Quan tâm đến lòng tin của dân

ĐB Dương Trung Quốc nói, người dân cần sự tin cậy và thẳng thắn của Quốc hội
ĐB Dương Trung Quốc nói, người dân cần sự tin cậy và thẳng thắn của Quốc hội
TP - Sáng qua, tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế- xã hội, các đại biểu đã phân tích những nguyên nhân khiến lạm phát tăng cao. Đại biểu Dương Trung Quốc nói: “Cần quan tâm đến lòng tin của dân”.

> Bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII
> Tập trung tạo việc làm cho thanh niên
> Tránh 'sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng'

ĐB Dương Trung Quốc nói, người dân cần sự tin cậy và thẳng thắn của Quốc hội
ĐB Dương Trung Quốc nói, người dân cần sự tin cậy và thẳng thắn của Quốc hội .
 

Không nên tạo ra khoảng cách

Ông Dương Trung Quốc cho rằng, các vấn đề xã hội không chỉ là chính sách an sinh, con số thống kê thu nhập giàu, nghèo... mà còn về lòng tin của dân. Nếu đánh giá về kinh tế có thể biểu thị được bằng con số định lượng như GDP thì cũng nên đánh giá chỉ số lòng tin của dân đối với Chính phủ.

“Những phương pháp điều tra thống kê hiện đại có thể làm được điều này, thế giới họ làm nhiều rồi, một Nhà nước của dân, vì dân càng phải quan tâm đến lòng tin của dân”- ông Quốc nói.

Dẫn chứng vấn đề Biển Đông, đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ, vấn đề này đáng ra phải được thể hiện trong Báo cáo của Chính phủ đúng tầm, được phản ánh trong chương trình nghị sự Quốc hội đúng tầm để nhân dân tin tưởng, thông suốt. Tuy nhiên, Quốc hội chỉ đưa vào chương trình một buổi báo cáo không đầy 1 tiếng đồng hồ và không thảo luận về nội dung này.

“Tôi đã nói với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Trừ một vài nội dung chi tiết, còn về căn bản, nếu những nội dung báo cáo đó được trình bày cho dân chúng thì chỉ có tốt trở lên, dân sẽ tin hơn vào những gì Chính phủ đã làm. Nó làm sáng tỏ phần nào những băn khoăn, trăn trở của dân, quan trọng hơn là sự ủng hộ của dân được tổ chức, huy động có hiệu quả.

Cái gì cần tế nhị trong quan hệ ngoại giao ta phải giữ, nhưng với dân không cần sự tế nhị mà cần đến sự tin cậy và thẳng thắn. Cái gì cần mềm mỏng với ngoại giao thì cũng cần mềm mỏng với nội giao. Đừng tạo ra những khoảng cách không đáng có giữa Chính phủ và nhân dân cho dù sự cảnh giác là cần thiết”- ông Quốc bày tỏ.

Dấu hiệu suy giảm kinh tế

Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) bày tỏ lo ngại, hiện chưa kéo được lạm phát xuống nhưng dấu hiệu của suy giảm kinh tế đã xuất hiện. Như trong báo cáo Chính phủ đề cập, sản xuất công nghiệp đang có xu hướng tăng chậm. Thực tế trên thị trường hiện nay cũng thấy rất rõ vấn đề này.

Ông Mão nhận định: “Từ 2008 đến nay có 2 lần lạm phát cao và một lần suy giảm kinh tế mà một phần nguyên nhân quan trọng trong đó là do điều hành chính sách”. Nếu không rút ra được những kinh nghiệm để điều hành tốt hơn thì e rằng nền kinh tế nước ta thời gian tới khó có thể phát triển bền vững.

Cần phân tích chỉ ra được những hạn chế cũng như đề ra giải pháp cụ thể trong việc điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ. Cho rằng đây là điều không dễ bởi “điều hành tiền tệ như đi trên dây”, ông Mão nói: “Kinh nghiệm trong điều hành chính sách tài khóa tiền tệ là rất quan trọng, nếu thiếu kinh nghiệm thì nền kinh tế phải trả giá bằng lạm phát cao, đình đốn sản xuất, suy giảm kinh tế”.

Đề cập ngành ngân hàng, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, giải thể, sáp nhập những ngân hàng quá yếu kém vì đây là tác nhân của các cuộc chạy đua lãi suất, gây bất ổn và rủi ro cho toàn hệ thống.

“Chưa thấy ai bị xử lý trách nhiệm”

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) kiến nghị, cần có chế tài xử lý đủ mạnh đối với ý thức chấp hành luật lệ giao thông, văn hóa ứng xử của người tham gia giao thông. Hiện, Chính phủ đã giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, nơi nào để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng trên địa bàn thì phải chịu trách nhiệm với các hình thức xử lý phù hợp.

“Quy định đó nhằm mục đích tăng trách nhiệm của lãnh đạo địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua tôi chưa thấy ai bị xử lý trách nhiệm trong vấn đề này”- bà Hương nói.

Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao Đỗ Văn Đương (TP HCM) cho rằng, cần tăng cường xử lý vi phạm. Trong đó, có biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong xử lý các doanh nghiệp xả thải ra môi trường, lò gạch thủ công… “Nhà nước ta mạnh lắm, người dân tin cậy vào chính quyền cao lắm, không thể để cho một nhóm người, một thiểu số có hành vi nguy hại lớn cho xã hội tiếp tục tồn tại”- ông Đương nói.

Nhập siêu lớn vì chuộng hàng ngoại

Trả lời băn khoăn của nhiều đại biểu về tình trạng nhập siêu, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, trong cơ cấu hàng nhập khẩu của chúng ta hiện nay 93% là nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu. Còn hàng tiêu dùng chỉ chưa đến 7%.

Về nguyên nhân, ông Hoàng cho rằng, do cơ cấu kinh tế còn nhiều khiếm khuyết. Quốc hội cũng đã nhiều lần nêu vấn đề trong các kỳ họp và Chính phủ cũng chỉ đạo phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó có cơ cấu hàng xuất khẩu. Nhưng người đứng đầu ngành Công Thương thừa nhận, không phải ngày một, ngày hai có thể làm được, mà phải có thời gian, vốn, trình độ công nghệ thì mới cạnh tranh được với sản phẩm thế giới.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, còn một nguyên nhân nữa là tâm lý chuộng hàng ngoại trong một bộ phận người tiêu dùng. “Chúng ta là nước thu nhập thấp, nhưng ô tô sang nhất, điện thoại sang nhất đều có cả”.

Mất 1 tỷ USD vì bán than giá rẻ

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh): Chúng tôi vẫn đang bán than dưới giá thành quá xa cho ngành điện. Giá thành năm 2011 các bộ thẩm định là 940.000 đồng/tấn, nhưng giá bán cho ngành điện chỉ 580.000 đồng/tấn, trong khi đó giá xuất khẩu là 2,2 triệu đồng/tấn.

Như vậy đến khi nào chúng ta mới có cơ chế thị trường phù hợp. Nếu so với giá xuất khẩu là chúng ta mất 1 tỷ USD. Tôi nhiều khi tự hỏi 1 tỷ USD này có phải vào hết dân Việt Nam hay không? Tôi nghĩ vào dân ta chỉ vào khoảng 30- 35%.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.