Bảo vệ biển bằng thương hiệu biển

Bảo vệ biển bằng thương hiệu biển
TP - Trước nguy cơ suy thoái tài nguyên môi trường biển, đảo do khai thác quá mức, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) đang nỗ lực xây dựng diễn đàn “Thương hiệu biển Việt Nam”. Phó Tổng cục trưởng VASI Nguyễn Đăng Đạo trao đổi với Tiền Phong về đề án này.

> Dạy học sinh về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
> 17,3 tỷ đồng “Góp đá xây Trường Sa”

 
Bảo vệ biển bằng thương hiệu biển ảnh 1

Có thể hiểu về thương hiệu này như thế nào thưa ông? Những sản phẩm, sản vật nào của biển Việt Nam hội đủ tiêu chuẩn để được gắn “Thương hiệu biển Việt Nam”?

Chúng ta có nhiều sản phẩm, sản vật biển cần được xây dựng, nhận định giá trị chất lượng. Chẳng hạn, nghe đến yến sào là biết ngay Nha Trang, nói đến nước mắm nhớ ngay Phú Quốc… Mỗi sản phẩm, sản vật mang giá trị đặc trưng, làm sao để khách hàng nhận diện được sản vật đó là của biển Việt Nam chứ không phải của vùng biển nước nào khác.

Phó Tổng cục trưởng VASI Nguyễn Đăng Đạo
Phó Tổng cục trưởng VASI Nguyễn Đăng Đạo.

Biển Việt Nam có tài nguyên phong phú, tuy nhiên chưa thực sự nổi bật so với các vùng biển của các quốc gia khác, đó chính là lý do chúng tôi xây dựng Thương hiệu biển Việt Nam. Ngoài yếu tố bản sắc nhận diện, thương hiệu này còn có vai trò định vị kinh tế biển Việt Nam dưới góc nhìn thương hiệu, nâng tầm giá trị di sản...

Xây dựng “Thương hiệu biển Việt Nam” sẽ thúc đẩy quảng bá du lịch, kinh tế biển, góp phần tuyên truyền bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu để đề xuất thêm các sản phẩm, sản vật biển có thể gắn “Thương hiệu biển Việt Nam”.

Để phục vụ việc xây dựng Thương hiệu biển Việt Nam và nhiều hoạt động khác liên quan tới biển đảo, mới đây VASI có tổng kết những nghiên cứu, thăm dò mới nhất về tài nguyên biển Việt Nam, kết quả như thế nào?

Chúng ta có tiềm năng tài nguyên biển rất lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của đất nước, đặc biệt là dầu khí, hải sản và giao thông vận tải thủy. Hiện trong vùng biển nước ta có khoảng 35 loại hình khoáng sản có quy mô trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán đá quý, khoáng sản lỏng. Nguồn dầu khí đã thăm dò, khảo sát có trữ lượng khoảng 2-4 tỷ tấn dầu quy đổi.

Đặc biệt, sự phát hiện mới đây ở vùng cát ven biển và biển ven bờ Nam Trung Bộ cho thấy trữ lượng các sa khoáng có thể đứng đầu thế giới. Nguồn lợi hải sản trong vùng biển nước ta với trữ lượng khoảng 5 triệu tấn, khả năng cho phép đánh bắt 2,3 triệu tấn/năm.

Dọc ven biển có hơn 800 nghìn ha bãi triều và các đầm, vịnh, phá rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, có giá trị xuất khẩu cao.

Trong các báo cáo gần đây, các nhà môi trường Việt Nam và quốc tế đều bày tỏ lo ngại về ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên biển, ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

Thực tế môi trường biển đang ô nhiễm với hàm lượng dầu trong nước biển ở một số khu vực đã đến mức đáng báo động. Hệ sinh thái rạn san hô và thảm cỏ biển, rừng ngập mặn bị suy giảm nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, hiện diện tích thảm cỏ biển của nước ta bị giảm tới 40-60% do biến đổi khí hậu, nạn lấn biển để xây dựng các ao nuôi trồng thủy sản và các công trình ven biển. Nếu như năm 1943 cả nước có tới 408.500ha rừng ngập mặn thì đến năm 2007 chỉ còn 209.741ha.

Đặc biệt là các sự cố tràn dầu ở hầu hết các vùng biển của Việt Nam, các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền từ tàu thuyền... chưa được kiểm soát thích đáng.

Các cấp quản lý đã có giải pháp nào để bảo vệ tài nguyên biển đảo và hạn chế tình trạng ô nhiễm, thưa ông?

Vấn đề cấp bách nhất hiện nay là phải quản lý và xử lý hiệu quả các chất thải, chất gây ô nhiễm trước khi đổ ra biển ở các lưu vực sông và từ các hoạt động kinh tế biển. Tăng cường kiểm soát và sẵn sàng ứng cứu các sự cố môi trường biển, các vụ tràn dầu không rõ nguồn gốc...

Mặt khác, ngăn ngừa suy thoái và có biện pháp phù hợp phục hồi các hệ sinh thái quan trọng như rạn san hô, rừng ngập mặn và thảm cỏ biển.

Nhà nước sớm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn về môi trường biển, kiểm soát ô nhiễm, hệ thống cấp và thu hồi giấy phép cho thuê, sử dụng biển, đảo.

Đi đôi với việc phải cương quyết giảm số lượng tàu thuyền đánh bắt cá nhỏ, tổ chức lại đội hình đánh bắt hải sản và tăng cường hiệu suất khai thác, tạo sự lan tỏa sản phẩm biển Việt Nam thân thiện với môi trường.

Chúng ta phải khẩn trương xây dựng quy hoạch sử dụng tổng hợp tài nguyên và bảo vệ biển và hải đảo ở cấp khác nhau đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trên cơ sở đó phân bổ nguồn lực và điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các ngành, địa phương, nhằm tiến tới chấm dứt khai thác biển, đảo và vùng ven biển một cách tự phát, tạo ra nhiều hơn nữa thương hiệu sản vật, sản phẩm biển Việt Nam thân thiện với môi trường ở tầm quốc gia và quốc tế.

Cảm ơn ông.

Mỹ Hằng thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG