Nhà thu nhập thấp bị bỏ rơi

Khách hàng bốc thăm tại dự án nhà TNT Sài Đồng nhưng cũng bỏ vì giá cao. Ảnh: TN
Khách hàng bốc thăm tại dự án nhà TNT Sài Đồng nhưng cũng bỏ vì giá cao. Ảnh: TN
TP - Đầu tiên là hàng loạt chính sách ưu đãi về vốn, thuế... hỗ trợ phát triển nhà thu nhập thấp (TNT) được đưa ra, nhưng nay teo tóp dần. Bởi thế, mang tiếng là TNT nhưng giá ngày càng cao, dân TNT khó với tới.

> Thị trường bất động sản tắc đâu chỉ do siết tín dụng
> Khẩn cầu giải cứu thị trường bất động sản

Khách hàng bốc thăm tại dự án nhà TNT Sài Đồng nhưng cũng bỏ vì giá cao. Ảnh: TN
Duy nhất dự án nhà thu nhập thấp tại Đặng Xá, Gia Lâm (Hà Nội) trong số 39 dự án trên toàn quốc được vay vốn ưu đãi của VDB. Ảnh: TN.
 

Ưu đãi teo dần

Ban đầu, tại Quyết định 67 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24 - 4 - 2009, thì chủ đầu tư không phải nộp thuế giá trị gia tăng (thuế suất 0%), được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo và được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động.

Nhưng 3 tháng sau, tại Quyết định 96, chủ đầu tư nhà TNT chỉ còn được giảm 50% thuế giá trị gia tăng, nhưng chỉ trong thời hạn hết ngày 31 tháng 12 năm 2009; chỉ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2009 (trong lĩnh vực kinh doanh liên quan nhà TNT).

Theo quy định hiện hành, các dự án nhà TNT, được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và được miễn thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, thực tế, các dự án nhà TNT hiện chỉ được hưởng duy nhất chính sách miễn thuế chuyển mục đích sử dụng đất. Còn lại, chính sách vay vốn ưu đãi gần như không thực hiện, dù Thủ tướng có chỉ đạo phải
cho vay.

Theo thống kê, cả nước hiện có 39 dự án nhà TNT. Nhưng tới nay, duy nhất chỉ dự án TNT Đặng Xá, do Viglacera làm chủ đầu tư được giải ngân 10% vốn (tương đương với 30 tỷ đồng) ưu đãi từ VDB. Dù trước đó, tại cuộc họp giữa VDB với các chủ đầu tư dự án nhà TNT vào cuối năm 2010, đại diện VDB cho rằng, 8/12 dự án xây nhà cho người thu nhập thấp mới được thẩm định xong và mới chỉ có 2 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị các bước để ký hợp đồng tín dụng.

Ông Bùi Đức Long - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần và Xây dựng Tập đoàn Phát triển nhà Vicoland - Chủ đầu tự dự án nhà TNT Đà Nẵng, cho hay: “Khi họ yêu cầu thế chấp bằng tài sản, rồi vốn đối ứng chúng tôi đều đáp ứng đủ cả nhưng làm hồ sơ từ cuối năm 2009 đến nay, không hiểu vì lý do gì mà chúng tôi vẫn không được vay dù chúng tôi sắp hoàn thành 1.000 căn nhà TNT tại Đà Nẵng”.

Theo ông Long, VDB không mặn mà với những dự án nhà TNT bởi lãi suất cho vay làm nhà TNT chỉ 10,4% trong khi cho vay những dự án nhà thương mại khác lên tới 24,25%.

Khách hàng bốc thăm tại dự án nhà TNT Sài Đồng nhưng cũng bỏ vì giá cao. Ảnh: TN
Khách hàng bốc thăm tại dự án nhà TNT Sài Đồng nhưng cũng bỏ vì giá cao. Ảnh: TN.

Đẩy giá nhà TNT lên cao

Ông Trần Văn Nguyên, Phó giám đốc Cty Cổ phần Xây dựng số 3 (Handico 3), chủ đầu tư dự án nhà TNT Sài Đồng (Hà Nội) cho biết, nếu cứ phải đi vay thương mại thế này thì chúng tôi không thể đảm bảo giá sẽ giữ nguyên như lúc tạm tính là 13,27 triệu đồng/m2. Nhà nước nên chỉ đạo nhiều ngân hàng cùng tham gia đồng hành cho DN vay làm nhà TNT thì DN có thể rộng cửa vay hơn.

Còn ông Trần Văn Can - Giám đốc Cty Cổ phần Xây dựng số 5 (Handico 5), cũng đầu tư dự án nhà TNT Sài Đồng, chia sẻ: “Một dự án làm nhà TNT từ lúc chuẩn bị đầu tư, khởi công và đưa vào sử dụng cũng mất ít nhất 2 - 3 năm, vậy mà chính sách ưu đãi về thuế chỉ cho trong vòng 1 năm là điều vô lý”.

Hiện, giá tạm tính mà Handico 5 đưa ra là 13,24 triệu/m2, được coi là cao nhất so với các dự án cùng thời điểm, nếu tính trung bình một căn hộ 70m2 thì riêng tiền thuế giá trị gia tăng mà khách hàng phải chịu cũng lên tới gần 100 triệu đồng.

Anh Phong, người bốc thăm được căn hộ 70m2 tầng 8 No 12-2 Sài Đồng, nói: “Nhà nước nên miễn thuế giá trị gia tăng cho người mua nhà TNT. Nếu không, chúng tôi rất khó xoay xở”.

Ông Trần Văn Can, cho biết đã có kiến nghị với Sở Xây dựng Hà Nội để trình lên Bộ Xây dựng, đề nghị Chính phủ xem xét miễn thuế giá trị gia tăng. Nếu đã là dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp thì nhà nước cũng nên tìm cách hỗ trợ cho người mua thấu đáo.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết đây là chương trình thí điểm nên mọi chính sách đều khuyến khích các DN tham gia vào. Nhưng trong quá trình thực hiện như thời gian vừa qua đều bộc lộ nhiều vấn đề từ DN và người dân. DN kêu khó khăn, người dân thì kêu giá cao.

Trong tương lai, cần xem xét đến lãi suất ngân hàng, thuế đối với DN… để khuyến khích DN giảm giá nhà xuống. “Về việc miễn thuế giá trị gia tăng cho người mua nếu được thì rất tốt, nhưng cái này cơ quan thuế cũng không có quyền, mà phải do Quốc hội quyết định” - ông Hùng nói.

Tại dự án nhà TNT Đặng Xá (Gia Lâm) có tổng số 946 căn với giá 10,4 triệu đồng/m2. Trong 2 lần bán căn hộ năm 2010, Viglacera chỉ bán được 600 căn do nhiều khách hàng lo ngại vì vị trí căn trung tâm Hà Nội gần 20 km nhưng giá bán tới 10,4 triệu đồng/m2.

Tại dự án nhà TNT Sài Đồng do Handico 5 làm chủ đầu tư thì trong 420 căn có đến 5% số khách hàng bỏ ký hợp đồng vì khó khăn về tài chính. Giá chủ đầu tư đưa ra là 13,24 triệu/m2. Còn 420 căn tại TNT Sài Đồng do Handico 3 làm chủ đầu tư thì đến 40 - 50 khách hàng xin rút hồ sơ do lo ngại giá cao: 13,27 triệu đồng/m2… Cả 2 dự án tại Sài Đồng cách trung tâm Hà Nội 10km

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.