Lập đề án kiểm soát xe cá nhân

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu, phải xây dựng ngay đề án kiểm soát xe cá nhân. Ảnh: Trọng Đảng
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu, phải xây dựng ngay đề án kiểm soát xe cá nhân. Ảnh: Trọng Đảng
TP - Sáng qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo có buổi làm việc với Sở GTVT để giải quyết một số vấn đề giao thông bức xúc trên địa bàn thành phố.

> Người Thủ đô không có chỗ mà đi bộ

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu, phải xây dựng ngay đề án kiểm soát xe cá nhân. Ảnh: Trọng Đảng
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu, phải xây dựng ngay đề án kiểm soát xe cá nhân. Ảnh: Trọng Đảng.
 

Kiểm soát xe cá nhân

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội báo cáo việc triển khai xây dựng các công trình giao thông quan trọng, cấp bách để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc.

Theo ông Hùng, khó khăn lớn nhất trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc hiện nay là lượng phương tiện cá nhân quá lớn. TP có khoảng 3,7 triệu mô tô, xe máy và gần 380.000 ô tô (chưa kể có khoảng 50.000 phương tiện vãng lai), tăng trung bình mỗi năm 12-14%.

Sự gia tăng quá nhanh của phương tiện cá nhân, trong khi đó kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp đang là nguyên nhân chính gây mất trật tự an toàn giao thông và tai nạn giao thông.

Ông Hùng kiến nghị, TP cho phép Sở GTVT được sử dụng cơ chế đặc thù trong việc triển khai, xây dựng một số dự án giao thông cấp bách, trọng điểm. Chỉ đạo các sở ngành tập trung tháo gỡ các khó khăn về thủ tục để việc triển khai một số công trình, dự án đảm bảo trật tự an toàn giao thông và hạn chế ùn tắc như phát triển vận tải hành khách công cộng, xây dựng các bến bãi đỗ tĩnh và các biện pháp nhằm hạn chế phương tiện xe cá nhân...

Đường trên cao sẽ đi trên 2 cầu vượt

Ông Thảo cũng đã nghe đơn vị tư vấn TEDI (Bộ GTVT) báo cáo về phương án xây đường trên cao vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến nút giao thông Ngã Tư Sở. Theo TEDI, quy hoạch mặt cắt ngang của tuyến đường vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Cầu Giấy rộng từ 53 đến 60m. Tuy nhiên, mặt cắt ngang đường hiện tại đoạn rộng nhất mới chỉ khoảng 25,5m.

Trên cơ sở mặt bằng hiện nay, TEDI đã xây dựng 3 phương án (đi ngầm, đi tránh và đi vượt) cho đường trên cao khi đi qua nút Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở. Do phương án đi ngầm và đi tránh phải giải phóng thêm mặt bằng và hiệu quả giao thông không như ý muốn nên tư vấn đã chọn phương án là đi trên cao cầu vượt.

Cụ thể, từ Vĩnh Tuy đến nút Ngã Tư Vọng, đường trên cao vượt trên cầu vượt và là làn đường nằm trên tầng 3, trên cả cầu vượt Ngã Tư Vọng và tuyến đường sắt quốc gia (đã được phê duyệt) tại đây. Phương án này cũng được thực hiện tương tự khi đường trên cao đi qua cầu vượt Ngã Tư Sở.

“Đường trên cao tại nút Ngã Tư Vọng sẽ có chiều cao tương đương với độ cao tòa nhà 5 đến 7 tầng. Đường trên cao ở một số nước trong khu vực cũng có độ cao tương đương, thậm chí ở Singapore cao bằng toà nhà 11 tầng”, đại diện TEDI dẫn chứng.

Ông Nguyễn Thế Thảo kết luận, UBND TP sẽ xem xét từng đề nghị trên, để có những quyết định, điều chỉnh hợp lý. “Đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đẩy lùi ùn tắc luôn là quan tâm hàng đầu của thành phố, do đó Sở GTVT phải quan tâm ưu tiên giải quyết những vấn đề quan trọng trước”, ông Thảo nói.

Theo ông Thảo, thời gian tới, trên cơ sở quy hoạch chung vừa được phê duyệt, Sở GTVT phải phối hợp với các ban ngành liên quan xem xét, rà soát lại các công trình quy hoạch giao thông của TP, làm cơ sở tổ chức lại giao thông. Sở GTVT cần khẩn trương xây dựng ngay đề án kiểm soát sự gia tăng của các phương tiện cá nhân, ô tô, xe máy, xe taxi...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG