuyên ngổn ngang khúc gỗ. Gia đình phải chặt 4 cây gạo thân to bằng người ôm tránh bị hà bá nuốt. Có hộ chặt bỏ cả cây gạo hàng trăm năm tuổi. Một người dân cho biết: “Cây gạo này mỗi năm cho thu từ vài chục đến cả trăm triệu đồng nhờ bán thân, lá cây tầm gửi sống trên cây gạo.

Hiện giá bán tầm gửi tươi từ 300 đến 350 nghìn đồng/kg. Hàng chục cây gạo phải chặt bỏ, thiệt hại rất lớn”. Ngoài ra, bức tường nhà ông Tuyên xuất hiện những vết nứt dài.

Ông Bùi Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Hiền Quan, cho biết: “Do nắng nóng kéo dài, bờ sông lại là đất cát pha nên chỉ sau mấy trận mưa, đê quai và nhiều diện tích đất thổ cư, cây cối, bụi tre, công trình phụ của dân đã lăn xuống sông. Chỗ sạt lở rộng nhất 25-30m, chỗ hẹp nhất cũng 5-10m.

Ngay sau khi phát hiện sự cố, Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão của xã đã kiểm tra thực tế và đưa ra các biện pháp khắc phục như cắm biển cảnh báo nguy hiểm, rong bóng đèn điện ra phía bờ sông để dễ kiểm tra, đồng thời động viên bà con gần khu sạt lở sơ tán người và của tới nơi an toàn”.

Dọc bờ sông nằm trong vùng sạt lở hiện có 274 hộ, 1.444 khẩu, trong đó có 8 hộ cần khẩn cấp chuyển đến khu tái định cư.

Cần kè đá gấp

Theo lãnh đạo xã Hiền Quan, địa phương đã thống kê các hộ nằm sát mép sông có nguy cơ sạt lở để tổ chức di dời. Xã đã quy hoạch nơi tái định cư cho các hộ phải di dời khẩn cấp, với diện tích gần 2 ha.

Chủ tịch UBND xã Hiền Quan cho rằng, các biện pháp trước mắt chỉ giải quyết tình thế; để bảo vệ người và tài sản của hộ dân cần kè ngay trước mùa lũ tới. “Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm có biện pháp khắc phục, một mình địa phương không thể chống chọi được. Việc đắp đê quai vào lúc này cũng khó thực hiện được”, ông nói.

Chính quyền xã đã phân công trưởng khu cư, cán bộ giao thông thủy lợi, tổ trưởng trực bảo vệ đê thường xuyên kiểm tra dọc bờ sông để có biện pháp xử lý kịp thời. Xã cũng đã chuẩn bị vật tư, lực lượng sẵn sàng đối phó bão lũ.

Tuy nhiên, ông Bùi Văn Thanh vẫn lo lắng: “Trong mùa mưa này, chỉ cần báo động trên số 2 là toàn bộ 4 khu dân cư, khu di tích và nhà thờ sẽ bị ngập trong nước. Trước đây, có đê quai còn chặn được dòng nước, nay đê quai bị lở thì việc ngập lụt là không tránh khỏi”.

Ngay cả đê chính hiện nay cũng thấp và hẹp dần, có một số đoạn đê trông chẳng khác gì bờ mương. Lâu nay nhiều người chủ quan đã có đê quai bảo vệ nên ít quan tâm việc tu bổ thân, mặt đê. Hiện tượng vi phạm hành lang bảo vệ đê vẫn diễn ra.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG