Công bố về E102 của ủy ban Codex Việt nam: Thiếu thuyết phục

Công bố về E102 của ủy ban Codex Việt nam: Thiếu thuyết phục
TP - Tại cuộc gặp báo chí sáng 22-7 ở tỉnh Vĩnh Phúc, liên quan đến hàng loạt nội dung trong “Thông báo của Văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam về phẩm màu Tartrazine - E102”, người ký thông báo hoặc không lý giải được hoặc né tránh, thậm chí, đổ lỗi cho đánh máy.

> Luẩn quẩn

Nhiều nội dung trong thông báo của Codex VN, TS Vũ Ngọc Quỳnh không lý giải được
Nhiều nội dung trong thông báo của Codex VN, TS Vũ Ngọc Quỳnh không lý giải được .
 

Ngày 21-7-2011, Văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam (Codex VN) phát thông báo về phẩm màu vàng tổng hợp Tartrazine, còn gọi là E102 với kết luận “Như vậy, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng các loại thực phẩm có Tartrazine đúng hàm lượng”. Dưới đây, chúng tôi tóm lược các ý chính xung quanh cuộc trao đổi.

Danh mục của Codex Quốc tế và Quyết định 3742 của Bộ Y tế ghi rõ mức ăn vào chấp nhận được hằng ngày (ADI) của E102 trong thực phẩm từ 0 đến 7,5 mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày. Tại sao Codex VN lại bỏ số 0 đi và chỉ bố cáo với toàn dân ADI = 7,5?

TS Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký kiêm Giám đốc Codex VN: Có thể do thiếu sót trong… đánh máy. Ai đó nói ý nghĩa con số 0 chỉ là suy diễn, chứ thực ra không có ý nghĩa gì đặc biệt.

Codex VN nói “EU, Mỹ, các nước trong ASEAN và các nước khác vẫn cho phép sử dụng E102 trong chế biến thực phẩm”. Vấn đề là vì sao Codex VN không thông tin một nửa sự thật khác: các nơi đó đều có cảnh báo tác hại của E102?

(Thay vì trả lời thẳng câu hỏi, TS Quỳnh nói rất dài rồi lái sang hướng khác): Chả nhẽ nước nào, khu vực nào khuyến cáo hoặc cấm E102, Việt Nam cũng phải làm theo sao.

Theo Quyết định 3742, sử dụng E102 “phải đúng đối tượng thực phẩm”, tức không được vượt khỏi danh mục 26 thực phẩm. Nhưng trong danh mục đó không có mỳ tôm. Nếu có quy định nào khác của VN, đề nghị cho biết đấy là quy định nào?

(TS Quỳnh không trả lời. Th.S Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP, hẹn gặp làm việc vào tuần sau tại văn phòng Cục).

Với nhiều câu hỏi chưa trả lời, Th.S Nguyễn Thanh Phong hẹn gặp làm việc tuần sau
Với nhiều câu hỏi chưa trả lời, Th.S Nguyễn Thanh Phong hẹn gặp làm việc tuần sau.
 

Codex Quốc tế cho phép dùng E102 trong “khoảng 80 loại thực phẩm khác nhau”, trong đó có mỳ tôm. Từ đó Codex VN suy ra, cho E102 vào mỳ tôm ở VN là “hoàn toàn phù hợp quy định quốc tế và luật pháp VN”?

Đúng như vậy.

Nếu thế, các thực phẩm khác không có trong danh mục 26 loại theo Quyết định 3742 nhưng có trong danh mục 80 loại của Codex Quốc tế, tại VN cũng sẽ được dùng E102 như mỳ tôm?

Trong hai năm 2008-2009, châu Âu và Nhật Bản có 4 nghiên cứu, trong đó Nhật Bản có 3. Họ khuyến cáo một số tác dụng không mong muốn của E102. Codex có đưa ra xem xét và thấy chưa đủ bằng chứng nên vẫn giữ nguyên mức ADI của E102.

Nhiều tài liệu cho thấy Nhật Bản cấm sử dụng E102 từ năm 2003 trong khi ta lại bảo Nhật mới nghiên cứu từ năm 2008-2009?

Duy nhất, Thư ký Ủy ban Hỗn hợp về Phụ gia Thực phẩm Quốc tế FAO/WHO có lưu ý về việc EU mới đây nêu vấn đề E102 có thể gây phản ứng dị ứng ở một số đối tượng trẻ em mẫn cảm cao. Ngoài điều đó ra, không có gì thêm.

Như thế Codex thừa nhận xuất hiện tác hại của E102 dù chỉ là tác hại nhỏ. Vậy sao Codex VN không thông tin? Vì sao ta không kiểm tra thực trạng sử dụng E102 suốt 10 năm qua và không khuyến cáo công chúng trên cơ sở nhận định của quốc tế, kể cả của Codex?

Cần biết rằng, để xây dựng một bộ tiêu chuẩn phụ gia thực phẩm của Codex, phải trải qua 8 bước ngặt nghèo. Tiêu chuẩn còn phải được thông qua bằng sự đồng thuận giữa các thành viên. Nếu không đạt được đồng thuận, sẽ bỏ phiếu. Ai cần, tôi sẽ hướng dẫn cách tìm tài liệu, văn bản. Ai cần bản tiếng Anh, tôi sẽ cung cấp bản tiếng Anh.

Tại cuộc gặp 30 phóng viên sáng 22-7, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP), cho hay đợt truyền thông vừa qua về E102, Cục ATVSTP phải gửi hai công văn đề nghị đính chính đến cơ quan báo do có sai sót nặng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG