Những nhà quản lý mang lại sự lo âu

Những nhà quản lý mang lại sự lo âu
TP - Dư luận cả nước đang dõi theo sông Đồng Nai. Đây là con sông lớn thứ nhì ở Nam Bộ, chỉ sau sông Mê Công, với chiều dài trên dưới 500 km tùy cách tính đầu nguồn, lưu vực gần 40.000 km², có các phụ lưu chính như sông Đa Nhim, sông Bé, sông La Ngà, sông Sài Gòn, sông Đạ Hoai và sông Vàm Cỏ, các phân lưu là sông Lòng Tàu, sông Thị Vải, sông Soài Rạp. Con sông gắn bó với cuộc sống của hàng triệu cư dân, đã đi vào thơ ca.

> Năng lượng & môi trường
> Thủy điện Đồng Nai 6 & 6A và tác động môi trường

 
Những nhà quản lý mang lại sự lo âu ảnh 1

Nay con sông đang ngắc ngoải. Trên thượng nguồn có hơn 20 dự án thủy điện, phá diện tích lớn rừng để đắp đập làm nhà máy, dưới hạ nguồn bị xả nước thải độc hại tiêu diệt mọi sinh vật. Môi trường là vấn đề của phát triển và bảo vệ môi trường là trọng trách của các nhà quản lý. Nhưng những người có trách nhiệm quản lý và bảo vệ môi trường vẫn tỏ thái độ rất đáng lo.

Chỉ hai dự án thủy điện mang tên Đồng Nai 6 và 6A đặt giữa Vườn quốc gia Cát Tiên, phá đi ít nhất 137 ha rừng, mà Giám đốc Nguyễn Văn Thành vẫn tỉnh queo “không đáng kể”. Theo ông Thành, diện tích rừng ấy chủ yếu nghèo và cách khu bảo tồn động vật cực kỳ quý hiếm như tê giác từ 7 đến 11 km.

Nhưng rừng có khu nghèo khu giàu, khi xây dựng nhà máy thủy điện ở khu rừng nghèo thì khu rừng giàu kế cận lập tức trở thành nghèo. Nên chiếm rừng nghèo tương tự chiếm rừng giàu vậy! Vả lại, cái khoảng cách dưới chục cây số trong bảo tồn động vật hoang dã là rất ngắn. Đắp đập, tích nước, xây dựng nhà máy thủy điện còn gây nhiều hệ lụy khác.

Cũng chục cây số, nhưng ở hạ lưu sông Đồng Nai, là khoảng cách từ nơi lấy mẫu nước của trạm quan trắc thuộc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đến cống xả thải của nhà máy xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Long Thành. Việc này lộ ra khi nhà máy bị bắt quả tang đang xả nước thải chưa qua xử lý ra sông, và giải thích vì sao trước nay Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai luôn đánh giá nước thải của nhà máy đạt chuẩn.

Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai kêu lên: “Tôi bất ngờ”. Ông Hưng còn nói, chỉ một lần nhận được phản ánh của người dân. Trong lúc, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tam An, nơi nước thải đã tàn phá khoảng 700 ha vườn cây trái, cho biết từ năm 2006, liên tục có đơn thư của người dân tố cáo việc xả thải và đều báo cáo về huyện, tỉnh.

Cái nhà máy đã xả hàng chục triệu khối nước thải chưa xử lý ra sông Đồng Nai ấy của Cty Dịch vụ Sonadezi thuộc TCty Sonadezi, đơn vị đang đảm nhận việc xử lý môi trường cho 11 khu công nghiệp. Giám đốc Hưng nói, Sonadezi là đơn vị lớn, được đánh giá như hình mẫu “công viên công nghiệp”.

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Sonadezi là bà Đỗ Thị Thu Hằng, đương kim Đại biểu Quốc hội. Bà Hằng vẫn tuyên bố “Sonadezi không gian dối”.

Những thông tin cũng như những lời nói của nhà quản lý như thế chưa đưa đến sự an tâm cho xã hội. Ngược lại, chỉ là sự lo âu, nhất là trong xu thế mà ưu tiên bảo vệ sự đa dạng sinh học chỉ đặt sau bảo vệ an ninh quốc gia.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG