Bảo hiểm xã hội thành chủ nợ khổng lồ

Bảo hiểm xã hội thành chủ nợ khổng lồ
TP - Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM dùng mọi hình thức để đòi nợ nhưng đến nay các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn chây ì, nợ đọng hơn 750 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Trốn biệt tăm

Mặc dù có khoảng 80.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TPHCM nhưng theo BHXH TPHCM chỉ một nửa trong số đó tham gia bảo hiểm xã hội.

Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TPHCM cho biết, đến đầu tháng 8-2011 còn hơn 25.000 doanh nghiệp nợ đọng các loại bảo hiểm với số nợ khoảng 750 tỷ đồng. “Chúng tôi đã nộp đơn khởi kiện ra tòa 59 đơn vị với tiền nợ là hơn 15 tỷ đồng nhưng cũng mới thu hồi được hơn 6 tỷ đồng”- ông Sang cho biết.

Theo BHXH TPHCM, do gặp khó khăn trong dinh doanh, không ít doanh nghiệp không đóng các loại bảo hiểm cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp bỏ trốn biệt tăm trong khi còn nợ lương, nợ bảo hiểm.

Mới đây công ty TNHH Jin Sang Vina có 100% vốn Hàn Quốc đóng ở P.Thạnh Lộc, Q.12 khi biết còn nợ bảo hiểm xã hội, giám đốc công ty Lee Yong Nam đã cao chạy xa bay bỏ lại hơn 70 công nhân với số nợ lương gần 150 triệu đồng…

Theo UBND phường Thạnh Lộc, sau khi giám đốc bỏ trốn, tài sản của công ty này chẳng còn gì ngoài một số bàn ghế đã hư hỏng.

Tương tự, công ty Waekwang Vina cũng 100% vốn Hàn Quốc đóng ở huyện Hóc Môn cũng đột ngột ngừng hoạt động. Xác minh sự việc mới biết giám đốc công ty là ông Cho Yong Gak đã rời Việt Nam, bỏ lại số nợ lương công nhân hơn 100 triệu đồng. “Doanh nghiệp thuộc diện nợ khó đòi hầu hết là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều nhất là doanh nghiệp Hàn Quốc và Đài Loan”, ông Sang cho biết.

Ra tòa cũng không ngán

Trước tình trạng nợ khó đòi ở các doanh nghiệp tăng, ông Sang cho biết, đã chuyển danh sách 69 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên với số tiền 31 tỷ đồng cho Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TPHCM để nhắc nhở. Tuy nhiên vẫn “không ăn thua”.

Theo đại diện Sở này tình trạng trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền BHXH và không đóng bảo hiểm y tế diễn ra tràn lan. “Những doanh nghiệp cố tình chây ì không khắc phục buộc chúng tôi phải làm hồ sơ khởi kiện ra tòa”- ông Sang cho biết. Theo đó, từ đầu năm đến nay đã có 66 doanh nghiệp nợ BHXH đã bị khởi kiện ra tòa với tổng số tiền 25,5 tỷ đồng.

Nhiều đơn vị nợ BHXH khủng như: Trung tâm điện thoại di động C.D.M.A nợ 4,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần SX-TM Nam Hòa nợ gần 1,67 tỷ đồng; Công ty Thanh Phong Vina nợ 639 triệu…Tuy nhiên, sau khi vào vòng kiện tụng cũng chỉ thu về được 14,13 tỷ đồng. Công ty TNHH dệt - may Mai Bình Trân ở quận 12 nợ hơn 743 triệu đồng BHXH của 28 công nhân nhưng khi BHXH kiện đơn vị này ra tòa thì không thi hành án được. Đến đầu năm 2011, khi thi hành án, tài khoản của công ty này còn… 500 đồng.

Ông Cao Văn Sang kiến nghị phải nâng mức phạt lên 5-10% tổng số tiền BHXH bị chiếm dụng, còn mức phạt tối đa 30 triệu đồng như hiện nay không đủ sức răn đe. “Áp dụng mức lãi suất 10,5%/năm khi chậm nộp BHXH như hiện nay khiến doanh nghiệp chiếm dụng tiền BHXH để gửi ngân hàng lấy lãi khoảng 20%/năm”- Ông Sang cho biết.

Trước tình trạng người lao động “mất cả chì lẫn chài” khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn, mới đây Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã có tờ trình tham mưu cho UBND TPHCM gửi Thủ tướng Chính phủ xin phép được thực hiện giải pháp xử lý tài sản của những chủ bỏ trốn để giải quyết nhanh quyền lợi của lao động mất việc, bị nợ lương và BHXH.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG