Minh bạch hóa giá thuốc

Giá thuốc tăng luôn là nỗi lo lớn của người bệnh. Ảnh: Thái Hà
Giá thuốc tăng luôn là nỗi lo lớn của người bệnh. Ảnh: Thái Hà
TP - Việt Nam nên minh bạch hóa giá thuốc chữa bệnh ngoại nhập bằng cách quy định mức giá bán tối đa, trong khi tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan, ông Nguyễn Văn Tiên (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nói.

> Giá dược liệu đông y đang tăng vùn vụt

Giá thuốc tăng luôn là nỗi lo lớn của người bệnh. Ảnh: Thái Hà
Giá thuốc tăng luôn là nỗi lo lớn của người bệnh. Ảnh: Thái Hà.
 

Trước thực trạng giá thuốc nhập ngoại tăng cao khó kiểm soát, ông có suy nghĩ gì?

Thực trạng về giá thuốc đã được bàn rất nhiều ở các kỳ họp Quốc hội (QH), thậm chí có đại biểu QH nói rằng, việc kiểm soát giá thuốc giống như máy bay trực trăng đang bay lòng vòng tìm bãi đáp. Điều đó cũng đúng một phần.

Thực tế khi xem xét chỉ số tăng giá theo báo cáo của Tổng cục Thống kế công bố hằng quý, chỉ số tăng giá thuốc thấp hơn so với chỉ số tăng giá nhiều mặt hàng khác. Tuy nhiên, việc tăng giá thuốc nhập ngoại, đặc biệt biệt dược, thuốc mới là có.

Ủy ban về các vấn đề xã hội đã nhiều lần làm việc với Bộ Y tế, thậm chí năm 2010 đã có phiên giải trình về quản lý giá thuốc với sự tham gia đông đủ của các bộ, ngành và cơ quan thông tin đại chúng. Một số giải pháp được dự kiến trình QH và Chính phủ xem xét điều chỉnh để quản lý giá thuốc tốt hơn, như dự kiến sửa Luật Dược (ban hành năm 2005), ban hành nghị định về đấu thầu thuốc (hiện nay phải sử dụng nghị định đấu thầu chung như xây dựng cơ bản), thông tư về quản lý giá thuốc nhập khẩu… Rất tiếc, sau gần 1 năm, các văn bản trên vẫn ở mức dự thảo.

Hy vọng, Chính phủ và các bộ trưởng mới được bầu sẽ thúc đẩy nhanh giải quyết nguyện vọng cử tri. Tất nhiên, các cơ quan QH sẽ thúc mạnh hơn.

ông Nguyễn Văn Tiên
ông Nguyễn Văn Tiên.

Theo ông, Chính phủ cần có hành động gì để giải quyết được vấn đề này?

Quản lý giá các loại hàng hóa khác chỉ có 1-2 mặt hàng thì đơn giản, nhưng quản lý giá thuốc với hàng chục ngàn mặt hàng là việc hết sức khó khăn, nhất là khi Việt Nam phải nhập khẩu 90% nguyên liệu sản xuất thuốc và 60% thuốc thành phẩm.

Theo tôi, điều quan trọng là tập trung mọi biện pháp để làm minh bạch giá thuốc nhập ngoại, không để thuốc nhập ngoại mua 1 bán 4-5, thậm chí 10 lần. Ở nhiều nước, họ quy định rõ nhập 1 được phép bán giá tối đa là 2 hay 2,5 lần (vì chi phí vận chuyển, hải quan, bảo quản…), như vậy sẽ minh bạch hơn.

Tuy nhiên, một điều khó là một số loại thuốc nhập thuộc loại mới, độc quyền, khó mua, nên có trường hợp người nhập khẩu đã nâng giá ngay từ bên nước ngoài trước khi về Việt Nam.

Trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các ngành hoàn thiện văn bản để sớm ban hành và nên thí điểm áp dụng với một số loại thuốc, sau 1 thời gian sẽ triển khai rộng nhằm rút kinh nghiệm cũng như tránh xảy ra tình trạng thiếu thuốc, nhất là biệt dược.

Chính phủ nên chỉ đạo Bộ Y tế sớm sơ kết thực hiện Luật Dược để trình QH sửa đổi, bổ sung những điểm không còn phù hợp.

Tâm lý sính ngoại của nhiều bệnh nhân và bác sĩ góp phần khiến giá thuốc ngoại luôn cao. Ảnh: L.N
Tâm lý sính ngoại của nhiều bệnh nhân và bác sĩ góp phần khiến giá thuốc ngoại luôn cao. Ảnh: L.N.

Liệu có biện pháp gì để bác sĩ khi kê đơn sẽ ưu tiên thuốc nội hơn? Vì nhiều bác sĩ vẫn thích kê thuốc ngoại trong khi thuốc nội hoàn toàn đáp ứng được.

Một trong các giải pháp mà QH nêu ra trong Nghị quyết 18/QH12 về đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là cùng với tăng đầu tư của Nhà nước cho y tế thì phải chấn chỉnh y đức của cán bộ y tế (trong đó có tinh thần phục vụ bệnh nhân, tình trạng hưởng hoa hồng khi kê đơn thuốc).

Tuy nhiên, phải nói rằng, đây là vấn đề khó có giải pháp hiệu quả. Mặc dù quy chế kê đơn đã quy định, song đôi khi do tâm lý sính thuốc ngoại của cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc nên tình trạng thích thuốc ngoại vẫn xảy ra.

Một nguyên nhân khác là một số thuốc nội chưa thể bằng so thuốc ngoại kể cả về hình thức lẫn chất lượng, nên đôi khi người bệnh vì muốn nhanh khỏi bệnh để còn đi làm kiếm sống nên đã lựa chọn thuốc ngoại.

Cảm ơn ông.

“Đối với giá thuốc, hiện ta mới đảm bảo gần 50% thuốc thành phẩm, trong số đó 90% lại là nguyên liệu nhập khẩu. Như vậy, trong nước chỉ chủ động được chưa đến 10%. Doanh nghiệp tự kê khai giá nên làm sao quản lý được. Muốn đưa ra giá trần thì cơ quan quản lý phải có đối chứng, nhưng thiếu cơ chế để xác định, kiểm soát” - ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (khóa XII)

Hà Nhân (ghi)

Bác sĩ Nguyễn Minh Hồng – ĐBQH tỉnh Nghệ An:

Không quản lý được đầu vào, giá thuốc ngoại leo đến đâu cũng chịu

Quản lý giá thuốc nhập ngoại hiện nay quả la vấn đề nan giải. Bây giờ, Bộ Y tế phải làm sao nắm được đầu vào của các hãng thuốc thì mình mới quản lý được đầu ra.

Tuy nhiên, thuốc của các hãng nước ngoài có hàng nghìn mẫu, lại đến từ nhiều quốc gia nên muốn kiểm soát được giá đầu vào là rất khó. Vì không quản lý được giá đầu vào nên các nhà nhập khẩu muốn đội giá lên cao đến mức nào cũng không ai làm gì được.

Một thực tế nữa là sự quản lý đối với các hãng thuốc cũng rất khó khăn vì các hãng này bao giờ cũng có chương trình chăm sóc bác sĩ kê đơn, chăm sóc những người quản lý thuốc. Cho nên giá thuốc bán ra luôn phải chịu cả chiết khấu cho bác sĩ, cho những người quản lý thuốc và những chi phí này cuối cùng bệnh nhân là phải gánh chịu.

Tôi biết có nhiều thầy thuốc, nhất là các thầy thuốc nổi tiếng, không những được các hãng tặng quà, tặng phong bì mà còn được mời đi hội thảo nước ngoài và tổ chức các buổi hội thảo để các hãng đó giới thiệu.

Ngoài ra, trên các phương tiện quảng cáo hiện nay, chúng ta cũng không kiểm soát được chất lượng nên người bệnh cũng rất dễ bị lừa.

Cao Nhật (ghi)

 

Cao Nhật (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.