Người Thủ đô không có chỗ đi bộ

Người Thủ đô không có chỗ đi bộ
TPO – Sở Giao thông vận tải Hà Nội và chuyên gia giao thông cho rằng vỉa hè vốn dành cho người đi bộ đang là món kinh doanh của một số người.

Người Thủ đô không có chỗ đi bộ

TPO – Sở Giao thông vận tải Hà Nội và chuyên gia giao thông cho rằng vỉa hè vốn dành cho người đi bộ đang là món kinh doanh của một số người.

Cầu vượt cho người đi bộ tại ĐH GTVT
Cầu vượt cho người đi bộ tại ĐH GTVT.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nói rằng, người dân Thủ đô chẳng có chỗ mà đi bộ. Vỉa hè lộn xộn, hàng quán lấn chiếm vỉa hè mọc như nấm sau mưa. Lý giải việc này, ông Hùng cho rằng: “Hơn 1.700 km đường, với hơn 4 triệu phương tiện cá nhân, chưa kể lượng lớn phương tiện ngoại tỉnh, việc các phương tiện tham gia giao thông chồng chéo lên nhau cũng là dễ hiểu”.

Trong khi đó, Đại tá Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, gần 8 tháng đầu năm nay, ở Hà Nội xảy ra 494 vụ TNGT làm 436 người chết và 136 người bị thương. Ùn tắc, mất trật tự giao thông vẫn chưa được cải thiện. Lượng ô tô, xe máy cũng tăng nhanh. Đến nay, Công an Hà Nội đã cấp đăng ký mới cho 28.000 ô tô và hơn 155.000 xe máy.

Theo ông Thùy, Hà Nội có xấp xỉ 3,8 triệu xe mô tô, chiếm 1/8 của cả nước, và 368.000 xe ô tô, chiếm 1/6 cả nước. “Đó là còn chưa kể một lượng lớn xe ngoại tỉnh tham gia giao thông trên đường phố Hà Nội. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở Hà Nội. Trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp thì lại bùng nổ sự gia tăng của các phương tiện cá nhân”, ông Thùy nói.

Ông Thùy cho biết thêm, qua kiểm tra 90 bãi đỗ xe thì hầu hết các bãi là vi phạm về diện tích, về trật tự giao thông về mức phí. “Gia tăng các loại hình vận tải công cộng, nhưng cung cách phục vụ cũng như chất lượng dịch vụ phải thay đổi để thu hút người dân tham gia, nếu không, vấn đề sẽ còn nhiều nan giải, phức tạp hơn”.

Lượng xe cộ tham gia giao thông lớn khiến vấn đề cầu vượt và hầm cho người đi bộ trở thành phần không thể thiếu với mỗi đô thị, ông Khuất Việt Hùng – Trưởng bộ môn quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải – Đại học Giao thông vận tải Hà Nội nhận định.

Một hầm đường bộ thi công dang dở trên đường Khuất Duy Tiến
Một hầm đường bộ thi công dang dở trên đường Khuất Duy Tiến.

Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, hầm đường bộ tại Hà Nội đang rất “ế khách” sử dụng. Tại một loạt hầm đi bộ ở đường Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương nối dài, rất hiếm gặp cảnh người đi lên xuống ở hầm đường bộ.

Cửa hầm đường bộ thành nơi bán trà đá
Cửa hầm đường bộ thành nơi bán trà đá.

Nhiều cửa hầm đường bộ biến thành nơi bán trà đá cho dân xe ôm và người đi đường. Bên trong hầm, hầu như không thể gặp ai ngoại trừ nhân viên phụ trách vệ sinh đang quét dọn. “Có hầm đường bộ, trời cứ mưa là dột nước, phải lấy giẻ hứng, thấm vì sợ người đi bộ bị trượt ngã”, một nhân viên vệ sinh nói.

Chỉ có hai cây cầu vượt cho người đi bộ ở Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội và trên đoạn đường Chùa Bộc là đông người sử dụng. Theo ông Khuất Việt Hùng, đó là hai trong số rất ít cây cầu ở Hà Nội đang “đắt khách”. Bởi lẽ, nó được xây ở gần trường Đại học và đúng vào những chỗ có đông người có nhu cầu qua đường.

Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất khiến cầu vượt, hầm cho người đi bộ bị ế, theo ông Hùng, là do người dân không có vỉa hè. “Thử hỏi, vỉa hè không có mà đi, thì sao người ta dùng đến cầu vượt, hầm làm gì? Ở đâu có vỉa hè là ở đó có hàng quán, vỉa hè cho người đi bộ bị biến thành món hàng kinh doanh của một số người”.

Ông Hùng cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về Thanh tra giao thông của Sở Giao thông vận tải: “Vi phạm trên đường do cảnh sát giao thông xử lý, vi phạm vỉa hè thì có Thanh tra giao thông, họ được giao nhiệm vụ, có chế tài xử phạt. Nhưng vi phạm giao thông, đặc biệt là lấn chiếm vỉa hè tràn lan thì tại sao không xử lý?”.

Văn Việt

Theo Viết
MỚI - NÓNG