Thăm con làm dâu xứ Kim Chi

Gia đình đoàn tụ vui vẻ
Gia đình đoàn tụ vui vẻ
TP - Chuyến bay đêm từ Việt Nam sang Hàn Quốc hôm ấy có những người nông dân lần đầu sang quê ông bà thông gia thăm con gái. Hành lý của 18 gia đình lỉnh kỉnh thực phẩm và quà “made in Vietnam” để tặng sui gia.

> Lấy chồng ngoại: Bài toán kinh tế và hạnh phúc

Hai bà thông gia trong phút gặp mặt
Hai bà thông gia trong phút gặp mặt.
 

Phận làm dâu

Tiếng khóc dồn nén bấy lâu vỡ òa, thành những vòng ôm siết chặt yêu thương khi cha mẹ, con cái nhận ra nhau. Bốn năm, có cả những người bảy năm mới được gặp lại cha mẹ, người thân. Bà Nguyễn Thị Thắng (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), mẹ của chị Nguyễn Duyên Thúy (làm dâu tại tỉnh Chung Buk) gặp lại đứa con gái út bé bỏng ngày nào giờ đã là mẹ của 2 đứa con.

Ôm chặt hai đứa cháu ngoại lần đầu gặp mặt vào lòng, bà Thắng chỉ biết khóc và khóc. Thúy lấy chồng từ năm 18 tuổi, chồng lớn hơn vợ 17 tuổi. Năm nay con gái lớn đã 4 tuổi, con trai út được 9 tháng nhưng chưa một lần Thúy về thăm quê. Sự từng trải và những lặng thầm của cuộc sống tinh thần hằn trên đôi mắt cô gái trẻ mới 23 tuổi…

Hiện, hơn 80% cô dâu Việt làm dâu xứ Hàn phải sống chung với cha mẹ chồng. Thực tế cuộc sống chung này đã nảy sinh tình huống mâu thuẫn khá phổ biến giữa mẹ chồng với nàng dâu. Đó là khi người chồng kiếm được tiền, thường mang về đưa mẹ, khi cãi nhau thì cũng đứng về phía gia đình, điều đó khiến các cô dâu Việt cảm thấy tủi thân.

Dạy tiếng Hàn cho các cô dâu Việt
Dạy tiếng Hàn cho các cô dâu Việt.

Thúy cũng không phải ngoại lệ, mẹ chồng là người khá kỹ tính, chỉ dùng những món ăn Hàn Quốc, thêm nữa lại để ý đến từng việc làm, cách cư xử trong sinh hoạt của con dâu. Tiếng Hàn không biết một chữ, chồng lại đi làm cả ngày, không ai hướng dẫn, những năm đầu sang Hàn Quốc, Thúy đã sống trong đầy rẫy khó khăn và chỉ biết khóc thầm.

Không hiểu cha mẹ chồng và chồng nói gì, không giao tiếp được với xung quanh. Đến những món ăn hàng ngày cũng trở thành cực hình với cô gái nhỏ lần đầu xa nhà, vì khẩu vị không hợp. Thúy sống lặng lẽ, thu mình, nuốt nước mắt vào trong vì không biết chia sẻ với ai, tâm sự với bố mẹ ở Việt Nam lại càng không thể bởi cô không muốn bố mẹ lo lắng, đau lòng.

Trong khi ở Việt Nam, gia đình ông Nguyễn Thành, bố của Thúy được coi là khá giả nên thấy con mình sống trong ngôi nhà nhỏ và có phần sơ sài, ông không khỏi chạnh lòng. Quyết định lấy chồng Hàn Quốc là do Thuý tự lựa chọn, nên cô đã phải cố gắng rất nhiều.

Sau 2 năm sang Hàn, Thúy đã tự làm được nhiều món ăn Hàn Quốc và giao tiếp được với mọi người nhưng việc hòa nhập với gia đình chồng vẫn còn khá nhiều trở ngại. Thúy nói: “Bây giờ sống với mẹ chồng cũng khổ, nhưng chồng nói là con trưởng nên không thể ra ở riêng. Được cái chồng yêu thương vợ nên cũng được an ủi phần nào”.

Chồng Thúy bảo: “Thấy vợ buồn rầu, không ít lần tôi nói với mẹ mình rằng mẹ xem lại đi, con trai mẹ thì nhiều tuổi, lại nghèo, có được con dâu trẻ, xinh đẹp, ngoan mà sao không đối xử tốt với nó?”. Cuộc sống của Thúy là lo việc nội trợ trong nhà, thi thoảng giúp chồng chăm sóc vườn táo. Biết vợ buồn vì nhớ bố mẹ và chị em ở Việt Nam nên chồng Thúy cũng thi thoảng thu xếp công việc đưa vợ con đi du lịch trong nước.

Gia đình đoàn tụ vui vẻ
Gia đình đoàn tụ vui vẻ.
 

Còn đối với Phạm Thị Ngọc (sinh năm 1987), lấy chồng Hàn Quốc là món quà may mắn của cuộc sống. Sang Hàn từ năm 2006, Ngọc trở thành vợ của người đàn ông hơn mình 10 tuổi và đã có con riêng 6 tuổi.

Ngọc cười hồn nhiên nhớ lại thời điểm quyết định lấy chồng ngoại quốc của mình: “Em có 4 cô bạn lấy chồng Hàn Quốc nên cũng thích lắm. Hôm anh ấy qua Việt Nam xem mặt, em gặp thấy hiền lành, đẹp trai, dễ thương nên đồng ý ngay”.

Về làm dâu nơi văn hóa và ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ, nỗi nhớ nhà chất ngất khiến Ngọc không ít lần tủi thân rơi nước mắt. Mẹ chồng hiền hậu, chỉ bảo cho cô từng chút trong việc nấu ăn. Đến giờ món Kim chi mà Ngọc làm luôn được mẹ chồng khen là còn khéo hơn món của con gái Hàn.

Cũng may mắn cho Ngọc, người chồng thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cô: đưa vợ đi học tiếng Hàn, chia sẻ việc nhà, chăm con với vợ, cuối tuần cả nhà lại về thăm ông bà nội. Cậu bé Kim Jin Song đã hơn 2 tuổi nói tiếng Hàn như gió và đang bập bẹ học tiếng Việt.

Hiểu được mong ước của vợ nên đã hai lần chồng Ngọc đưa gia đình nhỏ về Việt Nam thăm bố mẹ vợ. Năm nào chồng Ngọc cũng đưa tiền cho vợ gửi về Việt Nam biếu bố mẹ. Chồng là lao động chính trong nhà nhưng tiền kiếm được đưa vợ phần lớn để chi tiêu. Ngọc bảo cô thấy thoải mái khi sống ở quê chồng.

Bà Phạm Thị Thu Nguyệt, mẹ của Ngọc thở phào nhẹ nhõm khi thấy cảnh con gái sống bình yên, hạnh phúc. Nỗi nơm nớp lo con gái bị đối xử không tốt được xua tan. Quay sang con gái, bà Nguyệt nói khẽ: “Đừng có thấy chồng chiều mà bắt nạt nó nhé, phụ nữ thì phải dịu dàng, mẹ thấy bố bọn trẻ cũng là người biết điều lắm đấy”. Niềm vui lan tỏa trên nét mặt hai mẹ con…

Chị Trần Thị Thảo (27 tuổi), quê ở huyện Gò Dậu, tỉnh Tây Ninh, sang Hàn Quốc từ năm 2004 cho biết, không ít cặp vợ chồng Việt – Hàn cũng chỉ vì bất đồng ngôn ngữ nên gây ra cãi lộn. Thêm nữa, tâm lý các cô gái Việt nghĩ rằng lấy chồng Hàn Quốc sẽ được cuộc sống giàu sang, phú quý, nhưng nhiều khi sang gia đình chồng thấy gia cảnh nghèo, chồng không đẹp như trong phim, đôi khi lấy phải chồng tàn tật thì sinh ra thất vọng.

Bữa cơm đoàn tụ của gia đình Thúy
Bữa cơm đoàn tụ của gia đình Thúy.
 

Chỗ dựa

Sống xa nhà, không người thân thích nhưng các cô gái hầu như không được trang bị kiến thức gì trước khi làm dâu xứ người. Để giúp các cô dâu hòa nhập với cộng đồng, chính phủ Hàn Quốc đã thành lập các Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa tại hầu hết các tỉnh, thành ở Hàn Quốc. Tại đây, các cô dâu Việt được học tiếng Hàn miễn phí, những người ở xa, có con nhỏ, trung tâm cử giáo viên đến nhà dạy miễn phí.

“Bộ Gia đình và Phụ nữ Hàn Quốc đã thành lập đường dây nóng để giúp các cô dâu bị bạo hành. Đối với những công ty môi giới hôn nhân nếu sai phạm trong việc cung cấp thông tin sẽ bị cấm hoạt động.

Bộ Gia đình và Phụ nữ Hàn Quốc đã ký kết văn bản ghi nhớ với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khi phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc hai bên phải tìm hiểu nhau trước khi cưới”.

Ông Seoung Cheoul Kim - Bộ Gia đình và Phụ nữ Hàn Quốc cho biết: “Bộ Gia đình và Phụ nữ Hàn Quốc đã thành lập đường dây nóng để giúp các cô dâu bị bạo hành. Trước tình trạng bạo hành gia đình, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra những qui định trước khi kết hôn phải làm gì? Tình trạng sức khỏe như thế nào?

Đối với những công ty môi giới hôn nhân nếu sai phạm trong việc cung cấp thông tin sẽ bị cấm hoạt động. Bộ Gia đình và Phụ nữ Hàn Quốc đã ký kết văn bản ghi nhớ với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khi phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc hai bên phải tìm hiểu nhau trước khi cưới”.

Ông Lee Kwang Hee - Chủ tịch Hội Vì ngày mai tươi sáng, tỉnh Chung Buk, Hàn Quốc chia sẻ: “Việc bố mẹ cô dâu sang Hàn Quốc gặp con và biết con sống như thế nào thì sẽ yên tâm hơn khi về Việt Nam. Các cô dâu Việt Nam ở đây được đánh giá rất tốt, rất chăm chỉ và biết vun vén cho gia đình.

Từ tháng 10 năm ngoái Chính phủ đã quy định ai muốn lấy người nước ngoài thì phải học văn hóa của nước đấy. Điều này cho thấy Chính phủ đã rất quan tâm tới cuộc sống của các cô dâu nước ngoài sinh sống ở Hàn Quốc”.

Trong bữa cơm thân mật gặp mặt các gia đình thông gia, những bản cam kết sống hòa thuận, yêu thương nhau đã được các chú rể Hàn Quốc và cô dâu Việt Nam cùng ký trước sự chứng giám của cả hai gia đình đã cho thấy những mong muốn về một cuộc sống hạnh phúc lâu dài…

Với những cô dâu Việt, làm dâu xứ người, ngoài sự may mắn hay rủi ro mà số phận mang lại, thì có thể nói, chính họ phải nỗ lực trong việc vươn lên, hòa nhập với đời sống văn hóa Hàn Quốc để yên tâm làm tốt bổn phận làm vợ, làm dâu, làm công dân của xứ sở này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG