Nhường tư nhân nắm quyền chi phối

Khu đất, trụ sở Cosevco khi xác định giá trị tài sản để CPH thấp hơn gần 46 tỷ đồng so với giá trị thực. Ảnh: P.V
Khu đất, trụ sở Cosevco khi xác định giá trị tài sản để CPH thấp hơn gần 46 tỷ đồng so với giá trị thực. Ảnh: P.V
TP - Những dấu hiệu làm mất vốn nhà nước, bỏ lọt những khoản nợ công lớn, để tư nhân nắm quyền chi phối sau khi cổ phần hóa… đang khiến Tổng Cty miền Trung (Cosevco) một lần nữa trở thành “điểm nóng” sau sự kiện một loạt lãnh đạo chủ chốt của đơn vị này bị khởi tố từ vài năm trước…

> Cosevco phải trả đủ số nợ hơn 6,2 tỷ đồng

Khu đất, trụ sở Cosevco khi xác định giá trị tài sản để CPH thấp hơn gần 46 tỷ đồng so với giá trị thực. Ảnh: P.V
Khu đất, trụ sở Cosevco khi xác định giá trị tài sản để CPH thấp hơn gần 46 tỷ đồng so với giá trị thực. Ảnh: P.V .

Ráo riết chọn “cửa dưới”

COSEVCO (trực thuộc Bộ Xây dựng) là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có bề dày hoạt động 35 năm với 35 đơn vị thành viên gồm hàng vạn cán bộ công nhân viên (CBCNV).

Từ năm 2008, Bộ Xây dựng ký quyết định cổ phần hóa (CPH) Cosevco, lập ban bệ chỉ đạo thực hiện việc này. Tuy nhiên, công việc bị “bỏ bẵng” mấy năm trời. Từ tháng 5-2011 trở lại đây, Bộ Xây dựng lại ráo riết ra hàng loạt quyết định phê duyệt, để rồi đến cuối tháng 7-2011, Cosevco chính thức CPH xong, nhanh chóng tổ chức bán đấu giá tài sản…

Việc xác định giá trị doanh nghiệp và giá trị phần vốn nhà nước của Cosevco để CPH tại thời điểm này lại căn cứ vào báo cáo tài chính từ các năm trước đó. Trong khi theo quy định của nhà nước: Thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp và giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cách thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp tối đa không quá 6 tháng …” (Thông tư 146/2007 của Bộ Tài chính).

Giá trị thực tế của doanh nghiệp được xác định là trên 3.742 tỷ đồng (lấy số tròn – PV), trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là trên 202 tỷ đồng. Về vốn điều lệ, Cosevco trình lên Bộ hai phương án là 350 tỷ và 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng không chọn phương án 350 tỷ mà lại chọn 450 tỷ.

Điều này đồng nghĩa với việc nhà nước chỉ chiếm 44,89% vốn điều lệ, nhường “cửa trên” cho tư nhân nắm quyền chi phối. Trong khi tổng giá trị tài sản chênh 680 tỷ đồng so với số liệu trước khi chưa xác định lại. Số tiền chênh lệch này để làm gì trong khi vốn nhà nước lại bị giảm?

Trước đó, ngày 10-6-2011, Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn thanh niên của Cosevco đã thay mặt đông đảo CBCNV Tổng Cty gửi kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ đề nghị nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trên 51%).

Ngay sau đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc đến Bộ Xây dựng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ thực hiện các biện pháp cần thiết khi CPH nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của cổ đông, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có vốn để phát triển tốt. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng chưa có động thái gì sau khi tiếp nhận chỉ đạo trên.

Có khuất tất?

Đầu tháng 9 mới đây, tập thể cán bộ hưu trí và đương chức Cosevco tiếp tục gửi đơn đến Chính phủ và các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ những dấu hiệu không bình thường trong quá trình CPH tại đơn vị.

Theo đó, về giá trị thực tế của doanh nghiệp, tại Nghị quyết số 14/NQ-TCT (ngày 22-3-2011) của Tổng Cty xác định giá trị doanh nghiệp là 3.768 tỷ đồng. Nhưng tới Quyết định 469/QĐ-BXD (ngày 12-5-2011) của Bộ, thì con số này giảm còn 3.742 tỷ đồng.

Thực tế, toàn bộ tài sản của Cosevco không chỉ khiêm tốn như những con số trên. Bởi riêng giá trị Nhà máy xi măng Sông Gianh (tại Quảng Bình) đã được chào bán tới 255 triệu USD. Chưa kể việc không tính 3 mỏ đá Lèn Na, Lèn Bảng và mỏ đất sét Mai Hóa (Quảng Bình – thuộc Nhà máy xi măng Sông Gianh) vào giá trị doanh nghiệp, làm mất vốn nhà nước.

Khu đất trụ sở Tổng Cty (517 Trần Cao Vân - Đà Nẵng), khi xác định giá trị doanh nghiệp để CPH chỉ đưa mức 42,8 tỷ đồng, nhưng giá thực tế do cơ quan chuyên môn thẩm định theo yêu cầu của Cosevco thì có giá trị tới 98,8 tỷ. Số tiền chênh lệch gần 46 tỷ trên đã bị bỏ ra ngoài.

Ngoài ra, việc xử lý tài chính của Tổng Cty không rõ ràng, như khoản nợ lũy kế của Cty xi măng Sông Gianh 750 tỷ, khoản nợ không thu hồi được 160 tỷ…, dẫn đến làm giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp trước khi CPH. Chưa kể Cosevco vẫn chây ỳ trong việc trả nợ khách hàng, trốn tránh nghĩa vụ thi hành bản án lên đến hàng chục tỷ đồng.

Nhà máy xi măng Sông Gianh hoàn thành đi vào sử dụng từ năm 2006, là dự án nhóm A với tổng mức đầu tư gần 3.200 tỷ đồng. Một loạt sai phạm từ dự án này cũng như nhiều dự án khác khiến Chủ tịch HĐQT Trần Xuân Đính bị khởi tố bắt giam (tháng 2-2008).

Trước đó, ông Đính đại diện Cosevco ký văn bản hợp tác toàn diện với Công ty CP Đầu tư Thương mại HB, trong đó HB chiếm giữ 90% giá trị nhà máy. Việc liên doanh sau đó không thành, nhưng hiện tại, Cty CP Đầu tư Thương mại HB cũng chính là cổ đông chi phối của Tổng Cty CP Cosevco.

Điều đáng nói là sau 5 năm hoạt động, đến nay, dự án Nhà máy xi măng Sông Gianh vẫn chưa được quyết toán! Không rõ Cosevco dựa trên cơ sở nào để xác định tài sản doanh nghiệp và tiến hành CPH một cách nhanh gọn như vậy?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.