Đổi mới để Quốc hội gần dân hơn

Đổi mới để Quốc hội gần dân hơn
TP - Sáng 22-8, Phiên họp thứ nhất Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII khai mạc tại Hà Nội. Bên cạnh việc đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất, UBTVQH tập trung thảo luận, cho ý kiến về việc xây dựng “Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”.

> Cho ý kiến đề án đổi mới hoạt động Quốc hội

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: TTXVN.
 

“Mục đích việc xây dựng đề án nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của QH, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bảo đảm QH thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân” - Chủ nhiệm Văn phòng QH, ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu trong đề án trình bày tại phiên họp.

UBTVQH sẽ xem xét trình QH nội dung đề án vào kỳ họp tới, trong đó có việc thành lập một tiểu ban giúp việc về vấn đề này. Đổi mới hoạt động của QH được xem xét trên cả 3 chức năng cơ bản của QH là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Ngoài ra, đề án đề cập việc đổi mới căn bản cách thức tổ chức hoạt động tại các kỳ họp QH, của UBTVQH, các Ủy ban, Hội đồng dân tộc, cho đến đại biểu QH (nội dung cụ thể sẽ bàn sâu tại Phiên họp Thường vụ tháng 9 tới).

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn và một số thành viên UBTVQH cho rằng, đề án cần tập trung vào đổi mới cách thức tổ chức, tiến hành hoạt động của QH, nhằm nâng cao chất lượng kỳ họp cao hơn.

“Cần sửa đổi cách thức tổ chức họp QH ở hội trường, tránh việc để quá nhiều đại biểu phát biểu trùng lặp nội dung, làm mất thời gian họp. Đồng thời, có thể quy định thời gian phát biểu tới 10 phút thay vì 7 phút như hiện nay khiến nhiều vấn đề đại biểu đang phát biểu rất hay bị cắt ngang” - Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị.

Cũng theo Phó Chủ tịch nước, ĐBQH cần đổi mới công tác tiếp xúc cử tri, không chỉ tiếp xúc ở địa bàn mình phụ trách, cần mở rộng ra các địa bàn khác trong cả nước. Không nên chỉ tập hợp toàn đại cử tri đến dự tiếp xúc, lần nào cũng chỉ có mấy vấn đề được nêu ra như chính sách cho cán bộ cơ sở, ô nhiễm môi trường, quá tải trường mầm non, chế độ cho TNXP…

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước kiến nghị QH cơ chế để ĐB và các chuyên gia có điều kiện phát huy sáng kiến pháp luật. Ngoài ra, cần nghiên cứu để UBTVQH có thể tổ chức giám sát, ra nghị quyết chuyên đề trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban.

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, cần tạo điều kiện để các ĐB có điều kiện nâng cao năng lực, thực hiện được tốt nhất chức năng, nhiệm vụ là ĐB của nhân dân.

“Đổi mới hoạt động của QH phải bắt đầu từ chính ĐBQH, các cơ quan của QH. ĐB phải gần dân, sát dân hơn. Chúng ta đã hứa trước QH với dân như vậy rồi thì phải làm cho thật tốt, cho nên nếu ĐB chỉ tiếp xúc với cử tri ở địa phương đã bầu ra mình thôi thì chưa đủ”- Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói.

Công tác nhân sự: Không nên vô cảm với dư luận và dân

UBTVQH thống nhất đánh giá Kỳ họp thứ nhất QH Khóa XIII hoàn thành tốt đẹp nội dung chương trình đề ra, tuy nhiên cũng còn một số hạn chế cần khắc phục. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, mặc dù chúng ta đã thẩm tra tư cách đại biểu, nhưng sau kỳ họp, dư luận vẫn xôn xao về tư cách một đại biểu QH. Cần làm rõ, chủ động nắm bắt, cung cấp thông tin cho cử tri đồng thời xem xét lại vấn đề mà báo chí nêu.

Nói về công tác nhân sự, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng, cần phải rút kinh nghiệm. Việc bầu không đủ số lượng ủy viên UBTVQH trước hết là do công tác phân tích, đánh giá tình hình chưa thấu đáo.

QH khóa X bầu một trường hợp cũng căng thẳng lắm, đồng chí Võ Văn Kiệt phải gặp các Trưởng đoàn ĐBQH nắm bắt ý kiến, sau đó chủ động không bầu nữa. Lúc đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải kiêm nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

“Thẩm tra tư cách đại biểu, trước kỳ họp chúng tôi đã nghe phong thanh chuyện này, chuyện kia, sau đó thì báo chí đưa ra. UBTVQH nên thống nhất giao cho Ban Công tác đại biểu đi thẩm tra lại trường hợp này vì đây là vấn đề quan trọng.

Chúng ta không nên đứng ngoài, không nên vô cảm với đại biểu đó, cũng không nên vô cảm với dư luận và nhân dân. Phải làm rõ đúng sai, công bố cho nhân dân biết. Vừa rồi đi tiếp xúc cử tri người ta hỏi tôi cũng không biết trả lời thế nào”- ông Ksor Phước nói.

Đề nghị qui định về khiếu nại đông người

Hôm qua, UBTVQH đã thảo luận và cho ý kiến về một số vấn đề liên quan đến Luật Lưu trữ. Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Khiếu nại.

Qua thảo luận và nhiều ý kiến đề nghị, Thường trực UB Pháp luật đề nghị bổ sung quy định về vấn đề “khiếu nại đông người” để phân biệt với khiếu nại nhiều người về những vụ việc khác nhau, nhiều người đi khiếu nại tập hợp với nhau; bổ sung quy định về việc thụ lý các trường hợp khiếu nại đông người (thông qua đơn tập thể), địa điểm để công dân thực hiện khiếu nại đông người (trình tự, thủ tục giải quyết sẽ do Chính phủ quy định).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG