Làng đèn ông sao lo... không 'sáng'

Làng đèn ông sao lo... không 'sáng'
TPO - Hai tuần nữa đến Tết Trung thu, nhưng không khí sản xuất đèn ông sao truyền thống ở làng sao Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) kém nhộn nhịp hơn hẳn so với mọi năm. Nhiều nhà đã bỏ nghề vì nhiều lý do.

> Làng đèn sao Báo Đáp mùa Trung thu 

Không khí làm đèn tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Xá (xóm 1, thông Bão Đáp, xã Hồng Quang, Nam Trực, Nam Định)
Không khí làm đèn tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Xá (xóm 1, thông Báo Đáp, xã Hồng Quang, Nam Trực, Nam Định).
 

Sản xuất cầm chừng

Chúng tôi đến thăm làng nghề truyền thống đèn ông sao Báo Đáp một ngày cuối tháng tám. Cùng thời điểm này các năm trước, nhà nào cũng chất đầy đèn từ ngoài ngõ. Những bó đay, những chồng giấy bóng, lạt nứa,… nằm đầy sân. Nhưng, "mùa" trung thu nay, không khí kém sôi động hơn hẳn. Chỉ còn lác đác vài hộ gia đình bám trụ với nghề làm đèn. Không còn cảnh nhộn nhịp, tấp nập ra vào mua bán. Tâm trạng bồn chồn, lo lắng hiện rõ trên nét mặt người dân.

Nguyên nhân của tình trạng này do sự lấn át của hàng ngoại, chủ yếu là các mặt hàng đồ chơi Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Văn Xá (xóm 1, thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang), đèn ông sao truyền thống bị cho là đơn điệu quá nên trẻ em không thích.

“Bây giờ, điều kiện kinh tế khá giả, bố mẹ thường mua cho con những đồ chơi sang trọng, đắt tiền, có màu sắc bắt mắt, phát ra âm thanh, tiếng động. Tuy nhiên, là nghề truyền thống có từ bao đời nay nên gia đình tôi, cũng như nhiều hộ khác trong thôn Bão Đáp, vẫn cầm cự với nghề, tuy sản xuất cầm chừng“ – vừa hút điếu thuốc, ông Xá thở dài chia sẻ.

Bắt đầu qua rằm tháng Giêng, có người vận chuyển tre nứa mua từ các huyện Quan Hóa, Bá Thước (Thanh Hóa), đem ngâm dưới sông hai tháng. Đến giữa tháng ba (tính theo âm lịch), họ vớt nứa lên đem chẻ lạt, làm khuôn dần. Sau đó, mua giấy bóng ni-lon trên phố Hàng Mã (Hà Nội) về nhuộm các màu xanh đỏ, phơi khô đem bảo quản. Các bó đay cũng được tìm mua ở Thái Bình.

Đến khoảng tháng 5, người dân bắt tay vào làm đèn. Cũng có nhiều gia đình tranh thủ làm từ tháng ba, lúc nhàn rỗi. Nhộn nhịp nhất phải vào khoảng giữa tháng bay đến đầu tháng tám.

Hộ ông Vũ Văn Chủng (xóm 4, thôn Bão Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định) cho biết, trung bình mỗi ngày, một người trong gia đình ông làm được 100 chiếc đèn.

Hiện tại, nhà ông đã làm được khoảng 20.000 chiếc đèn ông sao. Sang đầu tháng tám âm lịch (từ mồng 2 đến 5-8), các thương lái mới đến lấy hàng đặt tại nhà ông. Giá cả đèn tùy từng loại lớn bé. Cái bé giá 3.000 đồng, trung bình 5.000 đồng, lớn 7.000 đồng.

Em Vũ Thị Yến (xóm 4, thôn Bão Đáp) thoăn thoắt làm đèn
Em Vũ Thị Yến (xóm 4, thôn Báo Đáp) thoăn thoắt làm đèn.
 

Tiếp lửa cho đời sau

Dù chỉ mang tính thời vụ, nhưng đã làm thì gia đình nào cũng dành hết tâm huyết cho công việc. Người lớn ngồi chẻ nứa, vót nan, dán giấy bóng, viền kim tuyến, trong khi đó, các em nhỏ thu xếp thật gọn gàng.

Hai tay thoăn thoắt đưa những sợi dây vàng, miếng keo dán vào lạt nứa, lấy các tờ giấy bóng ni-lon dán vừa khít, em Vũ Thị Yến (học sinh lớp 12, con ông Vũ Văn Chủng, xóm 4) nói: "Từ nhỏ, em đã học cách làm từ bố mẹ, anh chị, và tập làm. Đến giờ, trung bình mỗi ngày, em có thể làm khoảng 50 đèn ông sao".

Tại làng nghề đèn sao Báo Đáp, hộ gia đình ông Vũ Văn Kháng (xóm 4, thôn Báo Đáp) luôn dẫn đầu về tổng số đèn lồng làm ra.

Ông Kháng cho biết, trung bình mỗi năm, nhà ông sản xuất khoảng 60.000 – 70.000 đèn ông sao, thu về khoảng 40 – 50 triệu đồng, sau khi đã trừ các chi phí. Riêng năm 2010, nhà ông xuất tới 120.000 chiếc. Các cửa hàng thu mua đèn nhà ông chủ yếu trên phố Hàng Mã (Hà Nội). Trong đó, các cửa hàng số 1, 3, 5 phố Hàng Mã thu mua nhiều nhất.

Ông Vũ Văn Kháng (xóm 4, thôn Bão Đáp) tin chắc vào nghề truyền thống sẽ vẫn trụ vững
Ông Vũ Văn Kháng (xóm 4, thôn Báo Đáp) tin chắc vào nghề truyền thống sẽ vẫn trụ vững .
 

Theo ông Kháng, trước đây, một số hộ gia đình từng thử áp dụng làm đèn ông sao bằng máy móc, sản xuất hàng loạt nhanh gấp mấy lần làm thủ công. Tuy nhiên, nhược điểm của kiểu làm này nằm ở chỗ các thanh tre nứa được thay bằng nhựa ép, khi dán giấy bóng vào sẽ không kết dính, rốt cuộc đành phải quay lại làm thủ công.

Nhà nào cũng tận dụng hết nhân lực để làm. Bé thì làm những công việc đơn giản như sắp xếp, trang trí đường viền cho đèn. Người lớn thì hoàn tất các quy trình còn lại.

“Để tiết kiệm thời gian, tăng số lượng, chúng tôi thường tự làm các công đoạn đầu tiên, sau khi dán giấy bóng thành hình ngôi sao, đem đi khoán cho hộ khác làm nốt các công đoạn cuối như quấn vòng hoa kim tuyến, sau đó cho người nhà thu gom về, đóng gói cẩn thận, chờ xe đến là xuất hàng” – Ông Kháng cho biết thêm.

Ngoài sản xuất đèn ông sao, nhà ông Đáp còn làm cả hoa nhựa. Theo ông, mỗi chiếc đèn ông sao bán được 3.000 đồng - 4.000 đồng, trong đó, khoảng 1.500 đồng tiền mua nguyên vật liệu.

Tuy thu nhập không được bao nhiêu nhưng ông Kháng vẫn quyết tâm gắn bó với nghề. Bởi, theo ông, dù không được màu mè, bắt mắt, sinh động như đồ chơi Trung Quốc, nhưng đèn ông sao vẫn gần gũi với người Việt Nam, phù hợp với điều kiện kinh tế của đa số các hộ gia đình. Còn người chơi thì nghề vẫn phát triển được.

Quan trọng hơn chính ở chỗ tạo và giữ được các đầu mối có uy tín nên không sợ bị trả lại hàng, thua lỗ như một số hộ khác. Là nghề của cha ông để lại, các thế hệ con cháu của gia đình ông cũng đang được “tiếp lửa” để giữ nghề.

Theo Viết
MỚI - NÓNG