Nghi ngờ vỡ đường dây tín dụng 'đen' ở Thái Bình

Nghi ngờ vỡ đường dây tín dụng 'đen' ở Thái Bình
TP - Chủ nợ của doanh nghiệp nhảy lầu tự tử. Ngày hôm sau, giám đốc doanh nghiệp vay nợ bị khởi tố, bắt tạm giam. Hai vụ việc liên tiếp xảy ra khiến cả thành phố Thái Bình xôn xao. Những lời đồn về sự đổ vỡ của một đường dây tín dụng "đen" lan truyền từ công sở đến vỉa hè...

Lời đồn bắt đầu lan truyền vào trưa 8-8, sau cái chết của bà Trần Thị Vượng, Giám đốc Cty TNHH Gia Phong ( gọi tắt là Cty Gia Phong - PV) doanh nghiệp chuyên kinh doanh sắt, thép xây dựng có trụ sở tại phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình).

Sáng 8-8, bà Vượng được Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46) tỉnh Thái Bình mời lên trụ sở làm việc để tìm hiểu về số nợ giữa Cty TNHH cơ khí, xây dựng, thương mại dịch vụ Trường Phong (gọi tắt là Cty Trường Phong, trụ sở tại Đông Xuân, Đông Hưng, Thái Bình) do ông Vũ Văn Diệp (tức Vũ Văn Phong) làm giám đốc đối với Cty của bà Vượng.

Trước đó, ông Diệp khai chỉ vay của bà Vượng 2,8 tỷ đồng, được thể hiện trên giấy biên nhận vay nợ, trong khi đó bà Vượng cho hay số nợ thực tế là gần 7 tỷ đồng.

“Làm việc đến khoảng 11g15, bà Vượng xin phép uống nước, đi vệ sinh rồi bất ngờ lao đầu qua lan can tầng 4 ngay cửa phòng làm việc”- Đại tá Tô Văn Cường, trưởng phòng PC 46, CA tỉnh Thái Bình cho biết.

Ngay sau đó nạn nhân Vượng đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Thái Bình nhưng không qua khỏi. Người nhà nạn nhân từ chối cung cấp cho báo chí mọi thông tin liên quan bà Vượng.

Hiện nguyên nhân cái chết của bà Vượng đang được cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình điều tra làm rõ.

Không chỉ vay nợ Cty Gia Phong, ông Vũ Văn Diệp còn vay các ngân hàng hơn 100 tỷ đồng. Ngoài ra còn nhiều cá nhân, doanh nghiệp khác cho ông Diệp vay như doanh nghiệp T.X cho vay hơn 10 tỷ, T.V cho vay hơn 3 tỷ, L.N cho vay 2 tỷ…

Tổng số nợ khó trả của ông Diệp hiện được đồn đoán không dưới vài trăm tỷ đồng. Đặc biệt việc vay nợ của Diệp được cho là có liên quan đường dây cho vay nặng lãi ở Thái Bình. Trước ngày bà Vượng tự tử, dư luận Thái Bình đồn thổi việc ông Diệp đã li dị vợ để tẩu tán tài sản và hiện vợ ông Diệp đã ra nước ngoài.

Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong chiều 11-8, Đại tá Tô Văn Cường khẳng định: Không hề có chuyện này, vì trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, ông Diệp và vợ vẫn thường xuyên liên hệ với nhau. Vợ ông Diệp vẫn đang ở trong nước.

Trưa 11-8, phóng viên có mặt tại Cty Trường Phong thuộc xã Đông Xuân (Đông Hưng, Thái Bình). Cty có trụ sở khá hoành tráng, nằm tọa lạc trên diện tích rộng hơn 50.000 m2 với hệ thống nhà xưởng liên hoàn cùng nhà tòa điều hành bốn tầng bề thế. Những người dân quanh khu vực cho biết mấy ngày nay công ty đóng cửa im ỉm, chỉ thấy lác đác một vài công nhân ra vào.

Thông tin từ cơ quan thuế địa phương cho biết, từ năm 2009 đến nay doanh nghiệp Trường Phong nộp chưa đến 1 tỷ đồng tiền thuế. Phần lớn là tiền thuế đất đai trong đó có hơn 527 triệu đồng thuế chuyển nhượng khu đất của doanh nghiệp này tại phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình) trong năm 2011. Thậm chí năm 2010, số thuế của Cty Trường Phong nộp cho ngân sách chưa đầy 30 triệu đồng.

Sản phẩm của Trường Phong chủ yếu là ton, thép công nghiệp chuyên phục vụ các công trình bất động sản, khu nhà xưởng. Một cán bộ ngành thuế địa phương cho biết, rất có thể do kinh doanh gặp khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng trong bối cảnh thắt chặt tín dụng như hiện nay, ông Diệp đã tìm đến nguồn tín dụng ngoài ngân hàng, thậm chí chấp nhận cả tín dụng đen với lãi suất cao, dẫn đến đổ bể như hiện nay.

Trước đó, ngày 9-8, ông Diệp đã bị khởi tố về hành vi “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành giấy tờ có giá giả” theo điều 181 Bộ luật Hình sự. Bước đầu, Công an tỉnh Thái Bình đã bắt tạm giam với thời hạn 4 tháng với Vũ Văn Diệp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG