Tan hoang vùng lũ quét

Tan hoang vùng lũ Tương Dương
Tan hoang vùng lũ Tương Dương
TP - Trường học, nhà dân, trụ sở làm việc đổ sập và những bóng người vừa thoát khỏi tử thần. Đó là những gì hiện hữu tại các bản làng thuộc xã Yên Tĩnh (huyện Tương Dương, Nghệ An) sau cơn lũ dữ.

> Khôi phục sản xuất, ổn định đời sống sau bão, lũ

Tan hoang vùng lũ Tương Dương
Tan hoang vùng lũ Tương Dương.
 

Ngổn ngang trường lớp

Phải mất hơn 2 tiếng đi bằng xe máy từ thị trấn Hòa Bình và lội bộ trên 3km đường ngập đầy bùn đất chúng tôi mới đến được các bản làng của xã Yên Tĩnh. Cơn lũ dữ ngày 25 và 26-6 vừa qua đã khiến khung cảnh nơi đây trông thật tang thương. Vật dụng của các gia đình vương vãi khắp nơi, cây cối bị nước lũ đánh bật gốc nằm la liệt, sông suối đục ngầu. Đoạn đường qua bản Văng Cuỗm ngập sâu trong bùn cả mét, các phương tiện qua đây đều phải dắt bộ.

Bản Hạt, một trong bốn bản trung tâm của xã, là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất. Bùn đất ngập ngụa phải nhờ người dẫn đường chúng tôi mới vào được trung tâm. Một nhóm học sinh đang lúi húi cùng với các thầy cô giáo sắp xếp lại bàn ghế.

Khuôn mặt các em lấm lem bùn đất, mắt đỏ hoe khi bới tìm quyển sách vở vùi lấp dưới lớp bùn sâu. Năm 2010, từ nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, bản có một ngôi trường cấp 1 trị giá hơn 1 tỷ đồng. Có trường ngay trong bản, phụ huynh và lũ trẻ vui lắm. Nhưng niềm vui chưa tày gang thì trận lũ kinh hoàng ập tới.

Chị Lô Thị Việt, bản Hạt nói: “Ngày khánh thành ngôi trường, mọi người vui lắm nhưng giờ thì hết. Chỉ còn lại trơ một đống đổ nát thôi”. Em Vi Văn Dương, học sinh lớp 5 bùi ngùi: “Ngày trước có trường gần nhà bố mẹ cho cháu đi học, giờ trường sập rồi nếu phải đi học xa chắc cháu lại phải nghỉ theo bố mẹ đi rẫy thôi”.

Trường cấp 1 ở bản Pa Tý cũng trong cảnh tan hoang, bàn ghế, đồ dùng học sinh bị lũ cuốn trôi, chỉ còn lại bùn dày cả mét. Trường cấp 1 và 2 trung tâm xã chìm sâu trong nước. Ông Vi Vũ Quang - Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh lo lắng: “Xã vốn đã khó khăn, việc đi học của các cháu rất vất vả. Lũ tàn phá, năm học mới lại sắp đến, không biết xoay xở sao giúp các cháu có chỗ ngồi học”.

Trắng tay sau lũ

Bốn bản trung tâm xã gồm Pa Tý, Cành Toong, Cập Chặng và bản Hạt đều thiệt hại nặng nề về tài sản. Cả bản Pa Tý có 64 ngôi nhà thì 30 nhà ngập nước, có nơi nước lên đến 3 m. Năm 2009, lũ về trong đêm đã cướp đi 5 mạng người.

Khó khăn do cơn lũ trước còn đó, thì nay người dân lại tiếp tục hứng chịu thêm cơn lũ vừa qua. “Năm nay lũ còn to hơn năm 2009, người dân kịp thời sơ tán nên thoát nạn. Nhưng của cải nhà cửa thì chẳng còn gì”, ông Vi Văn Dậu, trưởng bản Pa Tý cho hay.

Anh Trần Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm Y tế Yên Tĩnh cho biết, trạm vừa nhận 9.000 bơm kim tiêm y tế của một dự án để phát cho dân. Lũ về đã cuốn đi hết số hàng trên và toàn bộ thuốc men. Ngay cả tiệm thuốc, cửa hàng tạp hóa và toàn bộ tài sản của gia đình anh đều bị lũ cuốn trôi.

Xã Yên Tĩnh có 13 căn nhà bị lũ xô đổ, nhiều gia súc, gia cầm chết và cuốn trôi, hơn 90 ngôi nhà ngập trong bùn, ước tính thiệt hại ban đầu lên tới hàng chục tỷ đồng. Thiệt hại này cũng xảy ra ở hai xã Yên Hòa, Yên Na của huyện Tương Dương.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".