Phải đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột

Phải đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột
Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng Việt Nam vừa bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký độc quyền tại nước này. Rồi đây, người ta lo ngại, DN này sẽ đăng ký sở hữu nhãn hiệu trên toàn cầu, khi ấy, cà phê Việt Nam sẽ bị chặn đứng trên trường quốc tế.

 > DN Trung Quốc chiếm thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột

Cà phê Buôn Ma Thuột đang bị lợi dụng thương hiệu
Cà phê Buôn Ma Thuột đang bị lợi dụng thương hiệu.

Cà phê Buôn Ma Thuột ở Trung Quốc

Nhãn hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” bị Công ty TNHH Cà phê Quảng Châu - Buôn Ma Thuột, có trụ sở tại Trung Quốc đăng ký sở hữu tại nước này vào ngày 14-11-2010. Sự việc này khiến nhiều người và các DN cà phê Đắk Lắk lo lắng, rồi đây, cà phê mang chỉ dẫn địa lý này của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, và lo ngại hơn, là thị trường quốc tế.

Được biết, Sở KH-CN Đắk Lắk đang bàn bạc tìm giải pháp để đòi lại thương hiệu cà phê nổi tiếng này. Trong khi đó, ông Trần Việt Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, trợ lý Bộ trưởng Bộ KH-CN cho rằng, việc khởi kiện để đòi lại thương hiệu cần phải làm càng nhanh càng tốt, để tránh những rắc rối, thiệt hại.

Ông Hùng nhận định, DN Trung Quốc đăng ký nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột tại nước sở tại là không hề vi phạm pháp luật nước này. Về nguyên tắc, khi chưa có DN nào đăng ký độc quyền, thì họ được phép đăng ký tên thương hiệu tùy thích. Tuy nhiên, việc đăng ký thương hiệu không được nhằm dụng ý xấu, trục lợi.

“Dù chưa có căn cứ để xác định họ đăng ký thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột với dụng ý xấu, hay cũng như chưa có thông báo, họ sẽ lợi dụng đăng ký độc quyền để cấm cà phê Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc, song việc loại bỏ nhãn hiệu độc quyền này cần làm càng sớm càng tốt và có thể thực hiện khởi kiện tại tòa án Trung Quốc”, ông Hùng cho biết.

Luật của Trung Quốc cũng như nhiều nước khác tham gia WTO, đều quy định quyền của bất kỳ ai khi thấy có dụng ý xấu, làm ăn không trung thực thì có quyền yêu cầu huỷ bỏ các hành vi chiếm đoạt, lợi dụng uy tín nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý các nước khác gây nhầm lẫn xuất xứ sản phẩm. Cà phê Buôn Ma Thuột không những đã nổi tiếng ở Việt Nam nhiều năm qua, nó còn gắn với một địa danh cụ thể, bởi vậy, việc khởi kiện và giành thắng lợi là hoàn toàn có hy vọng.

Khởi kiện càng sớm càng tốt

Còn nhớ, vụ kiện kẹo dừa Bến Tre năm 1999. Nhãn hiệu này cũng đã bị một DN Trung Quốc đăng ký độc quyền trên đất nước Trung Quốc. Sau đó, một DN Việt Nam đã lặn lội sang tận Trung Quốc để khởi kiện và đã thắng kiện. Bởi vậy, ông Hùng cho rằng, UBND tỉnh Đắk Lắk cần nhanh chóng vào cuộc, thông qua văn phòng luật sư để khởi kiện, đòi lại thương hiệu của mình.

“Việc này cần được làm ngay, bởi, cũng có thể, DN Trung Quốc này sẽ đăng ký bảo hộ ra thế giới, có quốc gia sẽ chấp nhận, có quốc gia sẽ không chấp nhận, khi đó, quá trình đi kiện đòi lại thương hiệu sẽ khó khăn, phức tạp hơn nhiều”, ông Hùng cảnh báo.

Đây không phải lần đầu tiên, nông sản Việt Nam bị đánh cắp thương hiệu. Là một quốc gia nổi tiếng với nhiều sản phẩm nông sản như sầu riêng Nhơn Thành, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn, gạo tám Hải Hậu… song việc quan tâm đến đăng ký chỉ dẫn địa lý, thương hiệu còn rất mù mờ và ít. Trong bối cảnh, cả thế giới đều quan tâm tới nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, thì việc đăng ký thương hiệu, bảo hộ độc quyền là cần thiết.

Việt Nam đã tham gia vào hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế (WIPO) theo Nghị định thư Madrid, vì thế, nếu muốn đăng ký ở châu Âu thì không cần đăng ký từng nước mà sẽ có hiệu lực tại tất cả các nước tham gia nghị định thư này.

Theo đó, kinh phí để đăng ký bảo hộ độc quyền tại 10-20 nước hiện mất khoảng 1.000-2.000 USD, bảo hộ trong thời gian 10 năm, sau đó kinh phí gia hạn sẽ rẻ hơn. “Nếu đăng ký bảo hộ độc quyền trên thế giới, thì nên chọn lựa những nước chúng ta xuất khẩu nhiều, hoặc những đối tác tiềm năng”, ông Hùng đưa ra lời khuyên.

Chúng ta cần phải khởi kiện để đòi lại thương hiệu cho cà phê Buôn Ma Thuột, vì “Buôn Ma Thuột” là thương hiệu lớn và tài sản của Việt Nam, không thể đổi lại bằng thương hiệu khác. Đồng thời, thương hiệu cà phê “Buôn Ma Thuột” cũng đã đăng ký chỉ dẫn địa lý, có liên quan tới các vấn đề như khí hậu nên không dễ dàng thay đổi.

Hiện, UBND tỉnh Đắk Lắk cùng với Hiệp hội Cà phê Đắk Lắk đang làm các thủ tục để kiên quyết khởi kiện phía công ty của Trung Quốc”, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - cao cao Việt Nam cho biết.

Theo Ngân Tuyền
An ninh thủ đô

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.